Dự thảo nghị định về ngành in: Một kiểu làm luật... đi lùi

Sáng 30-7, tại tòa soạn báo Pháp Luật TP.HCM, đại diện Hiệp hội In Việt Nam, Hiệp hội In TP.HCM, Câu lạc bộ Doanh nhân Sài Gòn và nhiều giám đốc doanh nghiệp (DN) in đã cùng Ban Biên tập báo Pháp Luật TP.HCM thảo luận, phản ánh các vấn đề quan trọng trong Dự thảo Nghị định về quản lý hoạt động ngành in (Dự thảo). Dự thảo do Cục Xuất bản - Bộ Thông tin và Truyền thông soạn thảo.

In thiệp cưới phải trình chứng minh thư

Nội dung khiến những người làm trong ngành in bức xúc nhất ở dự thảo là việc Cục Xuất bản “ôm” luôn ngành in ngoài xuất bản phẩm (như in bao bì, nhãn mác, danh thiếp, thiệp cưới…) vào để quản lý. Cách làm này không đúng chức năng, gây thêm phức tạp cho ngành này. Trong khi các quy định cũ xem ra tiến bộ hơn. Như luật năm 1994 nói rõ ngoài xuất bản phẩm và một số sản phẩm in đặc biệt cần sự quản lý và giấy phép riêng theo Luật Xuất bản, ngành in là ngành công nghiệp, hoạt động theo Luật DN, không phải là ngành về văn hóa tư tưởng thuộc quản lý của cơ quan quản lý lĩnh vực văn hóa tư tưởng. Nghị định 105/2007 đang có hiệu lực cũng chỉ quản lý ngành in ở những xuất bản phẩm có quy định rõ ràng của Nhà nước với giấy phép chuyên biệt…

Hơn nữa, ông Nguyễn Văn Dòng, Chủ tịch Hiệp hội In Việt Nam, nói: “Công nghệ in ngoài xuất bản phẩm cũng rất khác công nghệ in xuất bản phẩm. Vậy cơ quan quản lý xuất bản phẩm có cần thiết, có am hiểu hết công nghệ, công việc để quản lý được tất cả”.

Dự thảo nghị định về ngành in: Một kiểu làm luật... đi lùi ảnh 1

Buổi thảo luận về Dự thảo nghị định về quản lý hoạt động ngành in tại báo Pháp Luật TP.HCM ngày 30-7. Ảnh: HÒA BÌNH

Bên cạnh đó, theo ThS Lê Văn Tròn - Chủ tịch Hiệp hội In TP.HCM thì với các quy định trong dự thảo, tính ra có hơn 20 loại giấy phép con và các loại thủ tục, biểu mẫu… mà DN phải hoàn thành. Chẳng hạn như quy định DN nhận in danh thiếp, thiệp cưới… phải yêu cầu người đặt in đưa chứng minh nhân dân để ghi lại tên tuổi, năm sinh… vào sổ. Nếu thực tế như vậy, khách sẽ bỏ đi ngay…

Hay như quy định bất cứ đơn hàng in gia công cho nước ngoài nào đều phải xin giấy phép từng cái một, trong khi lẽ ra chỉ cần xin phép một lần chức năng in gia công cho nước ngoài và tự chịu trách nhiệm nếu sai phạm. Ông Dòng phân tích ở nhiều quốc gia, lãnh thổ châu Á như Hong Kong, Singapore… ngành in rất phát triển nhờ gia công in xuất khẩu. Như Thái Lan, doanh số in gia công xuất khẩu mỗi năm 3,5 tỉ USD, còn cả ngành in Việt Nam chỉ kiếm được chừng 2 tỉ USD/năm. Quy định như thế có phải sẽ “góp phần” kìm hãm sự phát triển của ngành in Việt Nam?

Kìm hãm ngành in phát triển

ông Dòng cũng lưu ý: “Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết những người soạn thảo không nắm rõ nhiều về hoạt động của ngành in. Khách mời dự buổi lấy ý kiến chỉ là hai DN in nhỏ xíu ở TP.HCM của hai nhà sách tư nhân chịu quản lý của ngành xuất bản chứ không phải là DN in lớn. Chúng tôi chỉ tiếp cận được dự thảo vào ngày 3-7-2013, trong khi ngày 5-7-2013 diễn ra buổi lấy ý kiến. Vốn đang lo chạy kiếm việc nuôi công nhân nay thêm dự thảo này chúng tôi còn vất vả, tốn kém chạy theo thủ tục thì sức nào mà làm ăn, chưa nói gì đến phát triển!” .

Nắm rõ vấn đề, ông Võ Văn Cảnh, Phó Chủ tịch Câu lạc bộ Doanh nhân Sài Gòn, nêu quan điểm: “Theo như đại diện Hiệp hội In Việt Nam thì chính cơ quan soạn thảo dự thảo đã thừa nhận những người soạn thảo không nắm rõ về hoạt động của ngành in. Vậy nên trước nhất phải đặt vấn đề: Vì sao đưa ra nghị định quản lý ngành mà không phải là người trong ngành? Quan điểm lập pháp đưa ra nghị định là để quản lý tốt nhưng cũng phải tạo điều kiện phát triển. Nếu đưa ra mà kìm hãm sự phát triển ngay trong thời điểm hội nhập với kinh tế thế giới thì càng không hay. Tại sao những giấy phép xin cho trong ngành in trước đây đã bãi bỏ bây giờ lại quy định? Hiệp hội In Việt Nam cần kiến nghị tách việc quản lý in xuất bản phẩm ra khỏi ngành in, gom hết lại để quản lý như thế là không được”.

“Mỗi khi nghe có luật mới, nghị định mới, anh em DN rất kỳ vọng vào sự hỗ trợ hiệu quả hơn của Nhà nước. Nhưng ở đây không có sự hỗ trợ nào cho các DN in ngoài công lập mà còn là sự trói cột, ràng buộc không phát triển được” - ông Cảnh không hài lòng.

Một số quy định gây khó cho DN in

- Mỗi DN phải có sổ nhận in xuất bản phẩm, sổ theo dõi và quản lý in với khoản 20 mục…, ghi thiếu là có nguy cơ bị kiểm tra, phạt bất kỳ lúc nào.

- Chủ DN phải có bằng hoặc chứng chỉ về ngành in trong khi thực tế họ chỉ lo kinh doanh, phần kỹ thuật đã thuê người có chuyên môn thực hiện.

- Sản phẩm đưa đi in dù là bao bì cũng phải có chữ ký của người đứng đầu cơ sở in. Nhưng thực tế có những giám đốc cơ sở in chẳng bao giờ ký những thứ này, người phụ trách marketing sẽ ký thay.

- Người đưa đi in phải có giấy giới thiệu của cơ sở in. Đây là hình thức làm phiền khách hàng không cần thiết vì giữa đơn vị đặt in và nhà in đã có hợp đồng in.

Cứ ba tháng, các DN ngành in và cơ quan địa phương phải làm báo cáo gửi Cục Xuất bản. Điều này vừa mất thời gian, nhân lực, vật lực mà không rõ hiệu quả là gì…

Các loại máy móc, thiết bị về ngành in nếu muốn nhập khẩu về phải xin phép, trong đó có máy photocopy màu, trong khi chỉ cần một máy scan hiện đại là kỹ thuật đã hơn hẳn.

HÒA BÌNH ghi

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm