Hậu quả sớm của công nghiệp hoá thiếu tầm nhìn

Doanh nghiệp thi nhau... xả

Một góc sông Đáy Ảnh: Ngọc Thắng

Một góc sông Đáy Ảnh: Ngọc Thắng

Theo các sở Tài nguyên môi trường, hiện nay có khoảng 200.000m3 nước thải/ngày đêm được tuôn vào dòng chảy của sông Nhuệ và sông Đáy từ tám khu công nghiệp, cụm công nghiệp với trên 157 dự án đang hoạt động, 266 cơ sở ngoài khu công nghiệp, cụm công nghiệp, 358 làng nghề và các nguồn nước thải phát sinh từ các khu đô thị, khu dân cư, khách sạn, nhà hàng, cơ sở y tế. Và theo đánh giá chung, lượng nước thải này chưa được thu gom, xử lý đạt quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất thải.

Theo ông Trần Thế Loãn, trưởng phòng Kiểm soát ô nhiễm của tổng cục Bảo vệ môi trường, trong một đợt kiểm tra gần đây, đã có 117 cơ sở gây ô nhiễm được phát hiện, trong đó có 43 doanh nghiệp được xếp vào diện “gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng”.

Trong số 230 cơ sở, doanh nghiệp được kiểm tra, phần lớn đều làm trái các quy định về bảo vệ môi trường. Chỉ có 7,4% cơ sở thực hiện đúng theo nội dung đánh giá tác động môi trường và cam kết bảo vệ môi trường. Còn 43,5% khu công nghiệp, cụm công nghiệp chưa thực hiện giám sát môi trường định kỳ. Chỉ có 12/230 doanh nghiệp, cơ sở có công trình xử lý chất thải đúng quy chuẩn quốc gia và còn 75% số cơ sở xử lý khí thải chưa đạt tiêu chuẩn. Có 29/166 cơ sở xử lý chất thải rắn đúng quy trình.

Ít nhất 5-10 năm nữa mới có hy vọng

Có rất nhiều doanh nghiệp có xả chất thải, nước thải với hàm lượng gây ô nhiễm vượt quá từ hàng chục đến hàng trăm lần cho phép. Như công ty liên doanh TNHH MSA-Hapro (Hà Nội) xả nước thải có hàm lượng coliform (loại vi khuẩn liên quan đến bệnh đường ruột) vượt 110 lần quy chuẩn quốc gia cho phép.

Công ty TNHH Dynapac (Hà Nội) xả nước thải có hàm lượng B0D5 vượt 180 lần cho phép, chất COD vượt 244,8 lần cho phép. Trong khoảng 2.000m3 nước thải ra sông mỗi ngày của công ty điện tử Hà Nội, lượng vi khuẩn coliform vượt tới… 1100 lần mức cho phép. Cụm làng nghề Cát Quế-Dương Liêu-Minh Khai rất nổi tiếng của huyện Hoài Đức, Hà Tây mỗi ngày cũng xả tới trên 8.640m3 nước thải ra sông Nhuệ với hàm lượng chất độc hại, ô nhiễm cũng vượt rất cao tiêu chuẩn cho phép.

Ông Hoàng Dương Tùng, giám đốc trung tâm Quan trắc, tổng cục Bảo vệ môi trường cho rằng, các biện pháp bảo vệ môi trường cho các dòng sông này đã được tăng cường trong mấy năm qua nhưng không sao theo kịp được mức độ phát triển về số lượng các cơ sở sản xuất, làng nghề… “Nhiều doanh nghiệp thì chỉ biết lợi ích kinh tế mà không có chú ý gì lắm tới việc xử lý chất thải, nước thải ra sông và dường như họ đã coi đó là một thứ chi phí mà xã hội phải chịu thay vì tự bỏ tiền ra đầu tư xử lý”, ông Tùng nói.

Ông Tùng cũng cho rằng, không chỉ do ý thức của người dân, doanh nghiệp kém mà tại cả cơ quan quản lý. Ở nhiều nơi, người dân, chủ doanh nghiệp nói, họ sẵn sàng đầu tư cơ sở xử lý nước thải nhưng chính quyền lại không cho đất để làm, không đầu tư hệ thống hạ tầng tương ứng cho việc thoát nước thải, chất thải.

Nhiều làng nghề gây ô nhiễm nặng nhưng hệ thống thoát nước lại không tách biệt khỏi khu dân cư. Ví dụ làng dệt nhuộm Vạn Phúc, toàn các hộ sản xuất nhỏ lẻ không hề tách hệ thống xử lý nước thải ra khỏi khu vực sinh hoạt. Nhưng lại không dễ gì dồn hết các cơ sở sản xuất nhỏ đó vào các cụm công nghiệp vì đặc điểm các cơ sở này là huy động nguồn nhân lực trong gia đình.

Thậm chí có nơi như ở làng nghề Cát Quế (Hoài Đức - Hà Tây), đã xây dựng được trung tâm xử lý nước thải nhưng hệ thống kênh mương không được chính quyền khai thông. Người ta đành để cho nước thải chảy vào một khu hồ trong khu dân cư.

Theo tiến sĩ Hoàng Dương Tùng, ô nhiễm lưu vực sông Nhuệ - sông Đáy sẽ không thể nào giải quyết được trong 1 - 2 năm mà sẽ phải mất ít nhất 5 - 10 năm tới khi các cơ quan chức năng tập trung nguồn lực để thực hiện các giải pháp đã được Thủ tướng phê duyệt trong đề án tổng thể chống ô nhiễm lưu vực hai con sông này.

Theo Mạnh Quân (SGTT)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm