Hai kịch bản 'siêu ủy ban” quản lý hơn 5 triệu tỉ

Văn phòng Chính phủ vừa có thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ về việc thành lập cơ quan chuyên trách làm đại diện chủ sở hữu đối với doanh nghiệp nhà nước và vốn nhà nước tại doanh nghiệp.

Thông báo kết luận nêu rõ: Mô hình cơ quan chuyên trách là ủy ban thuộc Chính phủ với 2 phương án:

Phương án 1: Thành lập mới cơ quan chuyên trách trên cơ sở điều chuyển cán bộ tại các bộ, ngành liên quan, bổ sung một số nhân sự đủ điều kiện từ Tổng Công ty Đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước (SCIC), bảo đảm không làm tăng biên chế theo tinh thần Nghị quyết số 39-NQ/TW của Bộ Chính trị.

Theo đó, Cơ quan chuyên trách quản lý danh mục khoảng 30 tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước và doanh nghiệp có vốn nhà nước quy mô lớn. Trong đó bao gồm SCIC là đầu mối độc lập để quản lý và thoái vốn tại các công ty cổ phần Nhà nước không cần nắm giữ. Đây là phương án chính.

Phương án 2: Nâng cấp SCIC thành ủy ban quản lý vốn nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp để quản lý doanh nghiệp 100% vốn nhà nước và doanh nghiệp có vốn nhà nước.

Mô hình cơ quan chuyên trách là doanh nghiệp: Tăng cường, củng cố, kiện toàn SCIC là doanh nghiệp trực thuộc Chính phủ làm chức năng đại diện chủ sở hữu (tăng địa vị pháp lý, nhân lực); trong đó làm rõ đầu mối quản lý danh mục công ty cổ phần do SCIC đang quản lý và các công ty cổ phần mà các bộ, ngành, địa phương sẽ bàn giao trong thời gian tới.

Phó Thủ tướng giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì với các bộ tập trung phân tích ưu, nhược điểm của từng mô hình, phương án một cách toàn diện, khách quan, trung thực; với tinh thần không chờ đến năm 2020 mới kết thúc chuyển giao quyền đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước từ các bộ, địa phương về cơ quan chuyên trách… Trước ngày 7-4-2017 trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.

Dự án mở rộng khu gang thép Thái  Nguyên trị giá hơn  8.000 tỉ đồng "đắp chiếu"

Như vậy, theo các chuyên gia nếu được thành lập chính thức, cơ quan này được xem như là một “siêu ủy ban” về quản lý và giám sát vốn nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp. 

Cụ thể cơ quan này sẽ trực tiếp quản lý phần vốn nhà nước tại 30 tập đoàn, tổng công ty, doanh nghiệp.

 Đây là những ông lớn đang nắm khối tài sản khổng lồ trị giá khoảng 5,4 triệu tỉ đồng thuộc nhiều lĩnh vực như điện lực, dầu khí, hàng không, than khoáng sản, dệt may, viễn thông, cà phê, đường sắt, hàng hải… Như vậy, đây sẽ là một “siêu ủy ban” quản lý khối tài sản lớn nhất Việt Nam.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm