'Đừng làm cho khách ác cảm giá cả ở sân bay'

Sau khi báo Pháp Luật TP.HCM đăng bài “Tranh cãi về quản lý tô mì tôm, phở, cháo…ở sân bay" đã thu hút nhiều ý kiến phản hồi từ hành khách và các nhà khai thác sân bay, cảng hàng không.

Nên để khách hàng quyết định

Theo quy định hiện hành, dịch vụ cung cấp đồ uống tại ga quốc nội niêm yết giá nước lọc đóng chai dưới 500ml/chai tối thiểu là 3.500 đồng, tối đa là 20.000 đồng; sữa hộp các loại dưới 180ml/hộp, tối thiểu là 4.500 đồng, tối đa là 20.000 đồng. Ga quốc tế nước tối thiểu là 0,35 USD, tối đa là 2 USD.

Còn đồ ăn gồm phở ăn liền, mì ăn liền, cháo ăn liền và bánh mì không bổ sung thêm thực phẩm tối thiểu là 5.000 đồng/tô/cái, tối đa là 20.000 đồng/tô/cái. Ga quốc tế đối thiểu là 0,5 USD và tối đa là 2 USD.

Chị Tường Vi sinh sống tại TP.HCM chia sẻ mỗi năm gia đình chị tổ chức về quê miền Trung, 2-3 lần/năm. Do thời gian bay hơn một tiếng nên chị thường ăn uống tại nhà trước khi ra sân bay để tiết kiệm chi phí, thậm chí chị còn mang theo nước.

Chị đánh giá hiện tô phở tái tại sân bay Tân Sơn Nhất gần 100.000 đồng so hàng quán khá đắt, nhưng so với các trung tâm thương mại thì tương đương nên ai có nhu cầu thì tính toán kĩ.

Khách đi máy bay cho rằng, đường bay nội địa khá ngắn nên có thể tính toán ăn uống trước khi đến sân bay. Ảnh: HOÀNG GIANG

Tuy nhiên, bạn đọc Hoàng Long bình luận: Tốt nhất là không nên bỏ khung giá dịch vụ thiết yếu tại sân bay. Bạn đọc này đánh giá mua đồ ăn ở đó rất đắt, bát phở mấy chục nghìn đồng, mấy thứ khác cũng cao gấp vài lần bên ngoài. Đối tượng khách hàng họ ngắm tới không phải người Việt Nam, mà là người nước ngoài. Tuy nhiên không phải khách ở nước nào cũng giàu.

"Có những khách hàng đến từ những nước còn nghèo hơn Việt Nam, mà bắt họ chi trả cao thì rất thiếu đạo đức. Chưa kể là khách du lịch nước ngoài, đến Việt Nam, mua những đồ ở bên ngoài dùng, sau đó cũng mua đồ đó trong sân bay và với giá chênh nhiều lần, họ sẽ có ấn tượng xấu về sân bay ở Việt Nam là nơi chặt chém", bạn đọc Hoàng Long nói.

Đồng tình với đọc giả Hoàng Long, bạn đọc tên Hưng đánh giá mục đích của họ là "chặt chém" khách nước ngoài và những khách Việt không có điều kiện mang theo thức ăn. Họ lợi dụng độc quyền và sự mù mờ về giá cả ở Việt Nam để cắt cổ khách nước ngoài.

"Người Việt dù làm công việc gì cũng phải chứng tỏ là người hiếu khách, không hám tiền để làm những điều bất nhân. Không phải khách nước ngoài nào cũng giàu. Đừng làm cho mọi người ác cảm với sân bay Việt Nam", anh Hưng nhấn mạnh

Ngược lại, khách hàng Pham Phạm có ý kiến nên bỏ quy định giá trần, vì quy định như vậy người bán hàng vẫn có cách, chẳng hạn giảm chất lượng mặt hàng. Hãy để khách hàng quyết định. Chỉ quy định và kiểm soát chặt việc niêm yết công khai giá để tránh việc bắt chẹt khách khi đã ăn rồi mới báo giá.

Các quầy hàng phục vụ thức ăn, đồ uống tại sân bay Tân Sơn Nhất, thưa vắng khách thời dịch COVID-19. Ảnh: PHONG ĐIỀN

Tương  tự, hành khách Nguyễn Văn bình luận khi đã có nhiều lựa chọn, nhiều người bán không cần thiết phải chống bán giá cao. Bây giờ nhiều người giàu vài trăm ngàn một bữa là bình thường. Ai ít tiền chọn nơi có giá phù hợp, thậm chí ăn trước ở nhà. Một vài tiếng chờ đợi đâu có nhiều mà cứ phải ăn. "Tôi không bao giờ ăn ở sân bay dù bay bất cứ lúc nào, hoặc đi đâu", anh cho hay

Nhiều đơn vị cung cấp dịch vụ chống độc quyền

Chia sẻ với Pháp Luật TP.HCM, ông Phạm Ngọc Sáu, Giám Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn, cho rằng nguyên tắc kinh doanh là thuận mua vừa bán nên không cần thiết duy quy định cứng khung giá dịch vụ thiết yếu tại sân bay.

Theo đó, nhà khai thác sân bay nên tổ chức cho nhiều đơn vị kinh doanh để tạo ra sự canh tranh, thay vì số ít sẽ tạo ra độc quyền. Như sân bay Vân Đồn hiện có các đơn vị có thương hiệu tên tuổi, có chuỗi kinh doanh tại các sân bay trên cả nước nhảy vào thuê mặt bằng kinh doanh. Nếu dịch vụ, giá cả họ không tốt sẽ bị khách tẩy chay ngay.

Ông Sáu đánh giá mạng bay nội địa, thời gian bay tối đa hai tiếng nên việc ăn, uống cũng không quá gây áp lực với hành khách. Đồng thời, nhiều sân bay bố trí nước miễn phí để phục vụ hành khách. Ngược lại, có khách thích trải nghiệm ẩm thực tại sân bay thì họ bỏ chi phí để sử dụng dịch vụ, sản phẩm theo khả năng chi trả của họ.

Lãnh đạo nhiều sân bay khác cũng cho biết trên đường bay nội địa tại Việt Nam không cấm khách mang nước và sữa vào khu vực cách ly nên khách có thể chuẩn bị các loại thức uống mang theo để tiết kiệm chí phí. Ngoài ra, khách có nhiều lựa chọn khác như ăn uống tại nhà hoặc hàng quán bên ngoài trước khi đến sân bay.

Giám đốc một sân bay ở miền Trung đánh giá do thời gian lưu lại sân bay ngắn nên nhu cầu sử dụng dịch vụ ăn uống của khách tại sân bay không nhiều. Trong đó, có nhiều khách muốn ngồi không gian riêng tư để thưởng thức ẩm thực, thư giãn.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm