Đứng ngồi không yên vì đầu tư núp bóng

Thời gian gần đây, các doanh nghiệp (DN), hiệp hội gỗ tại Việt Nam liên tục bức xúc phản ánh về tình trạng đầu tư chui, đầu tư núp bóng trong ngành gỗ. Tình trạng này diễn ra khi một số công ty có nguồn vốn từ Trung Quốc nhập khẩu các mặt hàng gỗ từ Trung Quốc vào Việt Nam, lấy nhãn mác xuất xứ của Việt Nam sau đó xuất khẩu sang Mỹ.

Điều này sẽ giúp các công ty Trung Quốc tránh được các mức thuế cao mà Chính phủ Mỹ áp dụng đối với các mặt hàng có xuất xứ từ Trung Quốc, trong khi ngành gỗ Việt Nam thiệt hại.

Cần chặn đứng tình trạng đầu tư núp bóng trong ngành gỗ.
Trong ảnh: Sản xuất gỗ tại một doanh nghiệp. Ảnh: V.KH

Nhiều chiêu núp bóng

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM về vấn đề trên, ông Đỗ Xuân Lập, Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, không giấu được sự lo lắng. Ông cho biết tình trạng đầu tư núp bóng trong ngành gỗ xuất hiện từ khoảng ba năm trở lại đây dưới nhiều hình thức khác nhau, nhất là từ khi chiến tranh thương mại Mỹ - Trung nổ ra.

Đó là các thương nhân Trung Quốc đến một công ty tại Việt Nam thuê lại nhà máy, ký hợp đồng dưới dạng nhân viên kỹ thuật. Các nhà đầu tư này bỏ tiền ra để tổ chức sản xuất, nhập các mặt hàng gỗ đang bị áp thuế bán phá giá của Mỹ từ Trung Quốc vận chuyển về Việt Nam. (Hiện nhiều sản phẩm gỗ của Trung Quốc đang bị Mỹ áp thuế cao, như gỗ dán bị áp thuế bán phá giá hơn 183% và thuế chống trợ cấp từ 23% đến gần 195% - PV). Sau đó hoàn thiện các công đoạn cuối cùng để lấy xuất xứ Việt Nam rồi xuất khẩu sang Mỹ nhằm né thuế.

“Nếu công ty nào có hợp đồng thuê nhân viên kỹ thuật bên Trung Quốc thì cơ quan chức năng nên đi sâu vào điều tra vì nhiều khả năng đó là trường hợp núp bóng đầu tư. Cũng có những công ty thuê nhân viên kỹ thuật là Trung Quốc thật nhưng số lượng rất ít, không nhiều” - ông Lập nói.

Một dạng đầu tư núp bóng khác được chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam chỉ ra đó là các công ty Trung Quốc vào đầu tư sản xuất tại Việt Nam nhưng không thuê nhà xưởng, nhân viên... Họ để người Việt đứng tên công ty của người Việt, hoạt động sản xuất của công ty Việt và kho tàng, bến bãi của Việt Nam.

“Họ nhập hàng hóa về rồi thuê trả phí dịch vụ, thuê làm các công đoạn tiếp theo để hoàn thiện sản xuất. Tình trạng núp bóng xảy ra dưới dạng như thế này tương đối phổ biến” - ông Lập khẳng định.

Theo báo cáo mới công bố của nhóm nghiên cứu gồm: Tổ chức Forest Trends, Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP.HCM… tính đến hết năm 2020, ngành gỗ nhận được 63 dự án mới đến từ 14 quốc gia và vùng lãnh thổ với tổng vốn đầu tư đăng ký gần 327,7 triệu USD. Đáng nói là trong tổng số 63 dự án trên, Trung Quốc có số lượng dự án đầu tư lớn nhất với 23 dự án nhưng mức đầu tư cho mỗi dự án chỉ khoảng 2,27 triệu USD.

Bình luận về con số này, ông Tô Xuân Phúc, Tổ chức Forest Trends, nói: “Mặc dù khối đầu tư nước ngoài (FDI) là bộ phận không thể tách rời của ngành gỗ nhưng một số hoạt động đầu tư ẩn chứa rủi ro lớn và điều này đã và đang làm tổn hại tới ngành”.

Bị trừng phạt rất nặng, có thể mất thị trường

Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam Đỗ Xuân Lập đánh giá với thị trường trong nước, việc đầu tư núp bóng sẽ gây ra tình trạng cạnh tranh không lành mạnh, gây xáo trộn môi trường kinh doanh. Đối với quốc tế, đầu tư núp bóng để gian lận xuất xứ sẽ làm hình ảnh ngành gỗ Việt Nam bị hoen ố. Các nước sẽ đưa ra một loạt chính sách về thương mại, các hàng rào kỹ thuật đối với Việt Nam.

“Đơn cử như với Mỹ, vừa qua họ đã thực hiện cuộc điều tra với ngành gỗ của ta. Dự kiến đợt điều tra này sẽ kết thúc vào quý III-2021. Nếu chúng ta không kiểm soát, ngăn chặn được tình trạng này thì rất có thể sẽ bị áp thuế như họ đã áp thuế với Trung Quốc” - ông Lập lo lắng.

Nhận biết được tính nghiêm trọng của tình trạng đầu tư chui, đầu tư núp bóng, các cơ quan chức năng của Việt Nam đã và đang nỗ lực kiểm soát tình hình và đưa ra các biện pháp giảm rủi ro. Gần đây nhất, Bộ KH&ĐT đã có văn bản đề nghị chính quyền các tỉnh, TP kiểm tra các dự án đầu tư FDI để giảm rủi ro trong gian lận xuất xứ, ưu tiên lựa chọn các dự án có tính vượt trội về công nghệ; tham vấn với các hiệp hội gỗ về các dự án đầu tư, xem xét kỹ các dự án đầu tư sản xuất các mặt hàng có yếu tố rủi ro gian lận.

Ông Lê Triệu Dũng, Cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại thuộc Bộ Công Thương, cũng cho hay qua theo dõi có thể thấy xuất khẩu một số sản phẩm gỗ của Việt Nam có sự gia tăng nhanh chóng trong một số năm gần đây, kể cả những mặt hàng đang là đối tượng bị áp dụng phòng vệ thương mại của một số nước.

Vì vậy, Cục Phòng vệ thương mại đã lưu ý các hiệp hội, doanh nghiệp và thông báo với các cơ quan chức năng để tăng cường công tác kiểm tra, giám sát về xuất xứ và sau thông quan. Qua đó nhằm ngăn chặn các hành vi gian lận, lợi dụng Việt Nam để xuất khẩu hàng hóa của quốc gia khác.

Tuy nhiên, để xử lý hiệu quả vấn đề này, đại diện Bộ Công Thương cho rằng các doanh nghiệp cần không tham gia, tiếp tay cho các hành vi gian lận xuất xứ, chuyển tải bất hợp pháp. Bởi thực tiễn cho thấy nếu phát hiện các hành vi này, nước nhập khẩu sẽ áp dụng chế tài trừng phạt rất nặng, trong nhiều trường hợp doanh nghiệp sẽ mất toàn bộ thị trường xuất khẩu liên quan. “Tránh để hành vi của một vài doanh nghiệp làm ảnh hưởng tới các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh chân chính” - ông Dũng nhấn mạnh.

 

Xuất khẩu lâm sản tăng mạnh

Theo Bộ NN&PTNT, năm 2020, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam đạt kim ngạch 12,371 tỉ USD, tăng 16,2% so với năm trước đó. Trong quý I-2021, xuất khẩu nhóm lâm sản chính đạt kim ngạch 3,94 tỉ USD, tăng 41,6% so với cùng kỳ.

Đầu tư núp bóng diễn ra khá nghiêm trọng

Ông Nguyễn Liêm, Phó Chủ tịch Hiệp hội Chế biến gỗ tỉnh Bình Dương, chia sẻ: Tình hình đầu tư núp bóng, đầu tư chui đang diễn ra khá nghiêm trọng nhưng để xử lý được rất khó. Vì hiện nay quy định thế nào là Made in Vietnam cũng chưa rõ.

“Ví dụ như quy định 30% công đoạn làm ra sản phẩm phải ở Việt Nam thì ngành gỗ vốn đặc thù, chỉ công đoạn sơn thôi cũng chiếm đến 18%-20%. Còn lại các khâu đóng gói, bao bì, công cán... tổng lại cũng chiếm 30%. Như vậy chứng minh họ vi phạm như thế nào là không dễ” - ông Liêm nêu ý kiến.

Để giải quyết vấn đề này, Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam cho biết đang xây dựng bộ tiêu chuẩn cho gỗ nhập khẩu về Việt Nam để gửi cho các cơ quan quản lý nhà nước. Đồng thời kiến nghị với Bộ NN&PTNT, Văn phòng Chính phủ thành lập nhóm công tác, phối hợp với địa phương để giải quyết tình trạng này.

 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm