Hàng loạt dự án địa ốc bị đình hoãn

Được hỏi về tình hình các dự án, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư địa ốc Sông Hồng Lê Vũ Dũng không nén tiếng thở dài: "Doanh nghiệp đang ở thế khó, khi một bên là đầu ra đang giảm giá, một bên là chi phí đầu vào tăng lên".

Theo ông Dũng, từ đầu năm đến nay, chi phí xây dựng cho mỗi m2 công trình của Sông Hồng đã tăng 35%, bao gồm giá các loại vật liệu xây dựng như sắt thép, xi măng, gạch, cũng như lãi suất ngân hàng. Ông Dũng nhẩm tính, mỗi m3 cát cho san lấp mặt bằng khu công nghiệp do công ty này làm chủ đầu tư đã đội từ 32.000 đồng vài tháng trước lên 48.000 đồng hiện nay, nhân với hàng triệu m3 cát cho một khu công nghiệp, vốn đầu tư của doanh nghiệp đã phải cộng thêm hàng tỷ đồng.

Ông Nguyễn Đức, Phó tổng giám đốc BitexcoLand, cũng cho hay, chi phí xây dựng cho mỗi m2 công trình tại các dự án của công ty này tăng khoảng 30% so với hồi đầu năm, có nơi cá biệt lên 50%. Hiện gạch xây dựng cung ứng cho các dự án đã tăng từ 620 đồng mỗi viên lên 2.200 đồng, giá thép xây dựng cũng từ 9.000 đồng lên 17.000 đồng.

Nhiều doanh nghiệp địa ốc giãn tiến độ dự án để tránh lãi suất cao. Ảnh: Hoàng Hà.

Nhiều doanh nghiệp địa ốc giãn tiến độ dự án để tránh lãi suất cao. Ảnh: Hoàng Hà.

Theo ông Nguyễn Đức, các dự án đã triển khai của BitexcoLand đang hoạt động trong tình trạng cầm chừng, trong khi các dự án mới đều ngừng lại. "Các dự án đã triển khai thì bằng mọi giá vẫn phải hoàn thành, nhưng những dự án mới đều ngừng hết", ông Đức cho hay. Hiện Bitexco có 3-4 dự án đang thực hiện tại Hà Nội và TP HCM, còn các dự án mới đều nằm tại TP HCM.

Ông Đức cho hay, doanh nghiệp này đã thử nhiều biện pháp để hạn chế ảnh hưởng của giá vật liệu tăng, như đàm phán để bên cung ứng vật liệu xây dựng chấp nhận cung cấp với giá "mềm" hơn, do là đối tác quen thuộc, song cũng không tìm được giải pháp. "Chính họ cũng đang có khó khăn", ông Đức nói.

Phó giám đốc BitexcoLand cho biết, năm 2007, do không lường trước giá thành xây dựng sẽ tăng, nên chủ đầu tư ký hợp đồng với thầu phụ ở mức giá cũ. Song nay giá cả đầu vào đội lên, Bộ Xây dựng cho phép điều chỉnh giá thành trong các hợp đồng đã ký kết, nên giá thành trong một số hợp đồng với thầu phụ cũng được điều chỉnh nhích lên.

Trong khi đó, tình hình thị trường bất động sản lắng xuống cũng khiến các doanh nghiệp lo lắng về nguồn vốn. Ông Lê Vũ Dũng cho hay, các dự án tại nội thành Hà Nội vẫn bán được hàng, giúp chủ đầu tư thu hồi vốn, song với các dự án tại ngoại thành hay tại các tỉnh lân cận, doanh nghiệp cho tạm dừng, vì biết chắc xây xong sẽ không bán được.

Vị giám đốc này cho hay, mấy tháng trước, giá trung bình tại Khu đô thị công nghiệp Yên Phong (Bắc Ninh) do Sông Hồng làm chủ đầu tư là 4 triệu đồng mỗi m2, mà người mua phải xếp hàng. Đến nay giá rơi xuống 2,5 triệu đồng, nhưng không mấy người quan tâm. Ngay với diện tích đất làm nhà xưởng, giá thuê mặt bằng là 40 USD mỗi m2 trong vòng vài chục năm, song nhiều doanh nghiệp cũng không muốn thuê nữa, vì họ cũng không vay được vốn.

Ông Dũng cho hay, vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp chỉ đủ để thực hiện 1-2 công trình, trong khi phần lớn doanh nghiệp xây dựng cùng lúc có 4-5 dự án. Trong khi đó, theo ông Nguyễn Đức, trần lãi suất cho vay là 18% mỗi năm, song ngân hàng còn tính các khoản phí, nên lãi suất thực tế đội thêm vài phần trăm nữa.

Riêng với Bitexcoland, tình hình còn ít nhiều thuận lợi, khi công ty này vẫn có sự hỗ trợ từ nguồn vốn của tập đoàn Bitexco. "Nếu không có sự hỗ trợ của tập đoàn, hoạt động của chúng tôi sẽ rất khó khăn", ông Đức nói.

Một phương án được nhiều doanh nghiệp thực hiện vào lúc này là giãn tiến độ các dự án, vì càng xây, lại càng lỗ. Ông Dũng cho hay, nhờ kéo chậm tiến độ và dừng các dự án chưa triển khai, chi phí trả cho ngân hàng sẽ bớt căng thẳng, bởi lãi suất chỉ được tính từ thời điểm vốn được giải ngân cho công trình.

Với một số công trình đã hoàn thành phần xây thô, doanh nghiệp cũng đành tạm ngưng khâu hoàn thiện, đợi tình hình khả quan hơn mới khởi động lại. Ông Dũng cho hay, như vậy vẫn đỡ lỗ hơn là hoàn thiện xong, rồi để không, vì không có người mua. Hiện tất cả 16 dự án của Sông Hồng đều thực hiện chậm lại.

Một số nhà thầu phụ còn quyết định bỏ dự án đã trúng, chấp nhận mất phần tiền đã đặt cọc trị giá 10% gói thầu. "Nếu không ngừng lại, mà tiếp tục thực hiện, có thể còn lỗ đến 30%", ông Dũng cho hay.

Theo ông Lê Vũ Dũng, một khả năng có thể giúp doanh nghiệp là quỹ hỗ trợ của các địa phương giúp doanh nghiệp gánh bớt một phần lãi suất ngân hàng. "Năm ngoái chúng tôi vay vốn ngân hàng với lãi suất 0,8% mỗi tháng, nhưng nay đội lên 1,6%. Nếu được hỗ trợ một phần lãi suất này, doanh nghiệp sẽ bớt khó khăn", ông Dũng nói.

Trong khi đó, ông Nguyễn Đức cho rằng, kiến nghị bỏ 7 thủ tục trong đầu tư xây dựng mà Bộ Xây dựng đang đề xuất cũng sẽ giúp doanh nghiệp tháo gỡ phần nào khó khăn. "Trong năm nay, chúng tôi cũng không đặt kế hoạch tăng trưởng, phát triển, mà chỉ mong các dự án hoạt động được ở mức cầm chừng sang đến năm sau", ông Đức nói.

Theo Ngọc Châu ( VnExpress)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm