Được miễn thuế, hàng Việt dồn dập sang Pháp, Đức

Từ lâu, các doanh nghiệp Việt Nam đã xuất khẩu nông thủy sản khá nhiều sang Liên minh châu Âu (EU). Tuy vậy, những ngày gần đây, những lô hàng đầu tiên xuất khẩu vào EU sau khi Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) được hưởng thuế suất 0%. Điều này sẽ giúp hàng Việt vào EU khởi sắc hơn nhờ có lợi thế cạnh tranh so với các đối thủ.

Vừa bán được giá vừa giữ được thương hiệu

Công ty cổ phần Nông nghiệp công nghệ cao Trung An vừa ký hợp đồng xuất khẩu sang Đức với tổng khối lượng lên đến 3.000 tấn gạo. Đây là lô gạo được miễn thuế đầu tiên kể từ khi EVFTA có hiệu lực. Trong đó, gạo ST20 được bán với giá lên đến trên 1.000 USD/tấn và gạo Jasmine có giá trên 600 USD/tấn.

Ông Nguyễn Thái Bình, Giám đốc Công ty cổ phần Nông nghiệp công nghệ cao Trung An, nhận định: Trước đây, thuế nhập khẩu đối với mặt hàng gạo từ Việt Nam sang EU phải chịu mức thuế khá cao, 5%-45%. Thậm chí có một số nước trong khối EU, mức thuế gạo Việt Nam nhập vào phải chịu lên đến 100% hoặc cao hơn. Trong khi đó, gạo một số nước như Campuchia có thời điểm được hưởng thuế nhập khẩu 0% nên gạo Việt rất khó để có thể chen chân vào thị trường này.

Nhưng giờ thì khác, vì từ 1-8-2020, thuế nhập khẩu mặt hàng gạo Việt vào EU về 0%. Chính vì vậy, gạo Việt giờ đây đủ sức cạnh tranh về giá với các đối thủ khác. Đặc biệt, EU là thị trường tiềm năng, bán được giá và có thể xây dựng được thương hiệu riêng cho sản phẩm. “Quan trọng nhất là giá gạo Việt Nam sẽ cạnh tranh so với các đối thủ khác như Campuchia, Thái Lan” - ông Phạm Thái Bình chia sẻ.

Ông Nguyễn Quang Trường, Tổng giám đốc Công ty Vinaseed, cho biết trong tháng 7 vừa qua, đơn vị này đã xuất khẩu gạo sang Hà Lan và Cộng hòa Czech với giá 1.040 USD/tấn. Đây cũng là những sản phẩm gạo mang thương hiệu Việt Nam đầu tiên nhập khẩu chính ngạch vào thị trường này.

Trước đó, năm 2019 tổng sản lượng xuất khẩu của Vinaseed tại thị trường EU đạt khoảng 2.000 tấn với giá trị 2 triệu USD. Khi gạo xuất vào thị trường này được miễn thuế, công ty sẽ có thêm lợi thế cạnh tranh về giá so với các đối thủ tại thị trường khó tính này. Dự kiến năm nay, công ty đặt mục tiêu xuất khẩu khoảng 5.000 tấn gạo, gấp đôi sản lượng năm ngoái sang EU.

“Với việc chính thức đạt chứng nhận hệ thống quản lý an toàn thực phẩm (FSSC22000), sản phẩm gạo của chúng tôi đóng gói mang thương hiệu riêng đã xuất khẩu thành công sang thị trường châu Âu với giá bán cao hơn nhiều lần so với gạo xuất khẩu thông thường” - ông Trường cho hay.

Trái cây, thủy sản… cũng là những ngành hàng được hưởng lợi nhiều sau khi EVFTA chính thức có hiệu lực. Bởi EU là thị trường thủy sản quan trọng hàng đầu của nước ta khi chiếm 23%-25% tổng lượng xuất khẩu hằng năm. Ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), nói: “Việc cắt giảm các dòng thuế sẽ giúp sản phẩm thủy sản Việt Nam hạ giá thành đáng kể, nâng cao khả năng cạnh tranh và kim ngạch xuất khẩu. Ngoài các lợi thế về mặt thuế quan, ngành thủy sản Việt Nam cũng có thêm nhiều cơ hội thu hút đầu tư nước ngoài, nâng cao công nghệ sản xuất và chất lượng sản phẩm” - ông Hòe nói.

Nhiều mặt hàng của Việt Nam như gạo, trái cây, thủy sản đã nhanh chóng tận dụng khai thác lợi ích của EVFTA. Ảnh: QUANG HUY

Nhiều rào cản kỹ thuật phải vượt qua

EU mở cửa với tất cả mặt hàng trái cây của Việt Nam, tuy nhiên rào cản kỹ thuật với các chứng nhận về chất lượng, quản lý, môi trường… chính là thách thức phải vượt qua.

Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Vina T&T Nguyễn Đình Tùng cho hay công ty đang xuất khẩu vào thị trường EU hai loại trái cây là bưởi và nhãn, bất chấp những tác động tiêu cực của dịch COVID-19. Việc giảm thuế từ mức 3%-5% hiện nay về 0% từ ngày 1-8 khi hiệp định EVFTA có hiệu lực giúp nông sản Việt có lợi thế trước các đối thủ khác tại EU. Tuy nhiên, nếu không nhanh chóng khai thác thì sẽ mất dần lợi thế.

Tăng ít nhất 4 lần

Trước đây, mỗi năm Việt Nam chỉ xuất khẩu được khoảng 20.000 tấn gạo nhưng hiện nay hạn ngạch gạo xuất khẩu sang EU được cấp theo EVFTA lên tới 80.000 tấn/năm. Vì thế, nếu Việt Nam tận dụng tốt xuất khẩu được hết hạn ngạch như trên thì kim ngạch xuất khẩu đã tăng gấp bốn lần so với hiện nay và mỗi năm thu về hơn 50 triệu euro. 

“Để đủ điều kiện xuất khẩu vào EU, công ty phải có vùng trồng đạt tiêu chuẩn thực hành nông nghiệp tốt toàn cầu GlobalG.A.P., tiêu chuẩn quản lý chất lượng HACCP, ISO. Rồi tiêu chuẩn về trách nhiệm xã hội, bảo vệ môi trường… Đặc biệt, chất lượng của sản phẩm phải không có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, chất cấm mà EU đưa ra… thì trái cây mới được xuất sang thị trường này” - ông Tùng nói.

Tổng thư ký VASEP Trương Đình Hòe cũng cho biết Hiệp định EVFTA đặt ra những thách thức không nhỏ cho thủy sản Việt Nam, nhất là về truy xuất nguồn gốc, điều kiện an toàn thực phẩm. Bởi để được hưởng ưu đãi thuế quan, các công ty xuất khẩu thủy sản phải thực hiện tốt quy tắc xuất xứ của sản phẩm, mà điều này có thể không dễ thực hiện được, nhất là đối với thủy sản nhập khẩu về chế biến xuất khẩu.

Bên cạnh đó, cam kết trong hiệp định làm tăng các yêu cầu về môi trường liên quan đến đánh bắt hải sản. Đó là chưa kể hàng loạt cam kết tuân thủ các biện pháp bảo tồn, quản lý và khai thác bền vững nguồn lợi thủy sản.

“Trong hai năm qua, các công ty thủy sản phải nỗ lực hết sức thực hiện các khuyến nghị của phía Ủy ban châu Âu (EC), chủ động triển khai những biện pháp về quản lý, giám sát truy xuất nguồn gốc trước, trong và sau khi xuất khẩu sản phẩm. Qua đó để cơ quan này tháo gỡ cảnh báo “thẻ vàng”, khôi phục lại vị thế xuất khẩu ở thị trường châu Âu” - ông Hòe nói.

Tương tự, để hạt gạo xuất khẩu vào EU cũng không hề dễ dàng, các công ty xuất khẩu gạo phải xây dựng vùng trồng nguyên liệu bền vững, đáp ứng tiêu chuẩn VietGAP, GlobalG.A.P.

Thuế bằng 0 % với nhiều mặt hàng thủy hải sản

Hiện các sản phẩm cá ngừ của Việt Nam vào EU phải chịu mức thuế cao hơn 20,5%. Tuy vậy, EU sẽ xóa bỏ thuế quan cho các sản phẩm cá ngừ tươi sống và đông lạnh ngay khi hiệp định có hiệu lực. Riêng đối với các sản phẩm cá ngừ chế biến đóng hộp, EU sẽ miễn thuế cho Việt Nam trong mức hạn ngạch 11.500 tấn/năm.

Ngoài ra, hầu hết các sản phẩm mực, bạch tuộc đông lạnh đang có mức thuế cơ bản 6%-8% sẽ được giảm ngay về 0%; các sản phẩm khác như surimi được giảm từ 14,2% về 0%. Đối với sản phẩm tôm, tôm sú đông lạnh được giảm thuế từ mức cơ bản 20% xuống 0% ngay khi hiệp định có hiệu lực.

Như vậy, những mặt hàng trên của Việt Nam sẽ có lợi thế về thuế so với các nước chưa ký kết hiệp định với EU. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm