Dự thảo nghị định kinh doanh gas: DN nhỏ sẽ... thua!

Dự thảo nghị định về kinh doanh gas lần thứ tư được đưa ra ngay từ đầu tháng 12 và sau đó đã nhận được nhiều luồng ý kiến. Những quy định mới mà dự thảo đề cập đến đều nhằm hướng tới một thị trường gas an toàn. Tuy nhiên, vẫn còn một số điều kiện mà dự thảo đặt ra là quá cao đối với những doanh nghiệp nhỏ mới tham gia thị trường.

Thị trường cần có những tiêu chuẩn

Trên thị trường gas hiện nay có quá nhiều doanh nghiệp sang chiết lậu. Theo một thống kê chưa đầy đủ, chỉ riêng TP.HCM ước tính có khoảng 30% số lượng bình gas và gas giả đang lưu thông. Điều này làm cho thị trường gas trở nên hỗn loạn, xảy ra hàng loạt vụ cháy nổ tại các địa phương. Hơn nữa, việc cấp phép tràn lan, ai cũng nhập, ai cũng được sản xuất, chế biến đã làm vấn đề an toàn gas khó kiểm soát.

Từ đây, Bộ Công thương chỉ đạo soạn thảo nghị định về kinh doanh gas theo hướng không quản lý bằng các biện pháp hành chính, cấm đoán hoặc hạn chế số lượng các công ty kinh doanh gas. Thay vào đó, Bộ sẽ tạo ra hành lang pháp lý, quản lý bằng tiêu chuẩn, quy chuẩn, xây dựng và quy hoạch lại việc kinh doanh mặt hàng gas, đảm bảo quyền lợi cho doanh nghiệp.

Theo đó, dự thảo lần thứ tư đã nêu rõ những tiêu chuẩn nào thì doanh nghiệp mới được tham gia nhập khẩu, xuất khẩu gas. Cụ thể, doanh nghiệp phải có cầu cảng thuộc sở hữu hoặc đồng sở hữu được xây dựng theo quy chuẩn kỹ thuật hoặc có hợp đồng thuê tối thiểu một năm để tiếp nhận tàu chở gas tối thiểu 3.000 tấn, kho tiếp nhận gas với sức chứa 2.000 m3. Doanh nghiệp cũng phải có 500.000 vỏ bình gas tiêu chuẩn các loại, có tối thiểu 40 đại lý kinh doanh.

Đối với doanh nghiệp muốn sản xuất, chế biến gas thì phải có cơ sở sản xuất, chế biến theo đúng quy hoạch. Đồng thời, doanh nghiệp cũng phải có phòng thử nghiệm đo lường chất lượng đạt tiêu chuẩn để kiểm tra chất lượng gas.

Như vậy, nếu xét theo những quy định của dự thảo lần này thì thị trường gas sẽ có sự phân khúc rõ ràng. Doanh nghiệp nào đủ tiêu chuẩn, tiềm lực có thể tồn tại vững vàng. Còn những doanh nghiệp nhỏ làm ăn chụp giật, sang chiết gas lậu sẽ phải rời bỏ thị trường.

Ngoài ra, góp ý với dự thảo, một số doanh nghiệp cho rằng nên quy định hạn chế số lượng thương hiệu gas dành cho đại lý, có thể ở mỗi đại lý chỉ còn ba thương hiệu.

Còn nhiều điểm đụng luật

Điều đáng nói là những doanh nghiệp vừa và nhỏ, làm ăn chân chính mới tham gia thị trường lại khó tồn tại được vì một số điều kiện dự thảo quy định quá cao. Cụ thể, điều kiện đối với thương nhân kinh doanh gas là phải có tối thiểu 300.000 bình gas các loại. Ngoài ra, họ phải có kho gas với tổng sức chứa 800 m3, có hệ thống phân phối gas bao gồm 20 đại lý.

Đây chính là điểm khiến các doanh nghiệp gas cho rằng chưa hợp lý. Bởi những thương hiệu nhỏ, mới thành lập hoặc chưa có thị phần lớn thì đa số họ chỉ có khoảng 150.000 đến 200.000 bình gas. Hoặc với những doanh nghiệp gas ở các địa phương dù cố tăng đủ số lượng thì cũng không biết bán cho ai. Nghị định nên đưa ra một lộ trình, ví như đối với những thương nhân kinh doanh gas mới vào thì nên có một thời gian bao lâu để đạt yêu cầu. Điều này cần phải quy định cụ thể hơn, nếu họ chưa đạt thì biện pháp chế tài ra sao.

Bàn về vấn đề này, luật sư Nguyễn Văn Hậu - Trưởng ban Tuyên truyền, Thành hội Luật gia TP.HCM cho rằng điều kiện đối với thương nhân kinh doanh gas là phải có tối thiểu 300.000 bình gas các loại thì dự thảo lại đang đụng Luật Doanh nghiệp. Bởi luật này đã quy định doanh nghiệp được kinh doanh những mặt hàng pháp luật không cấm. Ngoài ra, chúng ta cũng có một nghị định riêng của Chính phủ về những mặt hàng bị cấm kinh doanh và kinh doanh có điều kiện. Trong đó gas là mặt hàng kinh doanh có điều kiện.

Việc quy định phải có tối thiểu 300.000 bình gas là quá vô lý. Những doanh nghiệp lớn thì có thể còn đáp ứng được, còn với doanh nghiệp nhỏ thì khó mà với tới! “Dự thảo làm trái với nguyên tắc kinh doanh những mặt hàng pháp luật không cấm. Đây là điều tôi chưa thông” - luật sư Hậu nhấn mạnh.

Theo luật sư Hậu, việc các doanh nghiệp kiến nghị hạn chế đại lý ký hợp đồng với nhiều thương hiệu, có thể chỉ còn ba thương hiệu là biểu hiện của việc cạnh tranh không lành mạnh. Nếu đặt ra điều kiện, hạn chế sẽ xảy ra độc quyền. “Theo tôi không nên hạn chế. Nếu doanh nghiệp có tài thì không nên cấm, hãy để cho thị trường tự quyết định và điều tiết. Nhà nước nên quản lý khung pháp lý chứ không nên tác động đến thị trường, hãy để người tiêu dùng được lựa chọn các thương hiệu. Ngay cả Luật Cạnh tranh đã nêu rõ không được phân biệt đối xử” - luật sư Hậu khẳng định.

Vốn dĩ thị trường gas có tới hàng chục công ty kinh doanh gas. Tuy nhiên, nếu dự thảo được ban hành thì thị trường gas sẽ chỉ còn tồn tại những thương hiệu đủ tiềm lực. Theo ước tính của một người trong ngành gas thì chỉ có trên 20 doanh nghiệp đảm bảo đủ các điều kiện chính. Từ đây, nhiều người lo ngại rằng việc cạnh tranh sẽ bị hạn chế và có khả năng các doanh nghiệp bắt tay làm giá.

MAI PHƯƠNG

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm