Giá vàng SJC quá đắt, kiến nghị phá thế độc quyền

Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam (VGTA) mới đây đã kiến nghị Chính phủ, Quốc hội, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) nhiều giải pháp nhằm đổi mới chính sách pháp luật cũng như cơ chế quản lý đối với ngành vàng. Qua đó nhằm cởi trói cho thị trường vàng vốn bị siết chặt bởi Nghị định 24/2012 trong gần 10 năm qua.

Thêm thương hiệu vàng miếng: Cần cân nhắc

Hiện nay, trên thị trường chỉ có duy nhất vàng miếng SJC là thương hiệu vàng miếng quốc gia do NHNN độc quyền sản xuất. Chính vì vậy, VGTA đề xuất bỏ quy định NHNN độc quyền sản xuất vàng miếng và không sử dụng một loại vàng miếng SJC làm thương hiệu độc quyền như lâu nay mà nên cấp phép cho một số công ty đủ điều kiện để sản xuất vàng miếng.

VGTA cũng đề nghị xem xét cấp phép thêm một số thương hiệu vàng miếng có uy tín khác (ngoài SJC) đủ tiêu chuẩn lưu thông trên thị trường. Qua đó tạo sự cạnh tranh công bằng, bình đẳng của vàng miếng trên thị trường và đảm bảo quyền lợi tốt nhất cho người dân mua vàng.

Khi thị trường vàng minh bạch có thể giúp giảm thiểu vấn nạn buôn lậu, cũng như tăng cường bảo vệ người tiêu dùng. Ảnh: THÙY LINH

Một nghiên cứu do Hội đồng vàng thế giới (WGC) thực hiện với nhà đầu tư cá nhân tại Việt Nam cũng cho thấy trong bối cảnh bất ổn toàn cầu, vàng vẫn duy trì được lợi thế. Đặc biệt, có đến 81% số người được hỏi đã từng mua vàng sẽ tiếp tục mua và chỉ 10% nói rằng họ không hứng thú với vàng.

Điều này chỉ ra việc giá vàng liên tục tăng trong những năm gần đây khiến nhà đầu tư ngày càng quan tâm đến đầu tư vàng. Thế nhưng hiện chỉ có một thương hiệu vàng miếng SJC dẫn đến tình trạng vàng trong nước quá cao, quá đắt so với giá vàng thế giới, có thời điểm lên đến hơn 8 triệu đồng/lượng.

Mức chênh lệch quá lớn này gây thiệt thòi cho người mua vàng. Vì vậy, khi có thêm một số thương hiệu vàng miếng khác thay vì chỉ duy nhất SJC “một mình một chợ” thì chênh lệch giữa giá vàng trong nước với thế giới sẽ giảm, người mua vàng được hưởng lợi.

Tuy nhiên, ông Trần Thanh Hải, Chủ tịch HĐQT Công ty Vàng bạc đá quý SJC Phú Thọ, cho rằng đề xuất cấp phép thêm một số thương hiệu vàng miếng là không phù hợp trong thời điểm này. Bởi hơn 10 năm trước, vàng được xem là thước đo của giá trị bất động sản nhưng hiện tại người dân không còn mua bán nhà, đất bằng vàng nữa và chuyển sang thanh toán bằng tiền đồng Việt Nam. Điều đó cho thấy chức năng thanh toán của vàng miếng đã phần nào bị lu mờ.

Mặt khác, thói quen mua vàng của người dân thực sự vẫn còn nhưng không hiếm người đã dần dịch chuyển từ vàng miếng SJC sang vàng nhẫn và vàng nữ trang 24K. Đó là chưa kể từ khi có Nghị định 24/2012, thị trường vàng được quản lý tốt hơn và giảm được tình trạng vàng hóa.

“Nếu giờ đây NHNN cấp thêm một số thương hiệu vàng miếng nữa thì một đống của cải, tài sản sẽ chôn vùi vào vàng chứ không phát huy giá trị, không đầu tư cho phát triển kinh tế. Chưa kể nó còn có nguy cơ dẫn đến chảy máu ngoại tệ qua biên giới để nhập vàng lậu” - ông Trần Thanh Hải nêu quan điểm.

Thành lập sàn vàng: Cần thiết

Cũng trong văn bản kiến nghị gửi các cơ quan chức năng, VGTA đề xuất cho phép thành lập Sở giao dịch vàng quốc gia nhằm tạo ra sự liên thông của giá vàng trong nước với giá vàng quốc tế. Trước mắt có thể thí điểm mô hình này tại TP.HCM hoặc Hà Nội.

“Sở giao dịch vàng quốc gia sẽ giúp loại bỏ những sàn vàng chui hoạt động bất hợp pháp, tăng huy động vàng trong dân, giảm thiểu giao dịch bằng tiền mặt và chống thất thu thuế của Nhà nước” - VGTA giải thích.

Trao đổi về vấn đề này, ông Huỳnh Trung Khánh, cố vấn cấp cao của Hội đồng vàng thế giới tại Việt Nam, nêu quan điểm: Các loại hàng hóa khác như cà phê, bắp, đậu tương, lúa mì… đều có sàn giao dịch thì tại sao các nhà quản lý lại không cho phép lập sàn vàng? Sàn vàng có thể hoạt động tương tự như sàn chứng khoán.

“Sàn giao dịch hàng hóa hay sàn chứng khoán có thể niêm yết từ vài chục đến cả ngàn mã, nhưng với sàn vàng thì chỉ có duy nhất một mã. Do đó, việc quản lý, điều hành sàn vàng sẽ đơn giản hơn nhiều so với những sàn khác” - ông Khánh nhấn mạnh.

Vị chuyên gia vàng này cũng nhận định nhu cầu mua - bán vàng của cả doanh nghiệp và người dân đều hiện hữu. Chưa kể những nhà đầu tư cá nhân còn than phiền về việc làm loạn giá của các tiệm vàng mỗi khi thị trường có biến động bằng cách đẩy khoảng chênh lệch giá mua và bán lên cao nhất có thể, tức dồn hết mọi rủi ro về phía người tiêu dùng. Do đó, nếu có sàn giao dịch vàng thì mọi hoạt động sẽ diễn biến theo cung cầu của thị trường một cách minh bạch và không tiệm vàng, không công ty kinh doanh vàng nào có khả năng làm giá được nữa.

Đồng quan điểm, chuyên gia vàng Trần Thanh Hải nhận định việc thành lập sàn giao dịch vàng không chỉ giúp thỏa mãn một phần nhu cầu về đầu tư trong nước mà còn tranh thủ giữ chân nguồn vốn đầu tư gián tiếp của nhà đầu tư nước ngoài ở lại thị trường Việt Nam lâu hơn.

“Nếu có một sàn vàng liên thông với thị trường vàng thế giới sẽ hỗ trợ cho những nhà đầu tư gián tiếp khi thoái vốn ở thị trường vốn như cổ phiếu, trái phiếu, chứng chỉ quỹ… và đầu tư vào thị trường hàng hóa (vàng) và ngược lại” - ông Hải phân tích.

Hội đồng vàng thế giới cũng cho rằng luật pháp Việt Nam quy định hạn chế về lựa chọn đầu tư vàng. Vì vậy, người tiêu dùng có ít sự lựa chọn hơn và không thể hưởng lợi từ các sản phẩm đầu tư vàng hiện đại, chẳng hạn như tài khoản vàng kỹ thuật số. Bởi vậy khi mở cửa và công khai, minh bạch hơn đối với thị trường vàng có thể giúp giảm thiểu vấn nạn buôn lậu, cũng như tăng cường bảo vệ người tiêu dùng.

Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam kiến nghị nhiều giải pháp nhằm đổi mới chính sách pháp luật cũng như cơ chế quản lý đối với ngành vàng. Ảnh: T.Linh

Đã đến lúc cởi trói cho kinh doanh vàng

Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam đề nghị Chính phủ, Quốc hội đưa ngành sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ ra khỏi danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Cùng với đó là xem xét cấp giấy phép nhập khẩu vàng nguyên liệu cho doanh nghiệp để có đủ nguyên liệu sản xuất. Qua đó rút gần khoảng cách giữa giá vàng trong nước với quốc tế.

Cũng theo VGTA, nhiều quy định tại Nghị định 24/2012 về quản lý hoạt động kinh doanh vàng ban hành cách nay gần 10 năm đã không còn phù hợp với yêu cầu đổi mới của Chính phủ, trong bối cảnh thị trường vàng Việt Nam đã cơ bản ổn định. Chính vì vậy, cần sửa đổi nghị định này theo hướng cởi trói cho doanh nghiệp, giúp thị trường ít biến động và cũng không gây tác động lên tỉ giá ngoại tệ.

Tuy vậy, NHNN đã rất nhiều lần khẳng định nhờ Nghị định 24/2012 nên đã dập tắt được cơn sốt vàng, góp phần ổn định tỉ giá. Mặt khác, vàng miếng, vàng nguyên liệu không phải hàng hóa bình thường như các loại hàng hóa khác nên cần được quản lý cẩn trọng. Vì vậy, NHNN kiên định với những chính sách, những kết quả đạt được trong thời gian qua, mà cụ thể chính là Nghị định 24/2012 về quản lý hoạt động kinh doanh vàng. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm