Giao dịch "ma" trị giá 4,6 tỷ đồng

Theo phản ánh của nhà đầu tư Phạm Thị Vinh (Hà Nội), kể từ ngày 4/6/2009, bà được ủy quyền từ con gái để giao dịch trên tài khoản chứng khoán số 060C009908, mở tại Công ty chứng khoán Âu Việt (AVSC). Đến ngày 16/10/2009, bà Vinh tiếp tục mở một tài khoản đứng tên mình (060C009926) tại AVSC để tiến hành giao dịch song song.

Theo xác nhận của cả nhà đầu tư lẫn AVSC, mọi giao dịch của bà Vinh đều thực hiện qua điện thoại với cô Hoàng Diệu Phương, nhân viên giao dịch của AVSC. Do được coi là khách hàng VIP, mỗi khi muốn giao dịch, bà Vinh sẽ gọi trực tiếp tới số điện thoại di động của cô Phương chứ không gọi qua tổng đài của AVSC.

Tuy nhiên, không lâu sau khi thực hiện giao dịch trên 2 tài khoản, bà Vinh phát hiện 10 lệnh mua chứng khoán (VPH, SAM và REE) trên cả 2 tài khoản 9908 và 9926 vào các ngày 19-23/10/2009 đã được thực hiện mà không có lệnh của mình. Tổng giá trị các lệnh mua lên tới 4,6 tỷ đồng.

Cũng theo bà Vinh, những sai sót này đã được bà lập tức thông báo với cô Hoàng Diệu Phương nhưng cô Phương đề nghị được có thời gian để sửa lỗi và xin bà Vinh giữ kín sự việc, không cho công ty biết.

Về phía AVSC, công ty cho biết không nhận được bất cứ một thắc mắc và yêu cầu sửa lỗi nào từ bà Vinh trong thời gian quy định là ngày T+2. Công ty cũng khẳng định là có đầy đủ bằng chứng về việc bà Vinh đã nhận được thông tin giao dịch thành công (qua SMS) và không có phản hồi gì.

Một căn cứ khác được AVSC đưa ra khẳng định 10 lệnh mua nói trên do bà Vinh thực hiện là sau thời điểm 23/10/2009, bà Vinh vẫn tiếp tục một số giao dịch mua, bán cổ phiếu VPH, SAM và REE trong khoảng thời gian từ tháng 11/2009 đến tháng 1/2010. Tuy nhiên, bà Vinh lại khẳng định đây cũng không phải là những lệnh bán do bà thực hiện vì bà chưa bao giờ có ý định giao dịch 3 mã chứng khoán nói trên.

Sau 3 tháng tìm cách giải quyết nhưng không đạt kết quả do giá cổ phiếu biến động, khiến tổng giá trị 3 mã VPH, SAM và REE trong 2 tài khoản của bà Vinh giảm hơn một tỷ đồng, cô Hoàng Diệu Phương cho biết không còn đủ thẩm quyền và khả năng để giải quyết sự việc và đề nghị bà Vinh làm việc trực tiếp với bà Nguyễn Thị Vân, Phó tổng Giám đốc AVSC. Tại buổi làm việc, bà Vân đã yêu cầu bà Vinh có đơn khiếu nại để công ty có cơ sở xem xét.

Ngày 27/1/2010, bà Vinh có đơn gửi AVSC và ủy nhiệm cho con gái là bà Trần Phạm Bạch Dương làm việc với công ty. Trong buổi làm việc giữa 2 bên ngày 8/3/2010, ông Đoàn Đức Vịnh, Chủ tịch HĐQT AVSC đưa ra 6 phiếu lệnh có chữ ký của bà Vinh để giải thích cho 9 trong số 10 lệnh mà nhà đầu tư thắc mắc.

Theo phản ánh của bà Vinh, đây là những phiếu lệnh khống mà bà ký khi mở tài khoản theo yêu cầu của nhân viên AVSC để phục vụ giao dịch qua điên thoại. Tuy nhiên, khi trao đổi với PV, ông Đoàn Đức Vịnh, Chủ tịch Hội đồng quản trị AVSC cho biết công ty chưa bao giờ cho phép giao dịch theo hình thức phiếu lệnh khống.

"Về nguyên tắc nhân viên môi giới không được thực hiện các lệnh mua bán khống với khách hàng. Song, cũng không loại trừ khả năng để làm đẹp lòng khách ruột nên giữa môi giới và khách hàng tự thỏa thuận ngầm với nhau. Trong trường hợp đi công tác xa hoặc quá bận rộn, nhà đầu tư ký tên sẵn vào một số phiếu đặt lệnh mua, bán và giao cho nhân viên môi giới để điền vào khi nhà đầu tư yêu cầu số lượng mua bán... Với những trường hợp này, công ty khó có thể kiểm soát”, ông Vịnh cho biết.

Trong khi đó, do không chấp nhận những căn cứ được phía AVSC đưa ra, trong buổi làm việc ngày 8/3 với công ty, bà Trần Phạm Bạch Dương đã yêu cầu được nghe băng ghi âm các cuộc gọi đặt lệnh của bà Vinh, nhưng phía AVSC không cung cấp. Theo giải thích của bà Phạm Thị Bảo Hà, Giám đốc bộ phận truyền thông của AVSC, do các lệnh đặt của bà Vinh hoàn toàn được thực hiện qua điện thoại di động của cô Phương chứ không phải hệ thống của công ty nên không có ghi âm cho những cuộc gọi này.

Như vậy, với căn cứ duy nhất là 6 phiếu đặt lệnh có chữ ký của bà Vinh (các bút tích còn lại trên phiếu đều của người khác) mà không có băng ghi âm cuộc gọi, công ty môi giới khó có thể chứng minh 10 giao dịch nói trên đã được thực hiện theo yêu cầu của khách hàng. Đây cũng là lý do khiến AVSC phải ủy quyền cho một công ty luật tại TP HCM tham gia giải quyết tranh chấp với nhà đầu tư.

Về phần mình, ngày 13/4, nhà đầu tư Phạm Thị Vinh cũng đã có khiếu nại gửi Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đề nghị xem xét, điều tra vụ việc để bảo đảm quyền lợi của mình.

Vụ việc giữa bà Phạm Thị Vinh và Công ty Chứng khoán Âu Việt diễn ra sau rất nhiều tranh chấp giữa nhà đầu tư và công ty môi giới, mà phần lớn rất khó làm rõ trong thời gian qua. Quá sa đà vào những sản phẩm, dịch vụ hỗ trợ nhằm giữ chân khách VIP, nhiều công ty chứng khoán đã cố tình phớt lờ những quy định bắt buộc, gây ra không ít rủi ro cho khách hàng và tự đẩy mình vào những vụ tranh chấp không đáng có.

Theo Nhật Minh - Bạch Hường ( VNE)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm