Được tháo ‘vòng kim cô’, địa ốc thở phào

Sau hàng loạt phản ứng gay gắt từ các doanh nghiệp, hiệp hội, chuyên gia,… Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã ban hành Thông tư 06/2016 để thay thế dự thảo sửa đổi Thông tư 36.

Nội dung của Thông tư 06 có một số điều chỉnh lớn, trong đó đáng chú ý nhất là nội dung liên quan đến bất động sản. Cụ thể thông tư này quy định hệ số quy đổi rủi ro của các khoản phải đòi để kinh doanh bất động sản là 200% tại thời điểm 1-1-2017 thay vì 250% như dự thảo; tỉ lệ sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn được giảm theo lộ trình từ 60% xuống 50% từ 1-1-2017 và 40% từ 1-1-2018, thay vì giảm ngay như trong dự thảo.

Giải pháp dung hòa

Bình luận về thông tư mới này, nhiều ý kiến cho rằng những sửa đổi trên vừa giải quyết được lợi ích của các nhóm kinh doanh và hòa hợp với mục tiêu hoạch định chính sách tiền tệ của NHNN.

Ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó Giám đốc NHNN Chi nhánh TP.HCM, nói: “Đây là một quyết định hợp lý. Đối với lĩnh vực bất động sản, Thông tư 06 tiến đến giảm dần tỉ lệ nguồn vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn theo lộ trình chứ không siết đột ngột. Quyết định này giúp các ngân hàng có thời gian chuyển đổi cơ cấu kỳ hạn giữa tài sản. Đồng thời tránh gây sốc cho thị trường bất động sản”.

Ông Minh cũng cho rằng việc tăng hệ số rủi ro từ 150% hiện nay lên 200% (nhưng dưới mức 250% như dự thảo) đối với nhóm tài sản thuộc các khoản phải đòi để kinh doanh bất động sản không ảnh hưởng đến các khoản cho vay cá nhân mua nhà trả góp, sửa nhà… của các ngân hàng. Nó cũng không ảnh hưởng đến mục tiêu an sinh xã hội.

Khách hàng đang tìm hiểu thông tin căn hộ tại một sàn giao dịch bất động sản ở TP.HCM. Ảnh: HTD

Tương tự, TS Nguyễn Minh Phong, chuyên gia kinh tế, nhìn nhận một số ngân hàng thời gian qua gặp khó khăn, nay nếu cứ thoải mái lấy vốn huy động ngắn hạn đi cho vay dài hạn thì dễ xảy ra rủi ro cao. “Vậy nên Thông tư 06 thông qua giảm trần sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn từ 60% xuống 50% và nâng hệ số rủi ro lên giúp NHNN ngăn chặn những ngân hàng nhỏ nhưng dùng quá nhiều vốn ngắn hạn cho vay bất động sản, đảm bảo tính thanh khoản, tạo sự an toàn cho hệ thống ngân hàng” - ông Phong nói.

Một số chuyên gia khác thì nhìn nhận thay vì “thắng gấp” cho vay bất động sản, Thông tư 06 đã thắt từ từ nhằm để các công ty kinh doanh bất động sản có thời gian thích ứng, qua đó có thể tìm cho mình phương án tiếp cận các nguồn vốn bền vững khác. Bởi nếu siết tín dụng vào lĩnh vực này quá mạnh thì tăng trưởng kinh tế cũng sẽ bị ảnh hưởng.

Cần sự công bằng hơn

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA), nhận định Thông tư 06 góp phần đào thải bớt các nhà đầu tư yếu kém năng lực quản trị và tài chính. Với những công ty nhỏ không đủ uy tín và năng lực thì có thể sáp nhập, chuyển nhượng dự án. “Ngoài ra tự thân các công ty bất động sản cũng phải tìm các kênh vốn khác thay vì dựa dẫm quá nhiều vào nguồn vốn ngân hàng” - ông Châu nói.

Đồng quan điểm, ông Lê Chí Hiếu, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Phát triển nhà Thủ Đức (ThuDucHouse), nhận xét so với dự thảo thì Thông tư 06 giúp các công ty bất động sản dễ thở hơn. Tuy nhiên, ông Hiếu cho rằng tỉ lệ rủi ro của bất động sản bị nâng lên 200% không phải quá cao nhưng vẫn còn mang tính phân biệt đối xử. Bởi trong khi tỉ lệ rủi ro của doanh nghiệp kinh doanh bất động sản bị đẩy lên mức trên thì các ngành sản xuất khác vẫn giữ nguyên ở mức 150%.

Ông Hiếu nói: “Ngoài thuế vẫn phải đóng giống như các ngành sản xuất, các công ty bất động sản còn bị chi phối bởi một số quy định khác như các dự án phải dành 20% quỹ đất làm nhà ở xã hội, tiền thuế sử dụng đất cao. Một khi gánh nặng chi phí của công ty bất động sản bị đẩy lên, giá thành cũng bị đội lên cao hơn, người mua nhà thiệt. Điều này kéo theo chi phí của các ngành sản xuất khác cũng nặng thêm vì những ngành này cũng phải sử dụng bất động sản làm trụ sở, nhà máy, nhà kho… Do đó Nhà nước nên duy trì hệ số rủi ro với bất động sản ở mức 150%”.

Ngoài ra, tuy ủng hộ việc siết tỉ lệ sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn nhưng nhiều chuyên gia cho rằng Thông tư 06 chưa có bước tiến lớn về khống chế rủi ro tổng thể, mà chỉ đi vào việc khống chế từng chỉ tiêu rủi ro đơn lẻ.

Từ 1-6, xuất khẩu được vay ngoại tệ trở lại

Sau gần hai tháng ngừng cho vay ngoại tệ, NHNN vừa ban hành Thông tư 07/2016 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 24/2015. Theo đó các DN có thể vay vốn ngắn hạn bằng ngoại tệ để sản xuất kinh doanh.

Ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó Giám đốc NHNN Chi nhánh TP.HCM, cho biết thông tư này nhằm hỗ trợ các công ty xuất khẩu. Sau hai tháng áp dụng việc cấm cho vay ngoại tệ, NHNN đánh giá có nhiều DN xuất khẩu gặp khó khăn trong sản xuất kinh doanh. Đặc biệt là các DN xuất khẩu phải đi vay với lãi suất tiền đồng cao hơn gấp đôi so với lãi suất bằng USD. Điều này khiến các công ty khó có thể hạ giá thành sản phẩm, kéo theo năng lực cạnh tranh hàng hóa trên thị trường cũng giảm đi.

Lãnh đạo một công ty xuất khẩu thủy sản cho hay đối với các công ty xuất khẩu có nguồn thu bằng ngoại tệ, việc mở lại cho vay ngoại tệ là một tin vui. Tuy nhiên, vị lãnh đạo công ty này cũng mong muốn NHNN nên ổn định chính sách này thay vì sẽ kết thúc vào ngày 31-12-2016 như Thông tư 07. Bởi lẽ nếu dừng ở thời điểm này thì thông tư trên vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu chính đáng của các DN làm hàng xuất khẩu.

Theo báo cáo của NHNN, tính đến cuối tháng 4-2016, dư nợ cho vay kinh doanh bất động sản chiếm 12,07% tổng dư nợ tín dụng, tăng khoảng 4% so với đầu năm nay.

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm

ĐHĐCĐ 2024 Tập đoàn GELEX diễn ra thành công

ĐHĐCĐ năm 2024 Tập đoàn GELEX diễn ra thành công

(PLO)- Sáng 28-3, Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên năm 2024 của Công ty cổ phần Tập đoàn GELEX đã diễn ra tại Hà Nội. Với sự đồng thuận và nhất trí cao, Đại hội đã thông qua toàn bộ các báo cáo, tờ trình và nhiều nội dung quan trọng khác.

Giá vàng miếng SJC bất ngờ 'nóng' trở lại

Giá vàng miếng SJC bất ngờ 'nóng' trở lại

(PLO)- Thị trường vàng trong nước có phiên tăng giá thứ hai liên tiếp. Đáng nói là trong khi vàng nhẫn tăng không đáng kể thì vàng miếng SJC lại có bước nhảy vọt, vượt mốc 81 triệu đồng/lượng.