FED làm nóng thị trường ngoại tệ tại Việt Nam ra sao?

Việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ điều chỉnh lãi suất nhiều hay ít đều tác động đến thị trường tài chính nên Việt Nam không được chủ quan. Thực tế liên tục trong những ngày qua, tỉ giá tăng lên mức kịch trần (22.547 VND/USD), bất chấp Ngân hàng Nhà nước (NHNN) nhiều lần khẳng định không điều chỉnh tỉ giá cho đến hết năm nay.

Điển hình là sáng 16-12, hàng loạt ngân hàng thương mại (NHTM) điều chỉnh tăng giá chiều mua vào và giá bán ra vẫn giữ nguyên mức kịch trần. Đặc biệt, trước đó tại một số ngân hàng, giá mua vào thu hẹp khoảng cách so với giá bán. Đây được xem là lần đầu tiên trong nhiều năm qua, tỉ giá USD/VND có hiện tượng giá mua vào san bằng giá bán và cùng kịch trần.

Căng như sợi dây đàn

Việc giá USD tại các NHTM đồng loạt tăng lên kịch trần làm dấy lên nhiều lo ngại về vấn đề tỉ giá, nhất là vào dịp cuối năm.

Lý giải về hiện tượng này, ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó Giám đốc NHNN Chi nhánh TP.HCM, cho rằng giá USD tại các NHTM tăng chủ yếu là do yếu tố tâm lý. Cụ thể, nhiều người lo ngại khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) tăng lãi suất sau cuộc họp diễn ra trong hai ngày 16 và 17-12 này. Điều đó khiến giá USD ngày càng tăng cao hơn, trong khi giá dầu thô đang trong xu hướng giảm mạnh.

“Vậy lý do vì sao NHNN lại tăng giá mua USD?”, trả lời câu hỏi này của chúng tôi, ông Minh lý giải rằng NHNN điều chỉnh tỉ giá linh hoạt theo giá thị trường.

“Thực tế những ngày qua giá ngoại tệ tăng nhưng cung và cầu trên thị trường không tăng nhiều và không có dấu hiệu đột biến. Nhu cầu chính đáng của người dân, doanh nghiệp (DN) về ngoại tệ đều được đáp ứng” - ông Minh khẳng định.


Giao dịch ngoại tệ tại ngân hàng. Ảnh: HTD

Trong khi đó, theo TS Lê Đăng Doanh, nguyên nhân khiến USD tăng kịch trần đến từ các yếu tố bên ngoài nhiều hơn các yếu tố trong nước. Cụ thể việc FED có thể sẽ điều chỉnh lãi suất cơ bản đồng USD lần đầu tiên sau nhiều năm gây biến động lên thị trường tài chính.

“Động thái này dự báo sẽ làm dòng vốn quay trở lại Mỹ và đồng USD lên giá. Điều này cũng có nghĩa là tỉ giá đồng tiền ở các nước khu vực châu Á sẽ có sự thay đổi tới đây. Nhiều DN cũng đang cố gắng mua USD vào để đề phòng tỉ giá có thể tăng trong thời gian tới” - ông Doanh phân tích.

Một số ý kiến khác cũng nhìn nhận rằng nhiều người đang kỳ vọng FED tăng lãi suất USD sẽ kéo theo sự mất giá của VND. Từ đó họ mua gom USD để tích trữ, sau đó khi đồng bạc xanh lên giá thì bán ra để thu lời. Với những người đang nắm giữ tài sản bằng VND hoặc có nhu cầu chi tiêu bằng USD thì lo sợ sau này sẽ phải tốn nhiều VND hơn để mua USD nên cũng mua gom đồng tiền này.

Để giảm bớt căng thẳng ngoại tệ

Từ vài tuần qua, theo dõi trên thị trường chứng khoán, ông Doanh nhận thấy nhiều nhà đầu tư nước ngoài đã bán ròng cổ phiếu của mình và rút vốn về vì họ tính toán nếu FED tăng lãi suất thì tỉ giá tại Việt Nam có thể biến động nên giữ VND sẽ thiệt.

Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng ngay cả nếu FED không tăng lãi suất thì tỉ giá cũng tăng do vào dịp cuối năm nhu cầu ngoại tệ tăng cao do phải thanh toán các khoản nợ; DN vay ngoại tệ nhập hàng phục vụ cho sản xuất, xuất nhập khẩu mùa tết. Bên cạnh đó, gần đây Trung Quốc liên tục phá giá đồng nhân dân tệ cũng tác động đến thị trường ngoại tệ tại Việt Nam.

“Trước bối cảnh này, chúng ta cần phải chủ động, kịp thời chứ đừng chờ đến lúc phải bán ngoại tệ ra can thiệp thị trường. Song tôi nghĩ trong bối cảnh hiện nay có lẽ sắp tới NHNH phải điều chỉnh tỉ giá” - ông Doanh dự báo.

Thế nhưng trong vài tháng qua, NHNN liên tục cam kết sẽ không điều chỉnh tỉ giá cho đến hết năm nay. Điều này có nghĩa dù ngoại tệ tăng thì từ giờ đến hết năm tỉ giá vẫn tiếp tục được duy trì ổn định.

Bình luận về vấn đề này, TS Nguyễn Trí Hiếu nói việc FED điều chỉnh lãi suất nhiều hay ít đều tác động đến thị trường tài chính châu Á, trong đó có Việt Nam nên chúng ta không được chủ quan.

Ông Hiếu nhận định: “Việc NHNN dùng nguồn dự trữ ngoại hối để bán ra nhằm làm dịu thị trường cũng được nhưng nguồn dự trữ là giới hạn. Do vậy, nếu tỉ giá tiếp tục căng thẳng, cực chẳng đã NHNN sẽ phải điều chỉnh tỉ giá, vấn đề là điều chỉnh vào thời điểm nào thôi”.

Một số ý kiến khác cũng cho rằng cần áp dụng một chế độ tỉ giá mới linh hoạt hơn, mang tính thị trường hơn. Từ đó mới có khả năng ứng phó tốt hơn các cú sốc từ bên ngoài vốn thay đổi nhanh chóng.

Áp lực ngoại hối

Trước diễn biến tỉ giá USD/VND gần đây, Trung tâm Nghiên cứu kinh tế - Ngân hàng Hàng hải (Maritime Bank) vừa có bản phân tích động thái mới từ Trung Quốc với đồng nhân dân tệ và tình huống FED tăng lãi suất đối với triển vọng tỉ giá USD/VND. VnEconomy dẫn nguồn từ trung tâm này nhận định ngoài những yếu tố về cung-cầu ngoại tệ thời điểm cuối năm, thị trường đang bị ảnh hưởng tâm lý khá mạnh bởi những thông tin từ Trung Quốc và Mỹ. Vì vậy nhìn chung áp lực ngoại hối ở Việt Nam sẽ luôn thường trực trừ phi tới đây có được dòng tiền vào ở mức đủ lớn và đủ ổn định để giúp làm đảo ngược trạng thái cung-cầu ngoại tệ hiện hành.

USD tiếp tục tăng, vàng giảm sâu

Ngày 16-12, giá USD tại Vietcombank tăng thêm 42 đồng chiều mua vào, đẩy giá mua vào lên 22.517 VND/USD. Tương tự, Ngân hàng ACB cũng tăng thêm 30 đồng chiều mua vào, giao dịch ở mức 22.497 VND/USD.

Trước áp lực đồng bạc xanh mạnh lên, giá vàng trong nước lùi sâu về mốc 33 triệu đồng/lượng. Giá vàng miếng SJC tại TP.HCM lúc 10 giờ sáng hôm qua niêm yết giá mua vào - bán ra ở mức 32,79-33,04 triệu đồng/lượng, giảm thêm 10.000 đồng/lượng so với trước đó một ngày.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm