Hà Nội: Giá nhiều thực phẩm thiết yếu đã giảm nhẹ

Chủ ky-ốt số 7, chợ Thành Công A, quận Đống Đa cho biết, giá thịt mua vào và bán ra hôm nay (4/11) đã giảm. Cụ thể, nếu hôm qua (3/11) giá thịt nhập vào của chị đắt hơn những ngày bình thường trên 300.000 đồng/tạ thì giá nhập hôm nay chỉ đắt hơn ngày thường hơn 200.000 đồng/tạ.

Nước người dân không còn lo ngại mua thịt dự trữ nên giá cả đang dần về mức bình thường - Ảnh: N.N
Nước người dân không còn lo ngại mua thịt dự trữ nên giá cả đang dần về mức bình thường - Ảnh: N.N

Cùng với sức mua từ người dân và các nhà hàng đang giảm dần nên giá bán ra hiện phổ biến từ 70.000 – 90.000 đồng/kg/tùy loại (mấy ngày trước giá bán thường từ 100.000/kg trở lên). Chẳng hạn thịt thăn, sườn thăn bỏ cục giá hiện tại còn 80.000 đồng/kg; thịt ba chỉ, mông sấn từ 65.000 - 70.000 đồng/kg...

“Giá thịt lợn đang trở về mức bình thường trước đây” – là khẳng định của anh Nguyễn Văn Tảo -chủ quầy thịt tại chợ Thượng Đình, quận Thanh Xuân.

Chuyên buôn lợn từ tỉnh Bắc Giang, anh Tảo cho biết 2 ngày cuối tuần trước, không mua được hàng nên phải bán “bóp”, nâng giá lên trung bình 20%. Nay mua lợn đã dễ dàng, giá bán ra đã giảm gần về mức bình thường: như thịt thăn chỉ còn 70.000 đồng; sườn 60.000 đồng/kg...

Tương tự, mặt hàng thịt bò cũng giảm đáng kể so với những ngày mưa lụt. Loại thịt mông từ mức 170 – 180.000, nay đã giảm còn 140.000 – 150.000 đồng/kg.

Giới kinh doanh hàng thịt bò tại nhiều chợ cho biết, do lụt lội, vận chuyển khó khăn, nguồn cung vẫn chưa dồi dào, tại các lò mổ hiện vẫn phải tranh cướp mới lấy được hàng. Tuy nhiên, nhu cầu tiêu thụ của người dân đã trở lại bình thường, không còn cảnh mua dự trữ, đồng thời mấy ngày tới nước rút đi, vận chuyển dễ dàng, giá cả sẽ dần bình ổn trở lại.

Giá nhiều loại rau giảm tạm thời

Ngoài một số loại củ quả đến nay vẫn đắt đỏ như bí xanh, khoai tây, đậu đỗ, cà chua..., hai ngày nay giá một số loại rau, củ quả khác đã có chiều hướng giảm.

Một số loại rau tại Hà Nội giá đang giảm do người trồng tại các huyện lân cận đồng loạt thu hoạch - Ảnh: N.N
Một số loại rau tại Hà Nội giá đang giảm do người trồng tại các huyện lân cận đồng loạt thu hoạch - Ảnh: N.N

Tại chợ phường Bồ Đề, Long Biên, rau muống còn 5.000 đồng/mớ (hôm 2/11 là 15.000 đồng); su hào 3.000 đồng/củ (so với 5.000 đồng/củ); bắp cải mấy hôm trước 35.000 đồng/kg, nay hạ còn 10.000 đồng/kg; rau cải ngồng 5.000 đồng/mớ to... Các loại rau thơm như hành, thìa là... giá vẫn cao và khá khan hiếm.

Tại chợ đầu mối rau Vân Nội, giá rau xanh từ ngày 2/11 đã giảm đáng kể, như su hào bán chỉ còn 4.000 đồng/củ, rau cải xanh còn 8.000đ/kg.

Chị Hằng, một người bán rau ở chợ, cho biết, giá rau có giảm là do mưa đã ngớt, người dân tranh thủ thu hoạch những cây bị dập nát ít đem bán. Chị dự đoán một vài ngày hoặc tuần tới, giá rau sẽ vẫn đắt và khan hiếm, thậm chí không có rau mà bán. Từ sáng sớm, chị phải lên chợ rau đầu mối ở Long Biên, tranh nhau gom từng ít một về bán.

Ở xã Sài Sơn, huyện Quốc Oai, nghe tin nội thành Hà Nội rau rất đắt, vợ chồng chị Nguyễn Thị Lệ từ sáng sớm đã lặn lội chở hàng tạ su hào, bắp cải ra bán, mong vớt vát lại ít tiền khi gần mẫu rau nhà trồng bị ngập úng phải cắt vội.

Chị Lệ lo ngại, bán "tháo" lượt rau này phải chịu giá thấp nhưng chỉ 10 hôm nữa thôi, làng chị sẽ không còn rau để bán nữa - Ảnh: N.N
Chị Lệ lo ngại, bán "tháo" lượt rau này phải chịu giá thấp nhưng chỉ 10 hôm nữa thôi, làng chị sẽ không còn rau để bán nữa - Ảnh: N.N

Chị Lệ kể, rau của các hộ khác trong làng cũng hỏng, dập nát hết. Tình hình này chỉ khoảng 10 hôm nữa, làng chị sẽ không còn rau để bán. Nhưng đáng lo ngại hơn cả là nguy cơ Tết này cũng không kịp có rau vì phải 4 tháng mới trồng được một lứa bắp cải, 2 tháng mới được một lứa su hào mà hiện nay vẫn chưa có giống” - chị Lệ nói.

Hiện nước vẫn ngập trắng hầu hết các vùng rau lớn của Hà Nội, như Đông Anh, Hoài Đức, Đan Phượng, Long Biên... , nhất là những loại rau ăn lá. Điển hình tại Vân Nội - Đông Anh, nước ngập trắng đồng, chỉ nhìn thấy phất phơ mấy đầu lá cải bắp. Làng rau Giang Biên, cả cánh đồng cũng không còn nổi một cây rau nào ngoi lên mặt nước. Nếu còn sống sót thì cải xanh nát tươm lá, su hào bắt đầu héo và thối. Toàn bộ số rau bị ngập trong nước sẽ không thể phục hồi được.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Cao Đức Phát khuyến cáo: Trong vòng bán kính 20 km quanh trung tâm thành phố, các vùng trồng rau đều đã bị ngập nặng, phải mất ít nhất 1 tháng mới có rau cung cấp trở lại. Để tránh khan hiếm, giá tăng, Hà Nội cần sớm liên hệ với các tỉnh xa hơn để được hỗ trợ nguồn rau xanh.

Theo Nguyễn Nga - Hà Yên (VNN)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm