Hải quan TP.HCM đối thoại với doanh nghiệp châu Âu

Ông Đinh Ngọc Thắng, Cục trưởng Cục Hải quan TP.HCM, cho biết để thực hiện tốt các hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam - EU, cục luôn chủ động hỗ trợ doanh nghiệp trong hoạt động xuất nhập khẩu.
Theo ông Thắng, qua các kỳ đối thoại với doanh nghiệp, Cục Hải quan TP.HCM nhận diện được nhóm vướng mắc như kiểm tra chuyên ngành, hệ thống công nghệ thông tin, xuất xứ hàng hóa... để đề xuất những giải pháp cải thiện hơn nữa.
Cục Hải quan đang triển khai nhiều chương trình mới nhằm cải cách thủ tục, rút ngắn thời gian thông quan hàng hóa. Trong đó, đơn vị thực hiện tham vấn một lần giúp doanh nghiệp chủ động được thời gian nhập khẩu hàng hóa. Bên cạnh đó, để thông quan nhanh hàng hóa xuất khẩu qua cảng Cát Lái, cục phối hợp với Tổng Công ty Tân Cảng Sài Gòn triển khai đề án thông quan nhanh hàng hóa ngay tại cầu cảng…

Ông Đinh Ngọc Thắng, Cục trưởng Cục Hải quan TP.HCM, phát biểu tại hội nghị.

“Đặc biệt, Cục Hải quan TP.HCM đã chủ động ứng dụng công nghệ 4.0 trong các khâu nghiệp vụ và công tác điều hành quản lý. Hiện nay Cục đã xây dựng và ứng dụng hệ thống quản trị nội bộ, chương trình này sẽ hỗ trợ tiếp nhận, trao đổi thông tin với doanh nghiệp qua các ứng dụng điện tử, tạo sự minh bạch, nhanh chóng, thuận lợi tối đa cho doanh nghiệp trong hoạt động xuất nhập khẩu” - ông Thắng chia sẻ.
Đại diện cho hơn 1.000 doanh nghiệp châu Âu, ông Nicolas Audier, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham), đánh giá cao sự hỗ trợ của Cục Hải quan TP.HCM nói riêng và ngành hải quan nói chung trong việc đồng hành, hỗ trợ doanh nghiệp trong hoạt động xuất nhập khẩu, tạo thuận lợi thương mại.
Theo ông Audier, thời gian tới EuroCham sẽ viếng thăm một số nhà máy của doanh nghiệp Việt Nam để hiểu rõ hơn về tình hình sản xuất hàng hóa của các đơn vị sang châu Âu. Cùng với đó là khảo sát tại một số cửa khẩu để tìm hiểu thêm nhằm hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện.
Đại diện EuroCham lưu ý doanh nghiệp Việt Nam để hưởng lợi khi xuất khẩu hàng hóa sang thị trường châu Âu, điểm khó khăn là chuẩn mực chất lượng hàng hóa mà doanh nghiệp phải quan tâm khi thực hiện EVFTA. Trong đó, vệ sinh an toàn động thực vật là vấn đề cực kỳ quan trọng. Bên cạnh đó là các quy định khác như Việt Nam đang bị cảnh báo thẻ vàng thủy sản, hay mặt hàng gỗ phải đảm bảo nguồn gốc nguyên liệu an toàn, được kiểm soát chặt chẽ...

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm