Hàng giả bủa vây người tiêu dùng

Tại buổi tổng kết công tác 10 năm đấu tranh chống sản xuất và buôn bán hàng giả theo Chỉ thị 31/1999/CT-TTg do Ban Chỉ đạo 127 Trung ương tổ chức ngày 6-9 tại Hà Nội, cơ quan này thừa nhận đã tích cực vào cuộc nhưng sau 10 năm đấu tranh, tình hình vẫn chưa được cải thiện.

Đặt hàng giả từ nước ngoài

Một vấn đề rất đáng lo ngại là đã không còn khái niệm đối tượng sản xuất hàng giả là người nghèo, ít học như ở giai đoạn trước. Thay vào đó là những lãnh đạo doanh nghiệp, chuyên gia, kỹ thuật viên trình độ cao trong nhiều lĩnh vực và những cơ sở sản xuất có quy mô, trang thiết bị hiện đại...

10 năm qua, các cơ quan chức năng đã kiểm tra, kiểm soát 125.743 vụ vi phạm về sản xuất hàng giả, hàng nhái và xử lý 105.693 vụ.

Theo Hiệp hội Chống hàng giả và Bảo vệ thương hiệu VN, có hai nguồn hàng giả, hàng nhái là hàng sản xuất ở VN và hàng sản xuất ở nước ngoài thẩm lậu vào, loại này chiếm 60%-75% thị phần. Đã có nhiều doanh nghiệp VN ra nước ngoài đặt hàng giả theo mẫu mã rồi đưa về VN tiêu thụ. Ông Nguyễn Chí Dũng, Cục trưởng Chi cục QLTT Hà Nội, cho biết hàng giả đã “nội địa hóa” bằng phương thức nhập linh kiện, nhập bán thành phẩm vào VN rồi qua các làng nghề chế tác, gia công, gắn nhãn mác để biến thành hàng ngoại tiêu thụ trên thị trường.

Về chủng loại, mặt hàng nào cũng có hàng giả, hàng nhái. Từ sản phẩm đơn giản như bao diêm, cây bút đến đồ công nghệ cao như hàng điện tử, xe máy hoặc mặt hàng liên quan đến sức khỏe con người như thuốc chữa bệnh... Trước đây, một loại mỹ phẩm có mặt trên thị trường khoảng 8 tháng đến 1 năm mới làm giả, làm nhái thì nay chỉ cần 1-2 tháng là đã có hàng giả, hàng nhái tuồn vào qua biên giới Tây Nam và biên giới phía Bắc. Rượu bia là một trong số những mặt hàng bị làm giả nhiều nhất, chiếm 20%-50% hàng bán trên thị trường, tùy chủng loại.

Không tin vào hiệu quả thực thi

Có nhiều nguyên nhân khiến nạn hàng giả, hàng nhái ngày càng phổ biến song tập trung ở hệ thống pháp luật chưa hoàn chỉnh và năng lực thực thi của các cơ quan chức năng chưa đáp ứng yêu cầu. Nhiều doanh nghiệp bị làm hàng giả đã không còn đề nghị xử lý xâm hại do quá tốn kém và không tin vào hiệu quả thực thi của các cơ quan có thẩm quyền.

Hệ thống pháp luật còn thiếu đồng bộ, chưa thống nhất, chế tài chưa đủ mạnh để răn đe hoặc quá nặng và chưa phù hợp nên khó thực hiện. Theo ông Trần Hữu Vinh, Phó cục trưởng Cục Cảnh sát Kinh tế - Bộ Công an, đến nay chưa có văn bản nào đưa ra khái niệm chính xác về hàng giả, thế nào là số lượng lớn, bao nhiêu là gây hậu quả nghiêm trọng để làm cơ sở thực hiện.

Phía cơ quan QLTT thì thừa nhận điểm yếu là thiếu kiến thức cơ bản; thiếu tư duy hệ thống về quản lý, kiểm tra chất lượng và ngại va chạm. Đối với lô hàng đang sản xuất lưu thông, đội trưởng đội QLTT được quyết định tạm giữ hoặc đình chỉ để lấy mẫu giám định, nếu giám định cho kết quả không vi phạm thì hậu quả pháp lý cho người ra quyết định là rất lớn. Bên cạnh đó, quá nhiều cơ quan có thẩm quyền chống hàng giả nhưng lại chưa có một đầu mối chịu trách nhiệm chính.

Để nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác đấu tranh chống sản xuất và buôn bán hàng giả, Bộ Công Thương đang soạn thảo nghị định trình Thủ tướng Chính phủ ban hành. Theo đó, tăng mức phạt cao nhất đối với hành vi sản xuất hàng giả là 50 triệu đồng và tước giấy phép kinh doanh, chứng chỉ hành nghề. Mức phạt sẽ tăng gấp đôi nếu hàng giả là thuốc chữa bệnh, lương thực, thực phẩm, thức ăn chăn nuôi...

Theo Phương Anh ( VNE)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm