Hành trình 8 tiếng đồng hồ 'hành xác' để được vào siêu thị mua hàng

Sáng cuối tuần, tôi tranh thủ thời gian rảnh đi siêu thị để mua ít lương thực cho gia đình nhưng phải mất 8 tiếng đồng hồ mới mua được hàng.

Tôi phải "hành xác" 8 tiếng đồng hồ xếp hàng đợi chờ rồi chờ đợi mới mua được hàng trong siêu thị. Ảnh: TS

Buổi tối hôm trước, tôi đã đặt báo thức thật sớm vì nghĩ bụng “ngày mai chắc sẽ đông”, phần vì cuối tuần, phần vì người dân đang sốt ruột trước thông tin đôi ba ngày nữa thành phố sẽ siết chặt hơn Chỉ thị 16 để đẩy mạnh công tác phòng chống dịch.

Tôi ngập ngừng không biết có nên đi không, bởi nếu đi gặp nhiều người thì sẽ rất nguy hiểm cho tôi, chẳng may trong số những người tôi vô tình “lướt qua” ngày mai sẽ là một ca F0 nào đó chưa được ghi nhận trong cộng đồng thì vì một lần đi siêu thị tôi bỗng trở thành F1 liệu có đáng không?. Thế nhưng, nghĩ đến chiếc tủ lạnh trong nhà đã hết sạch đồ ăn, lại trúng ngày rằm tháng 7 nên cũng cần mua chút đồ về sắm sửa mâm cơm cúng cho thật thịnh soạn, tôi chặc lưỡi đành đi siêu thị.

Nơi tôi đi là một siêu thị gần nhà ở quận Tân Bình. Vì gần nhà nên tôi thuộc làu khung giờ mở cửa là lúc 8h sáng, tôi cố tình đến sớm hơn 30 phút với suy nghĩ rằng đến sớm thì mình sẽ gặp ít người hơn, đi mua nhanh về hơn. Nhưng không, mặc dù đã chuẩn bị sẵn tinh thần là sẽ rất đông người nhưng khi đến nơi, tôi vẫn không thể ngờ được rằng lại đông đến mức kinh hoàng như thế.

Khi tôi còn cách sân siêu thị khoảng 300 mét thì trước mắt tôi là hai hàng người nối đuôi nhau dài phải 500 mét ra đến tận cuối con hẻm bên hông siêu thị. Khi đứng đó, tôi nghe bà con kể chuyện với nhau rằng đã ra đây xếp hàng từ lúc 5, 6h sáng.

Đã đến nơi rồi thì tôi cũng “thử” cảm giác xếp hàng xem như thế nào. Tôi đi xuống cuối con hẻm, lúc này là 7 giờ 30. Hàng người nối đuôi nhau ngày một đông, phía sau lưng tôi chẳng mấy chốc đã là một hàng người khác. Dòng người nối đuôi nhau lúc một dài, con hẻm thì chẳng dài thêm, chính vì thế mà khoảng cách dần được thu hẹp lại, chẳng còn khoảng cách người cách người 2m nữa, thay vào đó, thu hẹp được bao nhiêu thì lại càng “đỡ sốt ruột” bấy nhiêu.

Trời ngày một nắng gắt hơn, lúc này dòng người xếp hàng không còn là những hàng lối nữa, thay vào đó là những cụm người ở những bóng râm. Chỗ nào mát thì túm năm tụm ba lại ngồi, chỗ nào nắng thì không ai đứng nữa, và cách để đánh dấu vị trí đứng của mỗi người bây giờ không phải là đứng tại chỗ mà thay vào đó là những chiếc dép, chiếc mũ, cái áo cuộn tròn, thậm chí.... là chai nước đã đánh dấu tên mình. Sau khi “khẳng định chủ quyền” xong xuôi thì ai nấy lại chen chúc nhau đứng vào chỗ mát, người phía trước tiến lên trên, thì người phía sau chỉ cần chạy ra lấy chiếc dép, chiếc mũ, chai nước, ... của mình dịch lên trên một chút rồi lại chạy vào chỗ mát ... đứng tiếp. Cứ thế cho đến khi nào vào đến cửa siêu thị.

Nhiều người mệt mỏi ngồi và ngủ tại các bóng râm vì xếp hàng quá lâu nhưng chưa vào được siêu thị. Ảnh: TS

Hơn 4 tiếng đồng hồ, đúng 12h trưa tôi đã đến cửa siêu thị, trong tim mừng thầm vì ngỡ rằng đến đây thì mình đã chuẩn bị được mua hàng. Nhưng không, bên trong siêu thị là 2 hàng ghế dài khác chờ tôi vào ... tiếp tục chờ. Không chỉ riêng tôi mà đến đây thì dường như ai cũng thở dài ngao ngán, nhưng đi đến đây rồi không lẽ lại bỏ về, tôi đành vào ngồi chờ tiếp.

Chờ thêm độ 30 phút thì cũng đến lượt vào mua hàng, nhưng đến đây thì chúng tôi lại phải tiếp tục chờ để lấy.... xe đẩy. Vì ai cũng ráng gom thật nhiều đồ về nhà, mỗi người đều đẩy một chiếc xe đầy ắp thực phẩm, có gia đình gom 2 đến 3 xe, vừa mì gói, vừa rau của quả, thịt cá không thiếu một thứ gì. Chính vì thế mà chúng tôi lại tiếp tục phải chờ để họ bỏ hết hàng lên xe chở về nhà thì chúng tôi mới có xe đẩy để đi mua hàng.

Vào đến nơi, tôi lại tiếp tục ngỡ ngàng khi quầy thịt trống không không còn một miếng nào. Cố gắng lấy những gì còn sót lại, tôi có cho mình vỏn vẹn một miếng thịt bò, một vài đầu cá và ít rau củ đã úa và dập còn lại trong sọt. Tôi lại hỏi chị nhân viên siêu thị xem còn món gì khác để mình có thể lấy hay không, chị chỉ lắc đầu cười nhẹ và bảo: “Hết sạch rồi chị ạ”.

Tôi mua hàng chừng 30 phút là xong, cố gắng lấy những gì mình có thể dùng được. Tôi đẩy xe về phía khu vực tính tiền. Đến đây thì cơn ác mộng mang tên “chờ đợi” vẫn chưa có hồi kết. Lại là những hàng dài nối đuôi nhau đến tận phía cuối bức tường của khu mua sắm. Bây giờ đã là 14 giờ, vừa đói, vừa mệt, vừa mỏi chân nhưng tôi không còn sự lựa chọn nào khác ngoài việc đợi chờ.

Nếu là ngày thường, có lẽ hàng dài tính tiền này sẽ rút ngắn thời gian hơn nhiều, nhưng vì hôm nay, ai cũng đẩy một chiếc xe đầy ắp thực phẩm, có gia đình mua hẳn 2-3 xe mì gói, thức ăn nên việc tính tiền trở nên lâu hơn bao giờ hết. Đứng xếp hàng đợi từ sáng, đi mua hàng thì hết sạch chẳng còn bao nhiêu, lại phải đứng xếp hàng dài đợi tính tiền trong cơn đói và mệt, ai cũng cảm thấy khó chịu, nhăn nhó.

Dòng người mệt mỏi chen chúc nhau chờ đến lượt vào bên trong siêu thị. Ảnh: TS

Có người vì đói quá mà xé luôn bịch bánh, bịch sữa ra ăn cho đỡ đói rồi giữ lại vỏ bánh để tính tiền sau. Tôi thầm nghĩ, trong cuộc đời của mình chưa có ngày nào đi siêu thị lại trở nên khó khăn và đáng sợ như thế này. Một hành trình chen chúc gần 8 tiếng đồng hồ để mua được thực phẩm. Đến tận gần 16 giờ chiều, tôi mới có mặt ở nhà, thở phào nhẹ nhõm vì đã về tới nơi nhưng khi mường tượng đến cảnh đi siêu thị như vừa rồi, tôi lại cảm thấy vô cùng ngán ngẩm.

Đi mua sắm vốn là một hình thức giải trí của nhiều chị em phụ nữ thì nay đã trở thành nỗi ám ảnh kinh hoàng mang tên “xếp hàng chờ đợi” mà không biết sẽ phải chờ đợi đến bao giờ.

Tôi thấy nhớ những ngày trước đây, những ngày cuối tuần thong dong đi siêu thị cùng gia đình, thoải mái mua sắm mà chẳng phải đứng chờ đợi trong nỗi lo lắng như cảm giác mà ngày hôm nay tôi vừa trải qua. Lương thực, thực phẩm luôn được trang bị đầy đủ cho người dân trong mọi hoàn cảnh, mỗi người dân chỉ nên mua những gì cần thiết cho gia đình, đừng tích trữ hàng hóa, vì có thể, một món hàng “lấy ráng” của bạn sẽ là cả một bữa ăn của một gia đình khác và cũng có thể, chỉ vì tâm lí sợ hết lương thực của bạn lại mang đến những hệ lụy vô cùng đau đớn khác đó là làm phức tạp thêm tình hình dịch bệnh của thành phố.

Bình tĩnh, tin tưởng và nghĩ đến lợi ích cộng đồng là tất cả những gì chúng ta cần làm ngay lúc này để bảo vệ chính chúng ta.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm