Đưa hàng Việt vào Myanmar: Đã có “bà đỡ”

“Myanmar đang được xem là mảnh đất màu mỡ cuối cùng ở châu Á, do vậy mọi ánh mắt của doanh nghiệp (DN) các nước, trong đó có DN Việt Nam, đang hướng vào đây như một thị trường xuất khẩu triển vọng. Đó là nhận định của ông Trần Văn Phát, Giám đốc điều hành Công ty Robot - hoạt động trong lĩnh vực an toàn điện tại TP.HCM.

Rất khó khăn khi tự giao dịch

Myanmar không phải là thị trường xa lạ đối với Vitek VTB. Năm 2009, công ty này đã đặt chân đến Myanmar để tìm hiểu và nhận thấy: Nếu đưa sản phẩm vào phải chịu sự cạnh tranh rất lớn với các thương hiệu của Nhật Bản, Hàn Quốc và hàng tiểu ngạch từ Thái Lan, Trung Quốc, cộng thêm mức thuế suất khoảng 25%. Sau khi gặp gỡ một nhà phân phối và được đặt hàng bảy container tủ lạnh, công ty tiến hành thực hiện và chuẩn bị xuất hàng thì đối tác không chịu chuyển tiền trước theo yêu cầu, trái lại còn đòi đổi hàng nên lô hàng lần đó đành gác lại. Năm 2010, Vitek VTB cũng gặp tình trạng tương tự về phương thức thanh toán nên từ đó đến nay vẫn chưa vào được Myanmar.

Khó khăn về phương thức thanh toán cũng được ông Trần Văn Phát, Công ty Robot, đồng tình. Cơ chế thanh toán trực tiếp giữa Việt Nam và Myanmar chưa được thực hiện, thường phải thông qua trung gian tại Singapore khiến cho DN càng bị động.

Còn ông Văn Đức Mười, Tổng Giám đốc Vissan, kể: “Khi qua Myanmar nghiên cứu, tôi mới nhận thấy không có lối vào cho thực phẩm. Họ chỉ nói gọn là “cấm”, còn tại sao cấm thì không được rõ. Ngoài ra, tính toàn bộ chi phí, hàng hóa vào đây có giá chênh lệch đến 60%-70% so với giá tại Việt Nam. Như vậy sản phẩm của mình rất khó cạnh tranh”.

Đưa hàng Việt vào Myanmar: Đã có “bà đỡ” ảnh 1

Người tiêu dùng Myanmar mua hàng giày dép Việt Nam trong hội chợ hàng Việt tại Myanmar. (Ảnh do Công ty Bita’s cung cấp)

Ông cũng thừa nhận ngoài thủ tục nhập khẩu khó khăn, cơ chế thanh toán giữa DN Việt Nam và Myanmar không theo tiêu chuẩn quốc tế cũng là một trở ngại lớn. Mặc dù Ngân hàng BIDV đã xuất hiện tại Myanmar nhưng chỉ là văn phòng đại diện, trong khi muốn thanh toán phải thông qua một đơn vị tại Myanmar, từ đơn vị này kết hợp với BIDV mới giải quyết được. “Nếu vượt qua hai rào cản này, hàng Việt sẽ đạt kết quả tốt ở Myanmar”.

Kỳ vọng mới

Nếu DN đơn lẻ vào thị trường, không có hệ thống phân phối, giá lại cao thì không thể cạnh tranh tại Myanmar. Qua quá trình tự thâm nhập không thành công, một số DN cho biết mong muốn có một công ty hỗ trợ mang hàng Việt Nam sang bán ở thị trường nước ngoài. Vì thế, sự hiện diện của C.T Group tại Myanmar đang được nhiều DN kỳ vọng. Bà Vũ Kim Hạnh, Chủ tịch Hội DN hàng Việt Nam chất lượng cao, cho biết: “Trong khi DN có nhu cầu phát triển thị trường Myanmar thì C.T Group có nhu cầu tìm kiếm đối tác. Vì vậy, hội đã ký thỏa thuận với C.T Group, giới thiệu các DN Việt Nam có uy tín, thương hiệu mạnh để hai bên tiếp xúc thỏa thuận việc hợp tác kinh doanh tại Myanmar. Hội giữ vai trò hỗ trợ giám sát quá trình hợp tác để đảm bảo mối quan hệ bình đẳng”.

Theo nhận định của bà Trần Thị Mỹ Hòa, Giám đốc điều hành khối bán lẻ C.T Group, hiện nay nội lực sản xuất của Myanmar cũng như hàng nhập khẩu từ Thái Lan, Trung Quốc chỉ đáp ứng 10% nhu cầu người dân. Vì vậy, DN Việt còn đến 90% cơ hội để thâm nhập.

Bà Hòa phân tích: Hàng hóa Trung Quốc và Thái Lan chủ yếu xuất theo đường tiểu ngạch nên chất lượng không cao và giá rất rẻ. Người tiêu dùng Myanmar đang khát hàng chất lượng, giá phù hợp. Khi mua bất kỳ sản phẩm nào điều họ quan tâm đầu tiên là giá, tiếp đến là tiện ích và thứ ba là nhóm hàng quen sử dụng như bánh kẹo, mì gói, sản phẩm mới quá thường họ chưa dám mua. “Vì thế chúng tôi cam kết hàng Việt Nam đưa vào đây phải tốt hơn hàng Thái Lan và Trung Quốc” - bà Hòa nhấn mạnh.

Hiện nay, C.T Group đã có hệ thống phân phối sỉ và lẻ ở các trung tâm thương mại, siêu thị và chợ truyền thống của Myanmar. Tiêu chí đầu tiên để chọn đơn vị cung ứng sản phẩm là chất lượng, uy tín chứ không có bất kỳ sự phân biệt nào đối với hàng hóa Việt Nam. Sau khi ký kết hợp tác với DN, C.T Group sẽ khảo sát thị trường, cung cấp thông tin phản hồi từ thị trường cho nhà sản xuất, tổ chức giới thiệu sản phẩm mẫu để người tiêu dùng Myanmar biết đến thương hiệu Việt, hỗ trợ hoạt động marketing, thủ tục pháp lý...

Liên quan đến vấn đề thanh toán để giảm chi phí cho DN, bà Hòa cho biết C.T Group đã có văn phòng và tài khoản ở Myanmar nên DN có thể chọn làm việc với C.T Group tại Myanmar hay Việt Nam đều thuận tiện.

Đối với ngành hàng giày dép, để thâm nhập thị trường Myanmar thì kiểu dáng là yếu tố quan trọng nhất, sau đó là chất lượng và giá cả. DN cần có chiến lược về giá, sản phẩm rõ ràng cho thị trường này.

Bà TRƯƠNG THỊ BÍCH LIÊN, Phó Tổng Giám đốc kinh doanh Công ty TNHH Sản xuất hàng tiêu dùng Bình Tân

Do phải cạnh tranh với hàng sản xuất tại Myanmar và cả hàng tiểu ngạch nên chính sách giá cả là quan trọng nhất rồi mới đến chất lượng.

Bà ĐỖ THỊ QUỲNH VY, nhân viên marketing xuất khẩu Công ty CP Acecook Việt Nam

TÚ UYÊN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm