Giá vàng quốc tế suy yếu

Chốt phiên New York 23/4, mỗi ounce vàng thế giới mất hơn 13 USD, về dưới ngưỡng 1.415 USD.

Giá dầu thô sụt giảm và sự mạnh lên của đồng bạc xanh đã gây áp lực lên giá vàng. Cùng với đó là động thái chốt lời của một số nhà đầu tư đã khiến giá vàng giảm từ 1.428 USD xuống dưới 1.407 USD.

Sau đó, giá phục hồi nhẹ về cuối phiên và chốt ở 1.413 USD khi thị trường New York đóng cửa. Cùng lúc, giá vàng giao tháng 6 chốt ngày quanh 1.419,90 USD, giảm khoảng 10 USD so với phiên liền trước.

Bước sang giờ giao dịch sáng nay tại thị trường châu Á, giá phục hồi nhẹ. Tính đến 8h, giờ Hà Nội, mỗi ounce lên sát 1.421,80 USD, tăng hơn 8 USD so với mở cửa. Nếu căn cứ theo tỷ giá ngân hàng 20.950 đồng, mỗi lượng vàng thế giới quy đổi hiện có giá khoảng 35,9 triệu đồng (chưa gồm các loại thuế, phí, gia công...). Trong khi đó, mức giá mở cửa của vàng miếng trong nước xoay quanh 41,88-42,18 triệu đồng, tức cao hơn giá thế giới hơn 6,2 triệu đồng mỗi lượng.

Giá vàng thế giới thời gian gần đây thường tăng giảm với biên độ khá lớn trong khi trong nước điều chỉnh dè dặt, chủ yếu dựa vào cung cầu và tác động từ các phiên đấu thầu. Sáng nay, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục tổ chức phiên đấu giá lần thứ 11 và cũng với quy mô 26.000 lượng. Mức giá tham chiếu 41,85 triệu đồng.

Theo các chuyên gia, trong ngắn hạn tuy giá vàng quốc tế tuy chịu áp lực giảm giá trước sự mạnh lên của đồng bạc xanh nhưng về trung, dài hạn, sự nới lỏng chính sách tiền tệ của các ngân hàng trung ương cùng với nhu cầu mua vàng vật chất tăng cao tại các nước châu Á sẽ hỗ trợ cho kim loại quý.

Theo Lệ Chi (VNE)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm