Hậu Giang: Tạm dừng nhiều dịch vụ, hoãn kỳ họp bất thường HĐND

Sau kết luận của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại phiên họp của Thường trực Chính phủ về phòng, chống dịch bệnh COVID-19, PV PLO có cuộc trao đổi với ông Lê Tiến Châu, Chủ tịch UBND Tỉnh Hậu Giang.

Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang Lê Tiến Châu. Ảnh: CHÂU ANH

Phóng viên: Thưa ông, sau kết luận của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Hậu Giang sẽ triển khai như thế nào?

+ Ông LÊ TIẾN CHÂU, Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang: Không phải bây giờ, mà từ trước đó, ngày 25-3 UBND tỉnh đã có Công văn số 572 về việc đẩy mạnh công tác phòng, chống dịch COVID-19.

Theo đó, UBND tỉnh đã chỉ đạo hạn chế các lễ, hội, các hoạt động vui chơi giải trí tập trung đông người, hạn chế tối đa việc tập trung đông trên 50 người. Các hoạt động văn hóa và kinh doanh dịch vụ văn hóa công cộng, các di tích lịch sử - văn hóa, bảo tàng, thư viện, điểm du lịch... tạm dừng hoạt động kể từ 0 giờ ngày 26-3 cho đến khi có thông báo mới.

Trường hợp không chấp hành chỉ đạo thì tỉnh sẽ cương quyết xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật với tinh thần quyết liệt nhất, cùng với cả nước chung tay chống giặc COVID-19.

Ngay sau buổi họp của Thường trực Chính phủ về phòng, chống dịch bệnh COVID-19, Ban Chỉ đạo của tỉnh Hậu Giang chỉ đạo toàn bộ các cơ quan trong hệ thống chính trị nghiêm túc thực hiện ý kiến của Thủ tướng.

Trong đó, thực hiện nghiêm chế độ hội, họp, tổ chức các cuộc họp với thành phần không quá 20 người. Tỉnh cũng đã quyết định hoãn kỳ họp thứ 15 (kỳ họp bất thường) HĐND tỉnh Hậu Giang khóa IX, nhiệm kỳ 2016-2021 dự kiến diễn ra vào ngày 3-4 tới đây.

Bên cạnh đó, đối với các cuộc hội, họp thật sự cần thiết phải tổ chức không quá 20 người thì tỉnh cũng chỉ đạo các cơ quan y tế tiến hành kiểm tra y tế, đo thân nhiệt, phát khẩu trang cho các đại biểu dự họp và yêu cầu đại biểu rửa tay theo đúng quy định.

Cạnh đó, chỉ đạo toàn bộ các cơ quan trong hệ thống chính trị tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin để phục vụ họp, như họp trực tuyến, chỉ đạo qua điện thoại, mạng Internet,…. Tăng cường công tác truyền thông khuyến khích người dân thực hiện các dịch vụ công, giao dịch trực tuyến.

Đối với các cơ sở dịch vụ không thiết yếu như dịch vụ lưu trú, khách sạn, nhà nghỉ, siêu thị điện máy, điện thoại.... cũng phải chấp hành nghiêm túc ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang đề nghị các DN, cơ sở kinh doanh mua bán hàng hóa nhất là các hệ thống siêu thị lớn đẩy mạnh thực hiện phương thức bán hàng trực tuyến. Ảnh: CHÂU ANH

. Còn về việc đảm bảo cung ứng lương thực thực phẩm, nhu yếu phẩm cho người dân địa phương như thế nào? Ngành chức năng có biện pháp tránh đầu cơ tích trữ gom hàng ra sao, thưa ông?

+ Ngay từ đầu, tỉnh đã chỉ đạo Sở Công Thương chủ động xây dựng và triển khai các phương án ứng phó với nguy cơ khan hiếm hàng hóa thiết yếu do dịch bệnh gây ra và đến nay tình hình vẫn đang nằm trong tầm kiểm soát.

Cụ thể, tỉnh thường xuyên kiểm tra, nắm bắt tình hình cung cầu hàng hóa, nhất là các mặt hàng thiết yếu lương thực, thực phẩm và đã thực hiện giải pháp dự trữ hàng hóa, ổn định thị trường không để xảy ra tình trạng thiếu hàng, sốt giá (dự trữ khoảng 20%-30% hàng hóa).

Cùng với đó, tỉnh cũng tăng cường công tác kiểm tra, niêm yết giá, bán đúng giá niêm yết, nhất là các mặt hàng thiết yếu, lương thực, thực phẩm, khẩu trang y tế, thiết bị bảo hộ, dung dịch vệ sinh, sát khuẩn. Kiên quyết xử lý hành vi đầu cơ, găm hàng, tăng giá bất hợp lý, buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng.

Thời gian tới, tỉnh sẽ triển khai thêm nhiều giải pháp, bao gồm cả làm việc với các ngân hàng, Cục thuế tỉnh để cho các doanh nghiệp vay vốn dự trữ thêm hàng hóa, giãn nợ thuế cho các doanh nghiệp thực hiện dự trữ hàng hóa, bình ổn thị trường.

Qua đây, tôi đề nghị bà con nhân nhân phải bình tĩnh, yên tâm, lãnh đạo tỉnh cam kết sẽ đảm bảo nhu cầu lương thực, thực phẩm và nhu yếu phẩm thiết yếu cho bà con.

Cạnh đó, tôi cũng đề nghị các doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh mua bán hàng hóa nhất là các hệ thống siêu thị lớn như Co.opmart, Bách hóa xanh, Vinmart… đẩy mạnh thực hiện phương thức bán hàng trực tuyến, mua hàng qua điện thoại giao hàng tận nhà để góp phần hạn chế tiếp xúc đông người tại các điểm mua bán hàng hóa.

Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Hậu Giang vừa được cải tạo, sửa chữa phòng xét nghiệm đạt chuẩn an toàn sinh học cấp 2. Ảnh: CHÂU ANH

. Riêng đối với ngành y tế và công tác phòng dịch, tỉnh đã triển khai biện pháp bảo vệ cho các nhân viên y tế như thế nào? Công tác mua sắm trang thiết bị y tế đảm bảo cho phòng, chống dịch trên địa bàn tỉnh ra sao?

+ Hậu Giang đang triển khai quyết liệt các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 với những kịch bản đáp ứng với từng cấp độ, diễn biến tình hình dịch bệnh. Các cơ sở khám chữa bệnh đã chủ động triển khai các hướng dẫn, quy định về khám sàng lọc đối tượng, đặc biệt là những trường hợp bệnh hô hấp, công tác giám sát dịch tễ, kiểm soát các nguồn lây từ bên ngoài vào được giám sát chặt chẽ.

Đối với các thầy thuốc, đội ngũ nhân viên y tế tại các cơ sở khám, chữa bệnh cũng như cơ sở cách ly tập trung đều được trang bị đảm bảo đồ phòng hộ, tăng cường các biện pháp kiểm soát nhiễm khuẩn, giám sát chặt chẽ các đối tượng nguy cơ và nguồn lây bệnh để giảm thiểu tình trạng lây nhiễm chéo và lây lan dịch bệnh trong cộng đồng.

Riêng về xét nghiệm đại trà cho nhân viên y tế thì chưa cần thiết phải triển khai trong thời điểm này. Tuy nhiên, tùy tình hình sẽ có ưu tiên xét nghiệm đối với những y, bác sĩ có trực tiếp tiếp xúc với các đối tượng nguy cơ, như nhân viên y tế tham gia đón, tiếp nhận các công dân Việt Nam về từ nước ngoài, nhân viên y tế phục vụ tại các điểm cách ly tập trung,…

Hiện tỉnh đang có cái khó trong công tác xét nghiệm COVID-19 là hiện nay Hậu Giang chỉ có thể gửi mẫu đến Viện Pasteur TP.HCM, sau đó khoảng từ 24-36 giờ mới nhận được kết quả. Điều này làm hạn chế rất nhiều trong công tác triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh trên địa bàn.

Mới đây, tỉnh cũng đã có văn bản thống nhất chủ trương và nguồn kinh phí để thực hiện cải tạo, sửa chữa phòng xét nghiệm đạt chuẩn an toàn sinh học cấp 2 và mua sắm thiết bị triển khai phòng xét nghiệm COVID-19 tại Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh, với tổng số tiền gần 6 tỉ đồng.

Tỉnh đang chỉ đạo quyết liệt để phòng xét nghiệm sớm đi vào hoạt động, đảm bảo năng lực xét nghiệm xác định người nhiễm virus COVID-19 tại tỉnh. Khi đó Hậu Giang sẽ thuận lợi hơn rất nhiều trong công tác xét nghiệm đối tượng nguy cơ kể cả những người có yếu tố dịch tễ hoặc có biểu hiện nghi ngờ và kể cả nhân viên y tế.

Xin trân trọng cám ơn ông.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm