Hàng triệu USD tiền cọc không ngày... trở về

Số tiền mà họ nói là cho vay có khi lên đếnhàng chục triệu USD, với lãi suất rẻ hơn ngân hàng.

Trong vai một doanh nghiệp kinh doanh bất động sản đang có dự án xây dựng khu đô thị cần rất nhiều tiền, chúng tôi đã làm quen được với chị Phương - một “cò” tín dụng ở quận Bình Thạnh (TP.HCM). Phương hứa sẽ dẫn chúng tôi trực tiếp đến người đại diện cho một công ty tài chính bên Mỹ đang hoạt động ở Việt Nam. Theo Phương, doanh nghiệp khi đã có dự án sẽ được vay vốn từ 30 triệu USD trở lên, lãi suất cho vay chỉ có 5%/năm. Thời hạn hợp đồng cho vay từ 15 năm trở lên. Ba năm đầu bên vay không phải trả lãi, từ năm thứ tư trở đi mới bắt đầu trả lãi.

“Công ty tài chính” nêu trên chỉ cho vay đối với các doanh nghiệp tư nhân đầu tư vào những lĩnh vực như giáo dục, y tế, bất động sản. Họ không cho doanh nghiệp nhà nước hay ngân hàng vay. Phương cũng thành thật kể, mỗi dự án thành công cô sẽ được hưởng 1% hoa hồng.

Muốn vay phải đặt cọc 10%

Đúng hẹn, Phương dẫn chúng tôi đến một quán cà phê trên đường Nguyễn Huệ, quận 1 (TP.HCM) gặp “người đại diện cho công ty tài chính của Mỹ ở Việt Nam” tên là Tuấn. Tuấn tự giới thiệu rằng anh ta cũng đã vay 50 triệu USD để thành lập công ty vận tải tàu biển với một đội tàu hoành tráng đang ăn nên làm ra. Chúng tôi trình bày về dự án xây dựng khu đô thị ở quận 7 nhưng còn thiếu khoảng 40 triệu USD. “Các ông về lập dự án đi, tôi xem xét và trình mấy sếp bên Mỹ cho vay. số tiền 40 triệu USD là quá nhỏ so với công ty ở bên Mỹ” - Tuấn nói. Chúng tôi tạm biệt Tuấn và hẹn 10 ngày nữa khi hoàn thành dự án sẽ gặp để ký hợp đồng.

Để tiếp cận “nguồn vốn” này, chúng tôi đã mượn dự án của một công ty chuyên kinh doanh bất động sản rồi đến gặp Tuấn. Xem qua dự án, Tuấn đồng ý cho chúng tôi vay 40 triệu USD nhưng với điều kiện phải chi trả cho ông phí môi giới 10%, tương đương bốn triệu USD. Đồng thời, Tuấn đề nghị chúng tôi phải đặt cọc trước số tiền 10% để chi phí một phần cho mấy sếp từ Mỹ sang Việt Nam khảo sát, kiểm tra dự án. Mặt khác, Tuấn cũng trấn an chúng tôi khi cho rằng số tiền chi phí môi giới 10% cũng mới chỉ bằng tiền trả lãi hai năm, người đi vay vẫn còn lời một năm không phải trả lãi mà thời gian vay lại dài hạn. Mức lãi suất 5% là quá rẻ so với đi vay ngân hàng gần 7%/năm. Anh này cũng cam kết nếu không vay được vốn sẽ trả lại tiền cọc.

Đến đây, chúng tôi viện cớ sẽ về nhà gom đủ tiền đặt cọc rồi rút lui.

Siêu lừa giá trị gia tăng

Theo một số chuyên gia thì đây chính là trò “lừa giá trị gia tăng”. Kiểu lừa này đã có mặt ở một số nước như Thái Lan, Malaysia, Indonesia... từ lâu. Gần đây nó bắt đầu len lỏi vào Việt Nam.

Thông thường, để dễ dính câu, những môi giới lừa này phải tìm những dự án lớn để có thể lấy được tiền đặt cọc cao. Một dự án chừng 40 triệu USD, chúng sẽ yêu cầu doanh nghiệp phải đặt cọc 10%, tương đương bốn triệu USD. Có trong tay bốn triệu USD, nhóm người này đem về Mỹ để thế chấp cho một tổ chức nào đó rồi vay tiếp 40 triệu USD. Tiếp theo chúng lại lấy 40 triệu USD vừa vay sang đặt cọc ở một công ty khác để vay 400 triệu USD...

Quy trình cứ tiếp tục vòng vo như trên. Đến khoảng hơn một năm, chúng sẽ quay trở lại Việt Nam để giải ngân một phần cho dự án để làm tin, sau đó chúng sẽ rút khỏi Việt Nam.

Mặc dù mới xuất hiện ở Việt Nam nhưng hiện đã có một số doanh nghiệp dính phải “trái đắng” này. Vì sợ “mất thể diện” nên nhiều người đã đành chấp nhận mất tiền chứ không muốn tố cáo hay lên tiếng trước công luận. Nhiều doanh nghiệp đang khát vốn làm ăn đã sẵn sàng chung chi hàng triệu USD tiền môi giới để được vay. Tiền mất, một số doanh nghiệp phải chờ đợi cả năm mà chỉ nhận được lời hứa sẽ được giải ngân.

VŨ HƯNG

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm