Không để cổ phần thành tài sản cá nhân một số ít người

Đừng để tài sản nhà nước rơi vào tay một số người

Đây là quan điểm chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ tại cuộc họp với các bộ, ngành để cho ý kiến vào dự thảo Nghị định về chuyển DNNN thành công ty cổ phần, sáng 11-4.  

Bộ Tài chính cho rằng quá trình cổ phần hóa theo các quy định hiện hành cho thấy việc đổi mới phương thức quản lý chưa rõ ràng (tỉ lệ cổ phần nhà nước nhà nước còn nắm giữ lớn ở nhiều DN); thời gian cổ phần hóa kéo dài ở DN có quy mô vừa và lớn, tình hình tài chính phức tạp, hoạt động trong lĩnh vực đặc thù.

Bên cạnh đó, một số DN được áp dụng cơ chế đặc thù khi cổ phần hóa nhưng chưa được quy định cụ thể; cơ chế bán cổ phần cho nhà đầu tư chiến lược còn bất cập do nhà đầu tư chiến lược phải cam kết cung cấp nhiều nguồn lực nhưng bị hạn chế bán cổ phiếu trong vòng năm năm, chưa có quy định xử lý nhà đầu tư chiến lược làm sai cam kết....

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đề nghị Bộ Tài chính làm rõ căn cứ pháp lý để sửa đổi, bổ sung các quy định chuyển DNNN thành công ty cổ phần, trong đó xử lý hiệu quả các bất cập hiện nay của quá trình này.

Theo Phó Thủ tướng, trước mắt dự thảo cần bám sát các quy định cổ phần hóa ở các luật như Luật DN, Luật Đầu tư, Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư tại DN, Luật Đất đai (sửa đổi), đồng thời những vấn đề mới thì đảm bảo không được trái Hiến pháp.

Theo Phó Thủ tướng, nguyên tắc là phải tính đúng, tính đủ tài sản hữu hình, vô hình vào giá trị DN, như việc tìm cách tính thương hiệu, lợi thế thương mại, phát minh sáng chế, cải tiến kỹ thuật, định giá đất đai,…

Bên cạnh đó, Phó Thủ tướng cũng đề nghị các bộ, ngành nghiên cứu trường hợp DN sau cổ phần hóa đề nghị chuyển mục đích sử dụng đất thì tính toán áp thuế ra sao? Về phương pháp tính, Phó Thủ tướng đề nghị ngoài phương pháp định giá tài sản thì Bộ Tài chính sử dụng thêm phương pháp dòng tiền chiết khấu để tính toán linh hoạt giá trị tài sản gắn liền với DN.

Thứ hai, mục tiêu của giải pháp cổ phần hóa DNNN hướng tới đa sở hữu DN, là xu hướng vận hành của thị trường hiện đại.

“Vậy xử lý như thế nào với trường hợp cổ phần hóa thành tư nhân hóa, tài sản nhà nước thành tài sản cá nhân một số ít người? Có câu chuyện xác định được cổ đông chiến lược nhưng khi bán cổ phần phổ thông thì không ai mua nhưng sau đó có cổ đông chiến lược lại mua hết thì có cấm đoán việc này không?” - Phó Thủ tướng đặt vấn đề với các bộ, ngành và cho rằng nghị định cần phải tăng cường tính minh bạch trong xây dựng, ban hành các kế hoạch cổ phần hóa DNNN.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm