Khách du lịch tăng vọt nhờ phim

“Chúng ta chưa có một thẻ “căn cước văn hóa” để thế giới nhìn vào thấy rõ chúng ta là ai, chúng ta ở đâu. Thương hiệu phim chỉ có được khi xác định được chúng ta là ai. Lâu lắm rồi chúng ta mới có một liên hoan phim (LHP) có tỉ lệ những bộ phim có “căn cước văn hóa” rõ ràng như năm nay, vì thế chúng ta nên xây dựng giải thưởng cho những phim đạt tiêu chí văn hóa nào đó, để những người đang tìm đường đến “căn cước văn hóa” dân tộc có động lực”- nhà biên kịch Trịnh Thanh Nhã góp ý tại hội thảo Xây dựng thương hiệu và vị thế của phim Việt Nam do Cục Điện ảnh tổ chức vào sáng 2-12.

Nhờ phim, khách đến Phú Yên tăng 30%

Thực tế thời gian qua rất nhiều phim Việt ra rạp đạt được việc quảng bá hình ảnh, văn hóa đất nước. Minh chứng gần nhất là bộ phim Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh, ngay ở thị trường trong nước phim đã thu về gần 80 tỉ đồng; cùng con số doanh thu khủng này là lượng người đến du lịch tại Phú Yên - nơi phim lấy bối cảnh quay cũng tăng vọt.

Theo chia sẻ của ông Hồ Văn Tiến, Giám đốc Sở VH-TT&DL tỉnh Phú Yên, với Pháp Luật TP.HCM thì chỉ trong tháng 10, sau khi Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh ra rạp, lượng khách đến Phú Yên đã đột ngột tăng 30% so với cùng kỳ năm ngoái. Tỉnh này cũng đã kết hợp cùng các đơn vị lữ hành, hãng hàng không Jetstar nhân đó phát triển thêm nhiều tour du lịch, chuyển đổi hệ thống máy bay mới, tăng chuyến bay… phục vụ du lịch.

Hay bộ phim Em là bà nội của anh đang chiếu trong kỳ LHP này (ra rạp từ ngày 11-12 trên toàn quốc) dự kiến cũng sẽ gây nên cơn sốt yêu Sài Gòn, yêu nghệ sĩ Thanh Nga và yêu cả bún bò. Bởi trong phim, những hình ảnh về Sài Gòn hiện đại từ trên cao; Sài Gòn với những nhóm hát trước Bưu điện TP.HCM, nhà thờ Đức Bà; Sài Gòn văn minh trên những nhà chờ xe buýt; hay nồi bún bò không thể thiếu gia vị ruốc đặc trưng… đã vẽ nên một Sài Gòn bình dị nhưng rất Việt Nam.

Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh là minh chứng thành công về mặt văn hóa và du lịch. (Ảnh do đoàn làm phim cung cấp)

Ông Nguyễn Thiên Phúc, Giám đốc Công ty Du lịch Vidotour, chia sẻ: “Không chỉ tới hôm nay mà năm 2006, khi công ty chúng tôi tài trợ sản xuất bộ phim Chuyện của Pao, Hà Giang lúc đó chưa ai biết đến nhiều dù là thắng cảnh đẹp vùng Đông Bắc. Sau khi phim ra rạp, chúng tôi đã tận dụng cơ hội để giới thiệu đến khách du lịch một địa danh mới là Hà Giang và bây giờ Hà Giang đã thành một điểm du lịch nổi tiếng với khách trong nước lẫn quốc tế. Khách quốc tế khi đến Hà Giang sẽ được xem bộ phim này với những cảnh quay ở đó”.

Chọn địa điểm đẹp mời gọi nhà làm phim

Cũng theo lời ông Thiên Phúc thì những bộ phim nước ngoài lấy bối cảnh Việt Nam như Đông Dương, Người tình, Điện Biên Phủ… đã giúp quảng bá hình ảnh Việt Nam rất nhiều. “Nhiều người đến Hạ Long sau khi xem Đông Dương, cụ thể thời điểm năm 1992 khách đến Hạ Long chỉ 400.000 khách nhưng sau khi phim chiếu, năm 1994 lượng khách tăng lên 1 triệu lượt khách, dù đó là thời điểm cơ sở hạ tầng cho du lịch tại Hạ Long thiếu thốn hơn giờ. Hay nếu không có phim Người tình thì chưa chắc khách đến TP Sa Đéc thăm nhà cổ Huỳnh Thủy Lê nhiều như hiện nay” - ông Thiên Phúc nhấn mạnh.

Vì thế ông Thiên Phúc đã đề xuất du lịch và điện ảnh cần phối hợp nhiều hơn.Ví dụ: Thực hiện những phim ngắn gắn với sản phẩm du lịch cụ thể như du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái, du lịch biển đảo. Tổng cục Du lịch cần kết hợp Cục Điện ảnh chọn những địa điểm tiêu biểu để giới thiệu cho các hãng phim quốc tế để mời gọi họ đến Việt Nam quay phim...

Thời điểm hợp lý xây dựng thương hiệu phim Việt

So với các kỳ LHP trước, kỳ LHP năm nay có nhiều phim Việt tham gia hơn. Và đây cũng là mùa LHP đầu tiên ban tổ chức có dư dả phim để thành lập một ban tuyển chọn phim tham gia dự thi chứ không phải bất cứ phim nào gửi về ban tổ chức cũng đều được tham dự. Thời gian qua nhiều phim Việt ra rạp cùng thời điểm phim Mỹ ra rạp nhưng rồi nhiều phim Việt có doanh thu cao hơn, khán giả đông hơn. Đó là những bài học phim Việt thành công mà chúng ta nên nhân rộng. Đây là thời điểm hợp lý để nói đến việc xây dựng thương hiệu cho phim Việt. Bởi không phải muốn xây dựng thương hiệu là xây dựng được ngay mà là một hành trình dài.

Ngô Phương LAN , Cục trưởng Cục Điện ảnh Việt Nam

Muốn có phim Việt Nam thương hiệu tốt thì ít nhất khán giả Việt Nam phải thích phim đó. Sau đó việc quảng bá phim hay xa hơn là quảng bá điện ảnh Việt rất quan trọng. Tôi nghĩ rằng chúng ta nên kết hợp điện ảnh với các sự kiện ngoại giao, kinh tế… Ví dụ như ở các tuần lễ giới thiệu sản phẩm Việt ở nước ngoài thì nên có giới thiệu luôn phim Việt.

NGUYỄN THẾ THANH, Giám đốc Công ty Saigon Media -
đơn vị sản xuất phim
“Nước 2030”.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm