Góp ý Luật Du lịch: Đừng hy sinh bảo tồn cho phát triển

“Bảo đảm hài hòa giữa kinh tế, xã hội và môi trường; phát triển du lịch gắn với bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc, tài nguyên thiên nhiên” (khoản 2 Điều 4 dự thảo Luật Du lịch).

Nhà báo Nguyễn Thế Thanh nêu ý kiến: “Cần bổ sung thêm vào mục này: Nếu có mâu thuẫn giữa phát triển và bảo tồn thì phải ưu tiên cho bảo tồn các di sản văn hóa và di sản thiên nhiên, nhất là đối với các di sản đã được xếp hạng và được thế giới công nhận”. Theo bà Thanh, nhiều địa phương đã có vẻ nhượng bộ ưu tiên cho phát triển kinh tế trước nên nếu không có sự can thiệp kịp thời, có thể nhiều di sản sẽ mất đi.

Bà Thanh chia sẻ từng theo dõi vụ việc đình An Phú (TP.HCM) có sắc phong của vua Minh Mạng, dù chưa được xếp hạng di tích nhưng đây là một địa chỉ lịch sử văn hóa rất quan trọng. Khi có dự án khu dân cư ở đây, nhà đầu tư đã có kế hoạch dỡ bỏ ngôi đình này và xây “đền” cho người dân ngôi đình ở điểm khác. Bà Thanh nhấn mạnh: “Nhiều người vẫn nhận thức rằng chỉ cần xây lại, phục dựng lại mà không nhớ rằng di tích lịch sử chỉ có thể bảo tồn giữ gìn chứ không thể làm lại được. May mà chúng tôi đã kịp thời phát hiện và báo cáo vụ việc với UBND TP”.

Hiện nay Việt Nam đã có chín địa danh được công nhận khu dự trữ sinh quyển của thế giới. Bà Thanh cho rằng cần phải bảo vệ những di sản thiên nhiên này bằng mọi giá, không thể hy sinh môi trường cho phát triển kinh tế hay du lịch.

Ông Trịnh Quảng Thang (Trưởng khoa Du lịch, Trường ĐH Văn Lang) đề nghị có thêm một chương về quản lý du lịch. Thời gian qua có nhiều hướng dẫn viên du lịch người nước ngoài hoạt động chui. Họ móc nối đưa khách bán tour, đến nhiều điểm di tích nổi tiếng thì thuyết minh sai, thậm chí xuyên tạc lịch sử nhưng gần như không bị chế tài. Ông Thang nói: “Điều này chẳng khác gì người nông dân trồng cây rồi để cho người ngoài vào thu hoạch. Bên cạnh việc quản lý chặt chẽ hơn, chúng ta cũng phải đào tạo nguồn nhân lực chuyên nghiệp”.         

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm