Hàng loạt chợ đóng cửa: Đừng để chuỗi cung ứng đứt gãy

Từ 0 giờ ngày 28-6, chợ đầu mối nông sản thực phẩm Hóc Môn chính thức ngưng kinh doanh bảy ngày để kiểm soát dịch. Bên cạnh đó, chợ tự phát và nhiều chợ truyền thống trên địa bàn TP.HCM đã đóng cửa.

Điều này khiến nguồn cung liên quan đến những mặt hàng thiết yếu hằng ngày như rau củ quả, thịt heo, gà, vịt… sẽ bị ảnh hưởng. Trong bối cảnh trên, để đảm bảo chuỗi cung ứng không bị đứt gãy, các cơ quan chức năng, siêu thị đã lên phương án tăng mạnh nguồn hàng.

Một số mặt hàng tại chợ lẻ rục rịch tăng giá

Chợ đầu mối Hóc Môn là chợ thịt heo lớn nhất ở TP.HCM. Mỗi đêm, chợ phân phối trung bình 5.000-6.000 con heo cho các chợ lẻ. Đây cũng là điểm trung chuyển, cung ứng hàng thực phẩm, nông sản rất lớn. Do vậy, sau khi chợ đầu mối này tạm dừng hoạt động, nguồn hàng cung ứng cho các tiểu thương chợ lẻ, nhất là thịt heo phần nào bị hạn chế và đẩy giá thịt heo tăng lên.

Bà Thanh, tiểu thương bán thịt heo tại quận Tân Bình, nói trước đây bà lấy hàng tại chợ Hóc Môn, nay chợ đầu mối đóng cửa nên chuyển sang lấy hàng ở chợ Võ Thành Trang. Tuy nhiên, do nhiều người tranh nhau mua trong khi nguồn hàng ít nên giá cao.

“Thêm nữa, giờ chuyển qua lấy thịt heo ngay tại lò mổ, họ vận chuyển về tận nơi, cộng với công pha lóc... nên chi phí tăng lên. Vì vậy, hiện nay thịt heo ba rọi tăng lên mức 190.000 đồng/kg, ba rọi rút sườn 220.000 đồng/kg, còn các loại khác giá không biến động nhiều” - bà Thanh nói.

Chị Hoàng Anh (nhà ở quận Tân Bình) kể mấy hôm nay, 6 giờ sáng chị đã tranh thủ đi chợ sớm để tránh đông người. Từ khi dịch bùng phát thấy chợ ít người bán hơn, giá nhiều mặt hàng tăng khá cao. Đơn cử giá bầu, bí lên mức 35.000-40.000 đồng/kg, mướp tăng lên 35.000 đồng/kg. Riêng mặt hàng xà lách tăng lên mức 100.000 đồng/kg.

Nhà vườn, người chăn nuôi méo mặt

Ông Mai Văn Khẩn, Giám đốc Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp tổng hợp Tân Tiến, TP Đà Lạt, thông tin: Từ khi dịch bùng phát tại TP.HCM, việc tiêu thụ rau củ Đà Lạt gặp nhiều khó khăn. Ví dụ, tại chợ đầu mối Bình Điền, những vựa còn bán thì chỉ nhận một số hàng phổ thông như bắp cải, súp lơ, cải bó xôi, tần ô. Còn các loại rau củ cao cấp thì tiểu thương dừng hẳn lấy hàng do các nhà hàng, quán ăn đã đóng cửa.

“Trước đây chúng tôi cung cấp cho hai chợ đầu mối Bình Điền và Thủ Đức khoảng 4 tấn/ngày, gồm rau củ cao cấp và phổ thông. Tuy nhiên, hiện nay lượng hàng về hai chợ này chỉ khoảng 1 tấn, chủ yếu là hàng phổ thông” - ông Khẩn cho hay.

Hiện nay, giá bán tại vườn một số mặt hàng tăng 7.000-10.000 đồng. Đơn cử, bắp cải trái tim 25.000-30.000 đồng/kg, cà chua bi 25.000-28.000 đồng/kg, khoai tây 18.000 đồng/kg… Giá một số mặt hàng tăng cao chủ yếu do tình hình dịch bệnh nên người nông dân giảm diện tích trồng. Măc dù giá tăng nhưng tiêu thụ khó khăn.

“Không chỉ chợ đầu mối mà việc các chợ lẻ tại TP.HCM đóng cửa cũng khiến việc tiêu thụ hàng Đà Lạt giảm đáng kể. Ngay cả các siêu thị hiện cũng giảm đơn hàng. Đơn cử, hai siêu thị ở TP.HCM chỉ đặt mua năm mặt hàng rau với tổng cộng khoảng 300 kg/ngày. Sản lượng này chỉ bằng 1/6 so với bình thường” - ông Khẩn dẫn chứng.

Theo ông Nguyễn Kim Đoán, Phó Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai, chợ đầu mối Hóc Môn là điểm tiêu thụ cuối cùng cho người chăn nuôi. Chợ đầu mối này tiêu thụ 5.000-6.000 con heo/ngày, trong đó heo từ Đồng Nai chiếm trên 50%, thậm chí có thời điểm chiếm 2/3 nguồn cung của chợ. Bởi vậy, khi chợ này tạm đóng cửa gây khó khăn lớn vì thương lái giảm thu mua, đầu ra không có. Trong khi đó, tại một số chợ lẻ thì giá thịt heo lại tăng.

Nhiều hệ thống siêu thị khẳng định nguồn rau củ quả luôn dồi dào. 
Ảnh: TÚ UYÊN

Bên cạnh đó, từ tháng 11-2020 đến nay, giá cám tăng tám lần với tổng cộng hơn 50.000 đồng/bao 25 kg. Đây là mức tăng chưa từng có trong lịch sử. “Hiện đang là thời điểm mà thương lái trả giá nào, người chăn nuôi cũng phải bán để chạy lỗ vì giá thức ăn chăn nuôi quá cao, cộng với thị trường tiêu thụ đóng cửa” - ông Đoán thông tin.

Tuy vậy, theo ông Đoán, khi chợ đầu mối Hóc Môn dừng hoạt động, nhiều tiểu thương đến mua trực tiếp tại lò mổ. Vì vậy, các lò mổ đang tăng công suất để cung ứng dù không bằng so với lượng hàng về chợ đầu mối Hóc Môn lúc bình thường. Đây cũng là giải pháp để tiêu thụ nguồn hàng cho người chăn nuôi và cung ứng thực phẩm cho người tiêu dùng TP.HCM.

Tăng cường dự trữ hàng

Trong bối cảnh giá cả một số mặt hàng tại các chợ lẻ có xu hướng tăng, nhiều siêu thị tại TP.HCM cho hay đang tăng nguồn cung mặt hàng thịt heo, rau củ quả để bù đắp thiếu hụt sau khi nhiều chợ ngưng kinh doanh. Thời gian gần đây, khách đến mua hàng tại các siêu thị, cửa hàng tiện lợi tăng 40%-50% so với trước đó, lượng đơn đặt hàng online cũng tăng mạnh.

Đại diện Saigon Co.op cho biết đơn vị dự kiến tăng lượng thịt heo cho hệ thống bán lẻ của mình lên gần gấp đôi sau khi chợ đầu mối Hóc Môn tạm đóng cửa. “Chúng tôi đã đặt hàng để nhà cung cấp chủ động có kế hoạch giết mổ, đảm bảo nguồn cung ứng theo kế hoạch. Các nhà cung cấp đang chạy hết công suất và sẵn sàng giao bổ sung nhiều chuyến trong ngày cho hệ thống siêu thị” - đại diện Saigon Co.op nói.

Khách mua thịt heo tại chợ. Ảnh: TÚ UYÊN

Bên cạnh đó, Saigon Co.op còn cho hay sẵn sàng trữ lượng lớn các loại thịt mát, thịt đông lạnh cùng hàng loạt mặt hàng thịt gia súc, gia cầm, thủy hải sản để kịp thời bổ sung thay thế, can thiệp ổn định giá cả thị trường.

Nhiều hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện lợi, nhà cung cấp cũng khẳng định nguồn hàng thịt heo, rau củ quả… luôn dồi dào. Ông Nguyễn Ngọc An, Tổng giám đốc Công ty Vissan, nhìn nhận từ khi dịch bùng phát tại TP.HCM, người tiêu dùng có xu hướng chuyển dịch tiêu thụ thịt heo từ chợ truyền thống sang cửa hàng tiện lợi, siêu thị. Để đáp ứng xu hướng này, công ty tăng công suất giết mổ heo lên 40%-50%, tương đương sản lượng giết mổ 1.000-1.200 con/ngày. 

Nhiều chợ đã tạm dừng hoạt động

TP.HCM hiện có 106 siêu thị, 220 chợ truyền thống, 1.636 cửa hàng tiện lợi. Riêng tổng lượng hàng tại ba chợ đầu mối gồm Hóc Môn, Bình Điền và Thủ Đức đáp ứng 60%-70% thị trường TP. Tổng lượng hàng thịt heo, rau, trái cây… tại các chợ đầu mối này được cung cấp cho các chợ truyền thống, các khu công nghiệp, siêu thị trên địa bàn TP.HCM và các tỉnh lân cận.

Đến nay, hàng loạt chợ trên địa bàn TP.HCM đã tạm đóng cửa. Đó là chợ đầu mối Hóc Môn và tạm ngưng một số gian hàng trong chợ đầu mối Bình Điền. Ngoài ra, nhiều chợ truyền thống liên quan đến ca nhiễm COVID-19 cũng tạm đóng cửa như chợ Hoàng Hoa Thám (quận Tân Bình), chợ Hòa Hưng (quận 10), chợ Sơn Kỳ (quận Tân Phú), chợ Thái Bình (quận 1), chợ Nguyễn Tri Phương (quận 10), chợ Phạm Thế Hiển (quận 8)...

Bổ sung kịp thời nguồn hàng bị giảm

Sở Công Thương TP.HCM đã triển khai phương án điều tiết hàng hóa để tránh bị đứt gãy chuỗi cung ứng sau khi chợ đầu mối Hóc Môn và nhiều chợ tạm, chợ truyền thống tạm đóng cửa. Cụ thể, sở điều chuyển hàng hóa trực tiếp từ các tỉnh, thành vùng nguyên liệu dự kiến cung ứng cho chợ đầu mối Hóc Môn sang các chợ đầu mối Bình Điền và Thủ Đức.

Ngoài ra, sở chỉ đạo tăng cường nguồn cung từ các hệ thống phân phối hiện đại và doanh nghiệp tham gia chương trình bình ổn thị trường để bổ sung nguồn hàng hóa tạm thời bị giảm. Nghiên cứu phương án giao hàng trực tiếp đến các chợ truyền thống hoặc tổ chức các điểm bán buôn với giá sỉ để phân phối, cung ứng hàng hóa cho tiểu thương chợ truyền thống…

Ông Nguyễn Bình Phương, Phó Giám đốc kinh doanh Công ty cổ phần Quản lý và Kinh doanh chợ nông sản Thủ Đức, thông tin thêm: Lượng hàng về chợ đêm 28-6 đạt 3.519 tấn, trong đó rau củ 2.139 tấn, tăng 400 tấn sau khi chợ đầu mối Hóc Môn tạm đóng cửa. Giá cả hầu như không biến động, do rất ít người đi chợ. Ban quản lý chợ sẽ tạo điều kiện cho thương nhân tiếp nhận hàng hóa từ chợ đầu mối Hóc Môn về chợ trong những ngày tới.

Tương tự, ông Phan Thành Tân, Giám đốc Công ty Quản lý và Kinh doanh chợ đầu mối Bình Điền, cho biết dự đoán nhu cầu sẽ tăng nên công ty thông báo cho thương nhân tăng cường chuẩn bị lượng hàng, đảm bảo cung ứng cho thị trường.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm