Phải chuẩn bị gì để chinh phục Tà Năng - Phan Dũng?

Trekking cung Tà Năng-Phan Dũng là điều mà mình để trong danh sách việc phải làm suốt một thời gian dài. Đủ lý do để trì hoãn, nào là đám bạn không đi cùng được, nào là công việc, rồi những tin không hay xảy ra ở trong đấy nữa. Cứ thế cứ thế… Đùng, một ngày đẹp trời, lịch trekking Tà Năng-Phan Dũng được chốt mà không suy nghĩ gì nhiều. Và rồi, đi là đi thôi. Vạn sự tùy duyên mà!

Mình chưa bao giờ đi trek dài ngày như vậy cả, gần nhất là trek Fansipan hai ngày một đêm. Vì thế mình chuẩn bị cho chuyến này chu đáo hơn.

Trekking có nghĩa là đi bộ dài ngày. Một hình thức du lịch mạo hiểm dã ngoại ngoài trời ở những nơi hoang dã. Người trekking chỉ có phương tiện di chuyển duy nhất chính là đôi chân của mình và thường thì phải tự mang vác đồ và đi vào rừng, núi, bản làng xa trung tâm không có phương tiện giao thông; mất nhiều thời gian, vất vả, thậm chí là nguy hiểm.

Vậy, mình đã chuẩn bị những gì trước chuyến đi?

Bạn cần chuẩn bị kỹ lưỡng về cả vật chất và tinh thần để chuyến đi thật vui vẻ

- Đặt tour

Nếu bạn biết lo cho sự an toàn của chính mình thì hãy đặt tour đi. Mình đặt tour qua DiVui vì đảm bảo về chất lượng của nhà cung cấp dịch vụ và có thể hỗ trợ mình nhiều điều trước, trong và sau chuyến đi. Điều này giúp mình thoải mái tâm lý từ lúc đặt tour và trong suốt quá trình vì chẳng phải lo nghĩ gì. Đi chơi nó phải thế chứ.

Nếu thời gian có hạn, bạn đặt lịch đi trong 2 ngày 1 đêm, vào cuối tuần thôi. Thoải mái hơn thì 3 ngày 2 đêm (3N2Đ). Mình thì khuyến khích các bạn đi 3N2Đ để có nhiều thời gian trải nghiệm và thưởng thức núi rừng hơn. 

- Đặt vé xe

Từ Sài Gòn có thể đặt vé xe Phương Trang hoặc Thành Bưởi để xuống ở ngã ba Ninh Gia (nhà nghỉ Khánh Vy). Chiều ngược lại thì đặt vé xe Đông Hưng hoặc Phương Uyên để đón từ thị trấn Liên Hương về Bến xe Miền Đông.

- Rèn thể lực

Mình ngồi văn phòng từ sáng đến tối, do đó không có nhiều thời gian cho việc tập tành thể dục. Nhưng vì chuyến đi mình phải tập thể dục để rèn thể lực, chứ không... ngồi ôm chân ở giữa đường thì kỳ. Thế nên mình siêng đi bộ, chịu khó leo cầu thang hơn. Tuần nào cũng vào phòng tập Gym đi bộ, chạy bộ trên mấy cái máy vài lần với nhiều tốc độ và độ dốc khác nhau. Điều này giúp cho cơ chân căng ra và quen dần với các hoạt động này.

- Hành trang mang theo

Trước hết để chinh phục được Tà Năng-Phan Dũng cần nhớ: Đã đi là không bỏ cuộc.

Về những vật dụng cần thiết cho chuyến, mình đã liệt kê trong bức hình dưới đây. Đồ ăn, nước uống, lều trại, nệm, túi ngủ,… thì bên tour đã lo hết rồi nên chúng ta không cần bận tâm ha. Thấy chưa, đi tour khỏe hơn mà.

À quên, bạn cũng cần mang theo áo khoác. Vì tối có nhiều gió và có thể chúng ta bị lạnh. Ngủ trên đồi thì xác định gió lồng lộng luôn. 

Còn nữa, nếu bạn không sắm giày leo núi chuyên nghiệp thì có thể mang giày Ultraboost hay Biti’s Hunter,… gì cũng được nha. Đi cẩn thận tí là ok. Đoàn mình còn có anh mang đôi dép thôi mà cũng đi hết chặng được mà.

Một số lưu ý khi chuẩn bị nè:

Balo: Nên chọn balo có phần trợ lực, phân tán trọng lực và có hệ thống thoát hơi ở phần lưng để đeo đỡ mỏi hơn. Balo mình sử dụng là: Jack Wolfskin Moab Jam 30.

Giày leo núi: Đầu tư hẳn một đôi giày trekking chuyên dụng với đế nhiều gai để bám đường, bám đá,… tốt hơn. Và size nên lớn hơn size giày bạn thường mang 01 size. Hoặc có thể đo bằng cách, xỏ giày dzô và kiểm tra xem thử mũi chân của bạn cách mũi giày tầm 3-4cm là ok. Khi xuống dốc, giày rộng hơn không làm ngón chân của bạn bị đau và thoải mái hơn khi di chuyển nhiều.

Gậy leo núi: Phải có đó nha! (nhấn mạnh đó). Lười mang theo thì có thể vào đó chặt cây để làm gậy. Trợ lực tốt lắm đó.

Xà bông tắm: Trao đổi với chỗ người dẫn đoàn để biết cắm trại ở đâu. Nếu cắm trại ở suối thì mang xà bông tắm bình thường, còn cắm trại ở đồi thì mang dầu gội, sữa tắm khô - loại chỉ cần xịt lên người và lau lại bằng khăn là xong. Tự tin về mùi cơ thể và không có nhu cầu tắm thì khỏi mang nha.

Nhiêu đó thôi là quá "ô-kê" để tự tin trekking Tà Năng-Phan Dũng, cung đường trekking được cho là đẹp nhất Việt Nam. 

Cung này có dễ đi không?

Câu trả lời là không dễ cũng không khó. Chỉ cần kiên trì và bền sức là đi được hết. Nếu mà bạn có đủ nỗi sợ như sợ dơ, sợ bùn lầy, sợ xấu, sợ đen da, sợ nắng, sợ sông suối,… thì ở nhà trùm mềm bật máy lạnh, ngắm Tà Năng-Phan Dũng qua giấc mơ nha. Còn lại thì… mạnh dạn đặt tour trekking Tà Năng-Phan Dũng ngay và luôn đi. 

Đi Tà Năng mùa nào thì đẹp?

Mỗi một thời điểm Tà Năng-Phan Dũng lại khoác lên mình một vẻ đẹp riêng

Với mình, mùa nào cũng có những nét đẹp riêng. Mùa nắng thì sẽ có đồi cỏ cháy với cả những bầu trời bình minh và hoàng hôn rất đẹp. Mùa mưa thì sẽ có đồi cỏ xanh mươn mướt đã mắt, có điều vào mùa này, muốn thấy mặt trời vào mỗi sớm mai hay chiều tà thì còn phụ thuộc vào... thời tiết.  

Có nguy hiểm không?

Một trong những đoạn đường chinh phục Tà Năng-Phan Dũng

Câu trả lời là có. Ở trường hợp bạn không theo sự chỉ dẫn của bạn guide (người hướng dẫn), tự động tách đoàn đi trước (có thể bạn nghĩ bạn biết hoặc nhớ đường...). Nhưng nếu nghe theo chỉ dẫn của guide thì mình nghĩ không có vấn đề gì cả.

Có ma không?

Câu hỏi này chắc được nhiều người quan tâm lắm đây. Theo mình thì hên xui.  Mặc dù theo khoa học thì không có nhưng "rừng thiêng nước độc".

Bữa bạn mình ngủ thì nghe tiếng bước chân, sáng ra hỏi mọi người trong đoàn thì không có ai đi qua lều đó cả. Có đoàn khác khuyên là nên thắp nhang để xin “họ” ở và ngủ ở đây. Dù sao thì có kiêng có lành vẫn hơn. 

Nếu như đã chuẩn bị xong rồi thì chỉ cần xách balo lên và đi trekking Tà Năng-Phan Dũng thôi.

Đã đi là không bỏ cuộc - chính là khẩu hiệu để chinh phục Tà Năng-Phan Dũng

Dưới đây là một số con số mình ghi nhận được sau khi thực hiện chuyến đi thú vị này:
  • 9 khách (gồm 7 nam 2 nữ), 1 tour guide, 1 porter (người khuân vác đồ kiêm nấu ăn, phục vụ khách du lịch), 1 chú ngựa thồ hàng và 1 người dẫn ngựa: là số thành viên trong đoàn của mình hôm đấy.
  • 3 bữa sáng, 3 bữa trưa, 2 bữa tối: là số bữa ăn trong suốt 3 ngày 2 đêm - tất nhiên, đã được tính trong giá tour rồi. 
  • 52 tiếng: là thời gian ở trong rừng, không sóng điện thoại, không Internet, không điện, không kẹt xe và cực kỳ gần gũi với thiên nhiên.
  • 45 cây số (km): là đoạn đường tụi mình đã đi qua, từ khi vào rừng đến khi ra khỏi rừng.
  • 68.000 là số bước chân mình đã để lại trong khu rừng ấy
  • 8 tiếng: là thời gian ngủ trung bình mỗi đêm. Mặc dù tầm 8h mới bắt đầu đi trekking tiếp nhưng có lẽ vì sự hào hứng và thích thú mà ai cũng dậy từ sớm – tầm 5h-5h30 là dậy hết rồi. 
  • 0 (Không)-thể-đếm-nổi tiếng cười và cái sự thích thú của cả đoàn. Mặc dù ai cũng đau chân và đuối sức nhưng thật lạ lùng không một ai bỏ cuộc cả. Con số thật đẹp đúng không?

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm