Giảm lệ thuộc vào thị trường duy nhất

Trả lời báo giới, Bộ trưởng Công Thương Vũ Huy Hoàng cho rằng việc TQ đặt giàn khoan trái phép phần nào đó ảnh hưởng đến xuất khẩu của Việt Nam. Việt Nam tiếp tục duy trì quan hệ kinh tế với TQ là điều cần thiết nhưng mặt khác cũng cần tiếp tục đa dạng hóa thị trường, có thêm thị trường mới tránh phụ thuộc quá nhiều vào thị trường TQ.

Câu nói của bộ trưởng đã nhấn mạnh rằng đã đến lúc các doanh nghiệp (DN) Việt Nam cần có một hướng đi mới trong quan điểm kinh doanh. Chưa có lúc nào DN Việt lại có động lực như thời điểm này bởi cùng với sự kiện TQ đặt giàn khoan thì Hiệp định đối tác chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) cũng đang được đàm phán và được ví là hiệp định của thế kỷ XXI.

Tất cả điều kiện đó là cơ hội để chúng ta cải thiện cơ cấu thị trường xuất nhập khẩu và thay đổi quan điểm tư duy quản lý. Nếu không chính chúng ta lại tự làm khó mình! Theo thống kê của Bộ Công Thương, hiện nay trên 60% kim ngạch thương mại của Việt Nam xuất phát ở khu vực Đông Á. Nếu tính riêng xuất khẩu, trên 50% đi vào khu vực này (Đài Loan, Hong Kong, TQ, Nhật Bản, Hàn Quốc), còn nhập khẩu trên 70%. Một trong những lý do khiến VN có xu hướng ấy là do sự gần gũi về vị trí địa lý và VN đã ký các hiệp định tự do với các nước trong khu vực này.

Tuy vậy, một vị lãnh đạo Bộ Công Thương đánh giá, trong thương mại việc phụ thuộc quá mức vào một khu vực hay thị trường nào đó thì tiềm ẩn rủi ro là rất lớn. Cuộc khủng hoảng tài chính Đông Á nổ ra vào năm 1997 cho thấy một năm sau khủng hoảng xuất khẩu của Việt Nam chỉ tăng trưởng 0,2%, đây là mức tăng thấp nhất từ trước đến lúc đó. Như vậy, DN không thể dựa quá mức vào một thị trường, khu vực thị trường mà cần đa dạng hóa thị trường, mặt hàng.

Ngoài cơ cấu lại thị trường thì việc thay đổi tư duy quản lý, cách thức kinh doanh cũng là cái mà DN tính đến. DN cần tập thói quen bỏ trợ cấp bởi quan điểm của các nước tham gia đàm phán TPP là ít trợ cấp càng nhiều càng tốt. DN cũng phải chủ động nguồn nguyên liệu, nâng giá trị sản phẩm, tránh kiểu sản xuất “mì ăn liền”.

Bên cạnh đó, một điều quan trọng nữa là Nhà nước cũng cần có những chính sách đổi mới và cải cách hoàn thiện thể chế. Thay đổi tư duy và triết lý quản lý, cải cách văn bản pháp luật theo hướng DN được phép làm cái gì mà pháp luật không cấm và bỏ kiểu “quản không được thì cấm”. Để đáp ứng được quy định trên, Việt Nam sẽ phải sửa khá nhiều văn bản pháp luật.

TRÀ PHƯƠNG

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm