Giá ô tô tại Việt Nam sắp rẻ vì những lý do này

Trong báo cáo mới phát hành, Công ty chứng khoán SSI cho biết, quy mô thị trường đã đủ lớn để các nhà sản xuất chuyển dịch từ nhập khẩu sang lắp ráp trong nước.
Trước đó, các nhà sản xuất ô tô chủ yếu nhập khẩu các mẫu xe vì quy mô thị trường chưa đủ lớn để lắp ráp xe trong nước. Tuy nhiên, khi thị trường ô tô Việt Nam đang phát triển nhanh chóng về sản lượng tiêu thụ và thị phần ngày càng trở nên tập trung, lĩnh vực sản xuất ô tô đang thu hút nhiều vốn đầu tư hơn.
Hiện trên thị trường có 6 thương hiệu mạnh chiếm 90% thị phần là Thaco, Hyundai, Toyota, Mitsubishi, Ford, Honda với doanh số bình quân từ 30.000 - 60.000 chiếc/năm, vượt qua điểm hòa vốn đối với xe lắp ráp trong nước, mà theo ước tính trước đây là 30.000 - 40.000 chiếc/ năm cho một nhà máy lắp ráp hoặc 10.000 - 20.000 chiếc/ năm cho mỗi mẫu xe. 
Theo đó, các thương hiệu ô tô hàng đầu đã công bố đầu tư vào các nhà máy lắp ráp ô tô lớn chỉ trong 2 năm gần đây, như Ford đầu tư 1.900 tỉ đồng để sản xuất 30.000 chiếc/năm. Hyundai đầu tư 3.200 tỉ sản xuất 100.000 chiếc/năm, hay Mitsubishi đầu tư gần 6.000 tỉ để sản xuất 40.000 chiếc/năm.
Nhiều dự án lắp ráp khác cũng sẽ triển khai trong thời gian tới như nhà máy Honda và Toyota mở rộng. Ngoài ra, thương hiệu xe Việt Nam VinFast cũng sẽ gia tăng sản lượng ô tô trong thời gian đến.
"Sản lượng sản xuất xe trong nước tăng nhanh đang dần đáp ứng được nhu cầu của người tiêu dùng và có thể giúp giá xe ngày càng rẻ hơn. Với việc có thêm nhiều nhà máy sản xuất và lắp ráp ô tô mới ước tính hoàn thành vào giai đoạn 2022 – 2023, chúng tôi cho rằng thị trường ô tô sẽ cực kỳ sôi động và các nhà sản xuất có thể cho ra nhiều chính sách chiết khấu và giảm giá mạnh mẽ để thúc đẩy nhu cầu thị trường bắt kịp nguồn cung mới", SSI đánh giá.
SSI cũng cho rằng, chính phủ sẽ có khả năng giảm dần thuế, phí đối với ô tô. Vì sau khi nghị định 57/2020/NĐ-CP và Hiệp định EVFTA, ATIGA có hiệu lực, rất nhiều loại thuế phí đã được cắt bỏ và giá ô tô cũng giảm theo tương ứng.
Hiện tại, Quốc hội đang thảo luận về khả năng giảm thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) với tỉ lệ giảm thuế tương ứng với tỷ lệ nội địa hóa của mỗi dòng xe, giúp thúc đẩy hơn nữa tiêu thụ xe giá rẻ. 
Tuy nhiên, khả năng giảm thuế TTĐB cho ô tô còn tương đối thấp vì khoản này đóng góp tới 4,4% thu ngân sách nhà nước và khó có thể cắt giảm trong thời điểm thu ngân sách bị ảnh hưởng tiêu cực sau dịch COVID-19. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm