Đưa món ăn đặc sản địa phương vào khách sạn năm sao

“Hiện những món ăn Việt Nam chiếm thị phần nhỏ trong thực đơn tất cả các khách sạn quốc tế. Khi khách nước ngoài đến Việt Nam họ thấy món ăn rất hấp dẫn, ngon nhưng ít thưởng thức. Do đó, khi những món ăn đặc sản của địa phương được đưa vào khách sạn 4-5 sao thì du khách sẽ được thưởng thức nhiều”.

Đó là chia sẻ của ông Chiêm Thành Long, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu, Bảo tồn và Phát triển Ẩm thực Việt Nam, tại buổi giới thiệu món cháo lòng Gò Công và hủ tiếu Mỹ Lồng vào thực đơn điểm tâm sáng của khách sạn Grand Saigon.

Ông Trương Đức Hùng, Giám đốc khách sạn Grand Saigon cho biết với mong muốn không chỉ phục vụ mà thông qua các món ăn đặc sản địa phương từ nhiều vùng miền trên khắp cả nước để quảng bá giới thiệu ẩm thực Việt cho du khách đến TP.HCM nói riêng và Việt Nam nói chung.

Do đó, ngoài các món ăn đặc sản đã được giới thiệu đến du khách như bánh Giá xôi vò (đặc sản của tỉnh Gò Công), súp lươn Nghệ An, Hủ Tiếu Bắp Chìa Đắk Lắk, Hủ Tiếu Mỹ Tho với hơn 100 năm danh tiếng, nay chúng tôi đưa vào thực đơn sáng thêm hai món cháo lòng Gò Công nổi tiếng của Tiền Giang và Hủ tiếu Mỹ Lồng nổi tiếng Bến Tre.

Theo ông Hùng, khách sạn đã nghiên cứu và xây dựng thành thực đơn chính cho thực khách quốc tế khi đến lưu trú tại TP.HCM. Đây cũng là cách làm mà nhiều khách sạn 5 sao khác tại thành phố đang hướng đến trong năm 2019 để giữ chân du khách khi đến TP.HCM nói riêng và Việt Nam nói chung.

Món hủ tiều Mỹ Lồng nổi tiếng Bến Tre

Bếp trưởng Võ Văn Anh cho biết hủ tiếu Mỹ Lồng nổi tiếng Bến Tre đặc sắc ở miếng lòng thơm giòn được làm từ jam bông. Để tạo vị đặc biệt cho món ăn, thịt heo sẽ được xay và trộn với lòng, gân hoặc tai heo tạo thành một khuôn chả thơm ngon, vừa có vị ngon từ thịt heo vừa có vị giòn giòn béo béo từ tai heo hoặc lòng. Món ăn còn được ăn kèm với tốm xú màu đỏ bắt mắt.

Theo bếp trưởng Anh, nguồn gốc của món hủ tiếu Mỹ Lồng đến từ miền Nam. Món ăn này đặc trưng bao gồm lòng làm bằng jam bông hấp dẫn, kèm theo miếng pate mềm với gan và sườn non. Nước dùng được nấu kĩ, không đơn thuần cho xương vào ninh mà là từ lựa chọn nguyên liệu, sơ chế đúng cách, thời gian nấu phù hợp và biết cách kết hợp với các nguyên liệu đặc trưng để tạo ra một nồi nước dùng trong, ngon ngọt tự nhiên.

Đối với cháo lòng miền Tây có hai vị là cháo nấu bằng gạo rang và gạo trơn. Tô cháo miền Tây có màu vàng, hơi nâu, thơm mùi gạo rang. Vì cháo loãng nên sẽ ăn kèm bánh quẩy để không quá đặc và bị ngấy. Bên cạnh rau thơm ăn kèm như nhiều quán lòng miền Bắc, cháo lòng miền Gò Công sẽ kèm theo chén nước mắm ngọt vừa miệng, vài lát tỏi ngâm chua ngọt thái mỏng ăn giúp thực khách bớt ngán.

Theo ông Long, món ăn Việt nằm ở trong dân nên cách trang trí đôi khi không bắt mắt... Nhưng khi món ăn đó đưa vào khách sạn được “trang điểm” sẽ đẹp hơn, góp phần tạo giá trị cho món ăn ngon hơn.

Việc khách sạn Grand Saigon mạnh dạn đưa món ăn Việt Nam vào thực đơn, đặc biệt lại là những món ăn đặc sản địa phương. Đây được xem là sự tiên phong để các khách sạn khác ở Việt Nam phải mạnh dạn phát triển nền ẩm thực Việt Nam.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm