Hai tập đoàn Anh ủng hộ cá tra Việt Nam

Chiều 7-12, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) đã tổ chức họp báo xung quanh việc Quỹ Quốc tế về Bảo vệ thiên nhiên (WWF) tại Đức, Áo, Thụy Sĩ, Bỉ, Na Uy và Đan Mạch đưa cá tra vào danh sách đỏ trong Cẩm nang hướng dẫn tiêu dùng thủy sản.

“Danh sách đỏ” chỉ để tham khảo

Tại buổi họp báo, ông Nguyễn Hữu Dũng, Phó Chủ tịch VASEP, cho biết đây không phải là tài liệu chính thức của WWF. Nó hoàn toàn không có tính pháp lý, chỉ là tài liệu tham khảo, hướng dẫn việc tiêu dùng thủy sản theo hướng phát triển bền vững.

Theo ông Dũng, WWF Việt Nam cho biết rằng việc đưa cá tra vào danh sách đỏ không phải do tổ chức toàn cầu của WWF mà chỉ là thành viên của WWF tại một số nước châu Âu. Phần lớn hoạt động của thành viên trong WWF là độc lập, thậm chí không thông báo với nhau.

Cũng theo ông Dũng, một số tổ chức của WWF tại sáu nước châu Âu đã liên hệ với nhau và thuê một công ty tư vấn độc lập để đánh giá và đưa ra tiêu chí mới của WWF về phát triển bền vững. Tuy nhiên, cũng là cá tra Việt Nam nhưng sáu nước châu Âu này lại có những đánh giá khác nhau. Nước này thì xếp vào danh sách đỏ, nước khác thì đưa vào danh sách xanh, danh sách da cam… tùy thuộc vào nhà cung cấp. Kiểu xếp loại này không minh bạch.

Hai tập đoàn Anh ủng hộ cá tra Việt Nam ảnh 1

Thu hoạch cá tra ở đồng bằng sông Cửu Long. Ảnh: CTV

Theo ông Dũng, khi nhận được thông tin cá tra bị đưa vào danh sách đỏ, hai tập đoàn lớn của Anh đã lên tiếng phản đối việc này của WWF. Họ cho đó là việc làm “hàm hồ và không có cơ sở”.

Tại cuộc họp báo, VASEP cho biết hiệp hội này sẽ đề nghị WWF toàn cầu phải yêu cầu thành viên của họ tại một số nước châu Âu khẩn trương xem lại việc đánh giá, công khai bộ tiêu chí mà họ đưa cá tra vào danh sách đỏ. “Chúng tôi cũng mời và tạo mọi điều kiện để chuyên gia của WWF và các nhà khoa học đến Việt Nam để tiếp cận với thực tế, đánh giá đúng đắn về cá tra Việt Nam. VASEP sẽ tiếp xúc với chủ tịch, tổng thư ký toàn cầu của WWF và tổ chức ở sáu nước châu Âu để làm rõ việc này” - ông Dũng nói.

Chưa đến VN thì làm sao đánh giá?

xã hội phát triển như EU và Mỹ, người tiêu dùng thường dựa vào cẩm nang tiêu dùng của các tổ chức được coi là thân thiện với môi trường. Theo ông Dũng, sáu nước thuê một công ty tư vấn độc lập chưa đến Việt Nam thực nghiệm mà dựa vào những thông tin không có căn cứ để xếp cá tra vào danh sách đỏ.

Ca tra nuôi có vị trí kinh tế và sinh thái rất đặc biệt. So với một số loài cá nuôi khác, cá tra ăn hỗn hợp và tiêu thụ ít đạm động vật. Việc phát triển nuôi cá tra phù hợp với các tiêu chí của WWF về bảo vệ nguồn lợi tự nhiên. Từ đầu năm 2010, hàng loạt DN Việt Nam được công nhận tiêu chuẩn GlobalGAP sau hơn một năm áp dụng. Đây không chỉ gồm khâu nuôi mà cả về con giống, thức ăn, chế biến, bảo vệ môi trường, đối xử nhân đạo với vật nuôi… Đạt được GlobalGAP rất khó nhưng hiện có 20 DN cá tra Việt Nam đã đạt chuẩn. Hàng chục DN khác cũng đang thực hiện GlobalGAP để được công nhận tiêu chuẩn quốc tế. Đây là chỉ tiêu rất rõ ràng, chứng minh người nuôi và chế biến cá tra đã đạt được chuẩn mực cao nhất của thế giới về phát triển bền vững.

Ông Dũng nhấn mạnh Thủ tướng đã ban hành đề án sản xuất và tiêu thụ cá tra đến 2020. VASEP cùng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đang xây dựng nghị định về cá tra. Mặt khác, Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản (Nafiqad) đã kiểm tra, lấy mẫu trong nhiều năm qua và chưa phát hiện trường hợp nào gây tác hại cho môi trường. Như vậy, cả DN, người nuôi và Chính phủ đều đang tạo ra những cơ sở pháp lý cao nhất để phát triển cá tra bền vững.

Danh sách đỏ là gì?

Cẩm nang Hướng dẫn tiêu dùng thủy sản là một tờ thông tin được WWF cập nhật và xuất bản hằng năm dành cho người tiêu dùng, chủ yếu là các nước châu Âu. Cẩm nang gồm ba danh mục:

Màu xanh: Thực phẩm nên sử dụng.

Màu vàng: Hãy suy nghĩ kỹ trước khi sử dụng.

Màu đỏ: Đừng mua.

Sản phẩm nằm trong danh sách đỏ có thể được đưa lên danh sách vàng hoặc xanh nếu ngành công nghiệp đó đáp ứng được những nhu cầu đánh giá đề ra.

WWF Việt Nam không tham gia đánh giá

Ngày 7-12, trong thông cáo báo chí gửi cho Pháp Luật TP.HCM, WWF Việt Nam cho biết ba tổ chức phi chính phủ là WWF, Hội Bảo tồn sinh vật biển (MSC) và Quỹ Biển Bắc (NSF) cùng tham gia phát triển phương pháp đánh giá. Phần đánh giá thực địa do một tư vấn độc lập thực hiện. WWF Việt Nam không tham gia tiến trình này.

WWF Việt Nam đang tích cực làm việc với VASEP và các đồng nghiệp tại một số nước châu Âu để làm rõ các tiêu chí và phương pháp đánh giá. WWF Việt Nam cũng cam kết rằng các phản hồi sẽ được cung cấp trong thời gian sớm nhất.

VŨ TRẦN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm