Góp ý Luật DN sửa đổi: Dễ thành lập DN

Tại phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội góp ý Dự thảo Luật Doanh nghiệp (DN) sửa đổi vào chiều 21-4, các ý kiến đưa ra theo dự thảo cho thấy việc đăng ký thành lập DN trở nên thông thoáng hơn.

Thủ tục, thời gian đăng ký gọn nhẹ

Trình bày tờ trình về dự Luật DN sửa đổi, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đặng Huy Đông cho biết theo Ngân hàng Thế giới năm 2013, khởi sự kinh doanh ở nước ta gồm 10 thủ tục với tổng thời gian vào khoảng 34 ngày, xếp hạng thứ 109/189 nền kinh tế. Vì vậy, cần phải tiếp tục giảm thủ tục hành chính, thời gian và chi phí để phát triển môi trường kinh doanh.

Theo Thứ trưởng Đông, dự Luật DN sửa đổi lần này tách biệt việc đăng ký thành lập DN và việc xin giấy phép kinh doanh theo hướng bãi bỏ các yêu cầu về chứng chỉ hành nghề và xác nhận vốn pháp định. Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Giàu nói: “Tại thời điểm thành lập, hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN chưa phát sinh. Do vậy, Thường trực Ủy ban Kinh tế tán thành việc tách biệt giữa thủ tục thành lập DN và thủ tục đăng ký kinh doanh, điều kiện kinh doanh”.

 

Doanh nghiệp làm thủ tục đăng ký kinh doanh tại TP.HCM. Ảnh: Lê Toàn

Bên cạnh đó, Thường trực Ủy ban Kinh tế tán thành ý kiến chỉ ghi ngành, nghề kinh doanh có điều kiện nhằm giảm phiền hà cho DN. Đồng thời, kết hợp thực hiện đồng thời thủ tục đăng ký DN với thủ tục về đăng ký thuế, đăng ký lao động và bảo hiểm xã hội. “Đây là điểm mới của dự án luật với mục tiêu đơn giản hóa, tạo thuận lợi hơn cho việc thành lập DN” - ông Giàu đánh giá.

Trước dự luật trên, cũng có luồng ý kiến lo ngại thủ tục hiện nay quá đơn giản để thành lập DN, làm xuất hiện tình trạng mua bán hóa đơn, lừa đảo. Tuy nhiên, ông Giàu lý giải những điểm mới trong dự luật vừa làm đơn giản hóa thủ tục đăng ký thành lập DN, vừa giúp cơ quan chức năng quản lý hoạt động của các DN hiệu quả hơn.

Minh bạch danh mục ngành nghề kinh doanh

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cho rằng việc “giải phóng” thủ tục, tạo điều kiện thuận lợi cho DN như dự luật là tốt. Tuy nhiên, vấn đề về quyền tự do kinh doanh những ngành nghề pháp luật không cấm cần được quy định cụ thể.

Trả lời những thắc mắc của chủ tịch Quốc hội, Thứ trưởng Đông cho hay trong từng ngành, lĩnh vực đã có quy định danh mục cụ thể về những ngành nghề cấm kinh doanh. Luật DN là luật chung nên chỉ nêu nguyên tắc chứ không nêu cụ thể. Hơn nữa hiện nay thường xuyên xuất hiện những ngành nghề kinh doanh mới, việc đóng khung những ngành nghề cấm kinh doanh trong dự luật sẽ tạo nên sự cứng nhắc.

Trên cơ sở đó, Ủy ban Kinh tế đề nghị Ban soạn thảo luật cần bổ sung quy định yêu cầu các cơ quan có thẩm quyền phải thực hiện việc tập hợp và công bố danh mục các loại ngành nghề kinh doanh một cách công khai, minh bạch, cập nhật đầy đủ, kịp thời. Mặt khác, phải bảo đảm tính ổn định của các danh mục này, hạn chế việc thay đổi đột ngột để các DN yên tâm đầu tư.

Siết chặt công tác hậu kiểm

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng còn đặt câu hỏi “Dự luật có giúp giảm các vấn nạn gian lận thương mại, hàng giả, hàng nhái, lừa đảo… hay không? Việc này chưa được dự luật đặt ra”.

Thứ trưởng Đông giải thích: “Khi các DN ra kinh doanh, bản thân các DN sẽ kiểm soát lẫn nhau thông qua việc minh bạch thông tin theo quy định trong luật.” Cụ thể, các DN phải chịu trách nhiệm về thông tin, vốn, hoạt động của mình với đối tác và xã hội. Còn khi đi vào tranh chấp, các cơ quan nhà nước căn cứ vào các quy định pháp luật tương ứng để tăng cường chế tài. Thêm vào đó là việc liên kết thông tin giữa các cơ quan thuế, bảo hiểm, ngân hàng... cũng là cách để kiểm soát hoạt động DN tốt hơn.

Ủy ban Kinh tế đề nghị quy định cụ thể trong dự án luật một cơ quan đầu mối quản lý thống nhất về đăng ký thành lập DN. Đồng thời, bổ sung quy định chặt chẽ về hậu kiểm đối với DN để bảo đảm DN đã đăng ký là có tồn tại và hoạt động; các thông tin trong giấy đăng ký kinh doanh vẫn đúng thực tế. Dự án luật cũng cần bổ sung quy định về sự phối hợp chặt chẽ giữa cơ quan đăng ký kinh doanh, cơ quan thuế, cơ quan quản lý trực tiếp và các cơ quan có liên quan.

THU HẰNG

 

Đừng để DN Việt thua trên sân nhà

Hơn 50.000 DN chết cho thấy DN chúng ta hoạt động không hiệu quả. Nguyên nhân có thể do quản trị không tốt xuất phát từ nguồn nhân lực và công nghệ còn yếu kém. Dự luật chỉ mới khuyến khích DN tham gia thị trường còn làm sao DN trụ vững thì chưa thấy nói. Cần có những điều khoản nhằm tạo điều kiện tối đa phát triển nguồn nhân lực và phát triển công nghệ, để làm sao DN Việt Nam đừng thua ngay trên sân nhà.

Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học và Công nghệ Phan Xuân Dũng

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm