Giám sát, bảo hộ thị trường giúp hàng Việt phát triển?

Sáng 15-3, Ban chỉ đạo Trung ương cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” đã tổ chức hội nghị tổng kết thực hiện cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” năm 2017 và nhiệm vụ thực hiện trong năm 2018.

Hội nghị đã tổng kết, đánh giá cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” năm 2016-2017. Ngoài các thành quả liên quan công tác chỉ đạo, lãnh đạo, triển khai thực hiện và kết quả thực hiện cuộc vận động của một số bộ, ban, ngành thành viên của Ban chỉ đạo Trung ương, hội nghị hướng tới những giải pháp thực tế của từng hoạt động, từng đơn vị cụ thể.

Ban chỉ đạo Trung ương cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" chỉ ra nhiều vướng mắc cần tháo gỡ để cuộc vận động hiệu quả.

Có 17/28 bộ, ban, ngành, đoàn thể và thành viên Ban chỉ đạo Trung ương cuộc vận động báo cáo kết quả thực hiện cuộc vận động năm 2017. Trên cơ sở thực tiễn thành quả của các đơn vị liên quan, hội nghị đã bàn sâu về giải pháp quản lý của Nhà nước đối với việc phát triển các sản phẩm hàng hóa của Việt Nam.

Đại diện Bộ Công Thương, Bộ KH&ĐT, Bộ Ngoại giao, Hiệp hội Doanh nghiệp (DN) vừa và nhỏ Việt Nam, Đảng ủy Khối DN trung ương,... đều đưa ra vấn đề: Làm sao để hỗ trợ các DN sản xuất trong nước đầu tư công nghệ sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm, nâng cao việc chăm sóc khách hàng?

Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho rằng: “Vai trò của DN rất quan trọng trong cuộc vận động người Việt dùng hàng Việt. Đã đến lúc người Việt không thể ưu tiên mãi dùng hàng Việt mà các DN sản xuất hàng Việt phải có ý thức đưa ra sản phẩm mẫu mã đẹp, chất lượng tốt, giá cả tốt để chinh phục người Việt”.

Để hỗ trợ các DN trong nước, các đại biểu cho rằng phải vai trò của các cơ chế chính sách rất quan trọng, đặc biệt vấn đề bảo hộ và giám sát thị trường nội địa của các cơ quan quản lý nhà nước, các tổ chức xã hội.

Đại diện Bộ KH&ĐT nêu vấn đề: Cần ưu tiên việc kiểm tra, giám sát thị trường để kiểm soát vấn đề chất lượng, hàng giả, hàng nhái. DN Việt làm tốt nhưng không cạnh tranh được hàng giả, hàng nhái thì giảm niềm tin của DN.

Đại biểu của TP Hà Nội cũng cho biết từ tình hình thực tế thị trường Hà Nội, vấn đề hàng giả, hàng nhái cũng là vấn đề nhức nhối cần các cơ quan chức năng vào cuộc giám sát, kiểm soát.

Trong việc giám sát công vụ, các đại biểu đặt ra vấn đề: Giám sát không nghiêm túc thì có nhiều chính sách cũng không có hiệu quả như mong muốn.

Các đại biểu nêu ví dụ về việc giám sát nhập khẩu gà năm 2017 vào Việt Nam. Các phân tích cho thấy sản lượng nhập khẩu gà vào Việt Nam không đáng ngại và hoàn toàn kiểm soát được. Việc tạm nhập tái xuất mới đáng lo ngại. Lượng tạm nhập tái xuất ở lại Việt Nam ảnh hưởng tới nhà sản xuất trong nước rất lớn và không thể kiểm soát số lượng này. Vậy là những chính sách hỗ trợ việc chăn nuôi không hiệu quả.

Trong việc bảo hộ thị trường, ý kiến của Bộ KH&ĐT cũng nêu ra: Đối với hàng hóa nhập khẩu cần có những biện pháp kiểm soát chặt chẽ thì các DN trong nước mới tính toán được sản phẩm, sản lượng cho thị trường.

Ví dụ đơn cử, Việt Nam sản xuất nông nghiệp nên hàng hóa hoa quả nhiều. Tuy nhiên, thị trường nhập khẩu hoa quả lấn át nền sản xuất trong nước. Phải có giải pháp không nhập hàng hóa Việt Nam có và dư thừa. Ngoài việc các DN nâng cao chất lượng sản phẩm, cũng cần các chính sách bảo hộ thị trường nội địa cho các DN Việt.

Cần số liệu khảo sát cụ thể mới có giải pháp khả thi

Ông Tô Hoài Nam, Phó Chủ tịch Hiệp hội DN vừa và nhỏ, cho rằng: “Một phần nghiên cứu của hiệp hội chúng tôi cho thấy sự quan tâm của người tiêu dùng đối với các sản phẩm hàng Việt Nam là rất lớn. Nhưng quyết định mua hàng Việt Nam thì chưa nhiều. Nếu chúng ta nỗ lực để nhu cầu của người tiêu dùng mỗi năm tăng lên 5%-10% số lượng người tiêu dùng nội địa trong tổng số dân số 90 triệu người thì kết quả sẽ rất khả quan”.

Giám sát, bảo hộ thị trường giúp hàng Việt phát triển? ảnh 2
Ông Tô Hoài Nam, Phó Chủ tịch Hiệp hội DN (đứng phát biểu) và ông Phạm Tấn Công, Phó Bí thư Đảng ủy Khối DN trung ương (ngồi bên phải).

Ông Phạm Tấn Công, Phó Bí thư Đảng ủy Khối DN trung ương, đưa ra vấn đề phải có một cuộc khảo sát thực sự để có những số liệu phân tích, đánh giá cụ thể.

Ông Công cho rằng: “Chúng ta phải nghiên cứu một báo cáo tổng quan hằng năm người Việt Nam dùng hàng Việt Nam bao gồm: Người cung cấp (DN) - người mua - cơ quan quản lý thị trường - cơ quan ban hành chính sách - cơ chế quản lý thị trường. Hằng năm sẽ phải có đánh giá tình hình cụ thể tiêu thụ nội địa của Việt Nam. Trên cơ sở đó, chúng ta đánh giá: Đối với sản phẩm (thế mạnh, yếu kém gì); đưa ra những khuyến nghị về cơ chế chính sách trong ngành hàng đó có gì hay, dở. Chúng ta cũng đưa ra những đề xuất cụ thể: Đâu là vấn đề liên quan Quốc hội, đâu là vấn đề liên quan DN,... Báo cáo như vậy cần phải triển khai thì phải có đơn vị cụ thể làm: Bộ Công Thương, phòng Thương mại, thuê một DN thị trường”.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm