Gạo Thái kém cạnh tranh hơn gạo Việt, gạo Ấn Độ vì giá cao

Theo báo cáo của Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT), tính đến ngày 15-6, khối lượng gạo xuất khẩu đã đạt 3,2 triệu tấn với giá trị 1,6 tỷ USD. So với cùng kỳ 2019, lượng gạo xuất khẩu đã tăng 4,6% và tăng 18,2% về giá trị.

 Xuất khẩu gạo của Việt Nam có tín hiệu tốt hơn sau khi Quốc hội thông qua Hiệp định EVFTA. Ảnh minh họa: GIA TUỆ

Trên thị trường thế giới, trong tháng 6, giá gạo xuất khẩu Thái Lan đã tăng nhẹ so với tháng trước đó vì tỷ giá đồng Baht tăng và có sự thiếu hụt nguồn cung do hạn hán.

Cụ thể giá gạo tiêu chuẩn 5% tấm của Thái Lan tăng từ 490-512 USD/tấn. Tình trạng này đã khiến gạo Thái trở nên kém cạnh tranh hơn so với một số quốc gia xuất khẩu gạo khác như Ấn Độ, Việt Nam.

Hiện giá gạo xuất khẩu của Ấn Độ giảm nhẹ vì tỷ giá đồng Rupee giảm, các đối tác đặt hàng cũng chững lại và ảnh hưởng từ dịch COVID-19 khiến lao động logistics bị thiếu hụt.

Giá gạo của Việt Nam cũng đang giảm nhẹ vì nguồn cung từ vụ thu hoạch hè thu đang dần được đưa ra thị trường. Gạo 5% tấm của Việt Nam từ 475 USD/tấn giảm còn 450 USD/tấn (FOB TPHCM), mức thấp nhất trong gần hai tháng qua.

Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản đánh giá, triển vọng xuất khẩu gạo của Việt Nam đang được mở ra khi Hiệp định thương mại Việt Nam – Liên minh Châu Âu (EVFTA) được Quốc hội thông qua và có hiệu lực từ ngày 1-8.

Trong đó, cam kết cụ thể EU dành cho Việt Nam là hạn ngạch 80.000 tấn gạo/năm (gồm 30.000 tấn gạo xay xát; 20.000 tấn gạo chưa xay xát và 30.000 tấn gạo thơm) và tự do hoá hoàn toàn với gạo tấm. Sau 3 – 5 năm, thuế suất cho các sản phẩm từ gạo sẽ về 0%.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm