Giá gạo Việt Nam bằng với Thái Lan: Mừng hay lo?

Điều gì sẽ xảy ra khi lần đầu tiên trong nhiều năm giá gạo VN bằng với Thái Lan? Thị trường xuất khẩu gạo biến chuyển ra sao khi trong vòng một tháng, Hiệp hội Lương thực VN (VFA) bốn lần điều chỉnh tăng giá sàn xuất khẩu? Nhân dịp Giáo sư Võ Tòng Xuân là đại biểu duy nhất của VN được mời làm diễn giả tại hội nghị lúa gạo xuất khẩu thế giới 2010 ở Singapore vào giữa tháng 10, Pháp Luật TP.HCM đã trao đổi với ông để làm rõ điều này.

Không sốt lương thực

. Ông đánh giá thế nào về biến động của thị trường lương thực thế giới và trong nước thời gian qua?

+ Theo ước tính của Bộ Nông nghiệp Mỹ, mặc dù thời tiết không thuận lợi ở nhiều quốc gia sản xuất lúa làm tổng sản lượng lúa bị giảm khoảng 4,6 triệu tấn nhưng sản lượng lương thực trên thế giới tính đến giữa tháng 9-2010 vẫn cao hơn mức năm 2009 khoảng 3%, có thể đạt đến 454,6 triệu tấn gạo. Đây là mức cao kỷ lục từ trước đến nay. Giá gạo có nhích lên, sau đó thì giảm lại nhưng vẫn còn cao hơn so với cuối vụ hè thu vừa qua. Hiện nay các nước châu Phi đang cần gạo nhưng những công ty mua bán gạo đang chờ giá gạo giảm xuống nữa mới mua. Thái Lan và VN phải giữ giá gạo ở mức cao vừa phải mới bảo vệ cho nông dân trồng lúa có lợi.

. Liệu thị trường có lặp lại tình trạng giá lương thực tăng vọt như năm 2008 hay không, thưa ông?

+ Chắc chắn là không, vì như trên đã nói, sản lượng lương thực không thiếu. Bên cạnh đó, chính phủ các nước đã có kinh nghiệm không để cho nạn đầu cơ tích trữ xảy ra như trước.

Giá gạo Việt Nam bằng với Thái Lan: Mừng hay lo? ảnh 1

Người trồng lúa lo ngại giá lúa trong nước xuống thấp do doanh nghiệp khó ký hợp đồng mới. Trong ảnh: Thương lái thu mua lúa tại Trà Vinh. Ảnh: Q.TRUNG

Chưa thể bằng Thái Lan

. Trong vòng một tháng, VFA bốn lần điều chỉnh tăng giá sàn xuất khẩu gạo. Nhiều doanh nghiệp cho rằng việc tăng giá sàn sẽ gây khó khăn trong việc ký kết hợp đồng mới. Vậy việc điều chỉnh giá sàn của VFA như thời gian qua liệu đã hợp lý và phù hợp với tình hình thế giới, trong nước hay chưa?

+ Theo khuynh hướng thị trường quốc tế, giá gạo loại thường đúng ra phải ở mức cao khoảng 500 USD/tấn nhưng vì hai quốc gia xuất khẩu gạo nhiều nhất là Thái Lan và VN đều trúng mùa nên nhiều công ty gạo quốc tế chần chừ đợi giá giảm mới mua. VFA điều chỉnh giá gạo ở mức cao là đúng nhưng với giá đó phải chờ khách hàng vào mua mới bán được. Trong khi đó một số doanh nghiệp của VN đã ký hợp đồng bán gạo giá thấp nên không thể mua lúa rẻ được nữa. Vì vậy, việc tăng giá sàn xuất khẩu khiến các công ty không có thêm khách hàng mới, từ đó không dám mua lúa giá cao nữa. Nếu điều này xảy ra thì trong một thời gian nữa giá lúa sẽ giảm, các công ty lương thực nhà nước sẽ tung thương lái mua gom lúa với giá rẻ. Nếu như vậy thì điệp khúc “trúng mùa rớt giá” sẽ lại xảy ra, nông dân tiếp tục chịu thiệt thòi.

. Lần đầu tiên trong nhiều năm giá sàn xuất khẩu gạo VN ngang bằng, thậm chí cao hơn giá sàn của Thái Lan. Điều này nên mừng hay lo bởi dù sao chất lượng gạo của VN vẫn chưa bằng Thái Lan, bên cạnh đó việc nâng cao giá sàn sẽ làm gạo VN giảm cạnh tranh so với đối thủ cạnh tranh Pakistan, Myanmar, Campuchia, thưa ông?

+ Xem thông tin thị trường hôm nay tôi thấy Thái Lan cũng đã nâng giá gạo trắng thường 5% tấm lên 475 USD/tấn như của VN. Đây là giá gạo thường của Thái chứ không phải gạo Hom Mali 105. VN không thể cạnh tranh với gạo Hom Mali 105 của Thái Lan hoặc gạo Basmati của Pakistan. Nhưng chúng ta là nước có thế mạnh trên thị trường gạo trắng thường khi đã bán nhiều nhất loại gạo này cho Philippines, Indonesia, Bangladesh, nhiều nước châu Phi. Trong lúc này, Myanmar, Campuchia chưa thể cạnh tranh với VN.

Chưa có gạo thương hiệu

. Với diễn biến giá gạo thế giới như thời gian qua, nhà chức trách trong nước và VFA, doanh nghiệp nên làm gì, thưa ông?

+ VFA được nhà nước tin tưởng giao hai trọng trách an toàn lương thực và xuất khẩu gạo. Mục tiêu cuối cùng của hai trọng trách này là phải làm cho nông dân trồng lúa ngày càng giàu lên và đưa uy tín thương hiệu gạo VN ngày càng lên cao, được thế giới kính nể.

Tuy nhiên, nhìn lại quãng thời gian 21 năm xuất khẩu gạo, chúng ta đạt được gì? VFA có đạt được hai mục tiêu lớn mà Đảng và nhà nước giao hay chưa? Về lợi tức, phần lớn nông dân trồng lúa vẫn còn quá nghèo, gặt lúa rồi phải lo bán tháo để có ít tiền trả nợ vật tư, phân bón, thuốc trừ sâu, làm đất… Rất ít người dám trữ lúa chờ giá lên để bán. Mọi thứ lợi từ lúa gạo đều được hàng xáo, thương lái lớn nhỏ hưởng hết.

Về mục tiêu thứ hai, cho đến giờ VN vẫn chưa xuất gạo có thương hiệu mạnh. Tôi nghĩ đã đến lúc nhà nước phải thấy tình trạng này của nông dân và của hạt gạo VN, từ đó có biện pháp thay đổi cách làm mới có thể thực hiện thành công Nghị quyết 26 về tam nông.

. Xin cảm ơn ông.

TRUNG HIẾU thực hiện

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm