Xây dựng 'Cánh đồng gió ngoài khơi' biển Kê Gà

Ngày 12-3, tại Hội thảo “Việt Nam hướng tới tương lai năng lượng ít carbon”, do Đại sứ quán Anh tổ chức, chủ tịch Enterprize Energy, ông Ian Hatton đã cung cấp thông tin cập nhật về tiến độ của dự án điện gió ngoài khơi Kê Gà, tỉnh Bình Thuận.

Ảnh minh họa.

Theo đó, Bản khảo sát chi tiết và kế hoạch làm việc để khảo sát khu vực Kê Gà rộng 2.000 km2 đã được Enterprize đệ trình lên Bộ Công Thương để phê duyệt.  

Được biết, ngày 22-1 , Thủ tướng Chính phủ đã đề nghị Enterprize chuẩn bị và thực hiện chương trình khảo sát, báo cáo khả thi và đề xuất chính thức đưa 3.400 MW dự án điện gió ngoài khơi Kê Gà (Bình Thuận) vào Quy hoạch điện 7.

Ngày 11-3, bản khảo sát chi tiết và kế hoạch làm việc để khảo sát khu vực Kê Gà rộng 2.000 km2 đã được Enterprize đệ trình lên Bộ Công Thương để phê duyệt. Nội dung của kế hoạch bao gồm đánh giá tác động môi trường toàn diện, nghiên cứu địa kỹ thuật, đánh giá tài nguyên gió, kết nối lưới điện và phân tích tác động của việc kết nối, cùng với thiết kế các công trình phụ cho tua bin, trạm phụ ngoài khơi, kế hoạch thực hiện dự án và kế hoạch tài chính.

11,9 tỉ USD là tổng vốn đầu tư Dự án điện gió ngoài khơi Kê Gà và đây không chỉ là dự án điện gió ngoài khơi lớn nhất tại Việt Nam mà còn là dự án quy mô lớn nhất khu vực và thế giới trong lĩnh vực này. Theo đó dự án với tổng công suất 3.400MW được chia ra nhiều phân kỳ đầu tư, mỗi phân kỳ đầu tư sẽ cho ra công suất khoảng 600MW.

Đại diện nhà đầu tư cho biết trên thực tế, việc đầu tư xây dựng cánh đồng gió ngoài khơi Kê Gà đã được nhà đầu tư Enterprize Energy ấp ủ và nghiên cứu nhiều năm. Những nghiên cứu vừa qua cho kết quả đầy triển vọng trên một vùng biển có diện tích hơn 2.000 km2, cách xa đất liền tối thiểu 20 km ngoài khơi tỉnh Bình Thuận, tính từ mũi Kê Gà.

“Cánh đồng gió ngoài khơi (offshore wind farm) dự kiến sẽ được đầu tư xây dựng ngoài khơi cách bờ biển Bình Thuận (mũi Kê Gà) khoảng 20 km tới 50 km, nơi có tốc độ gió bình quân 9,5 m/s. Các tuốc bin (turbine) có thể có công suất khác nhau, những tuốc bin gió đầu tiên được xây dựng có công suất 9,5MW.

Trong suốt quá trình xây dựng của từng giai đoạn, công suất các tuốc bin sẽ còn tăng lên với sự phát triển của công nghệ turbine gió. Trong tương lai, với dự án này, Việt Nam có thể trở thành quốc gia có công trình điện gió với công nghệ tân tiến nhất trên thế giới”, đại diện Enterprise Energy nhấn mạnh.
Theo nhận xét của Hiệp hội Năng lượng Việt Nam dự án điện gió ngoài khơi Kê Gà là có tính khả thi cao, là dự án có công suất lớn đầu tiên được triển khai xây dựng ở Việt Nam.

Trong mục tiêu của Tổng sơ đồ điện VII hiệu chỉnh thì tầm nhìn tới năm 2030 Việt Nam cần tới 20% sản lượng điện từ các nguồn năng lượng tái tạo (điện gió, điện mặt trời). Theo sự chấp thuận của Chính phủ Việt Nam, Enterprize đang đặt mục tiêu đưa vào hoạt động chuỗi turbine đầu tiên vào cuối năm 2022 và hoàn thành đề xuất 600 MW của giai đoạn xây dựng ban đầu trong năm 2023.

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm