Dự báo du lịch nội địa Việt Nam khởi sắc từ quý IV

Tổng Cục Du lịch vừa phát hành báo cáo thường niên Du lịch Việt Nam năm 2019 cho thấy, năm 2019 Việt Nam đón trên 18 triệu lượt khách quốc tế, vượt qua Indonesia với 16,1 triệu lượt, vươn lên vị trí thứ tư khu vực Đông Nam Á, sau Thái Lan, Malaysia và tiến sát với Singapore với 19,1 triệu lượt. 

Khách quốc tế đến Việt Nam tăng trưởng 16,2% cao hơn so với các nước trong khu vực như Thái Lan 4,2%, Singapore 3,2%. Trong khu vực, Thái Lan và Việt Nam là hai nước đón khách Trung Quốc nhiều nhất.

Tổng thu từ khách du lịch đạt 755 nghìn tỷ đồng tương đương 32,8 tỷ USD. Trong đó tổng thu từ du lịch quốc tế là 421 nghìn tỷ đồng, tương đương 18,3 tỷ USD, tổng thu từ du lịch nội địa là 334 nghìn tỷ đồng, chiếm 44,3%, tương đương 14,5 tỷ USD.

Khách du lịch mua đặc sản tại chợ đêm Đà Lạt .Ảnh :TÚ UYÊN

Đánh giá về Du lịch Việt Nam năm 2020, báo cho biết dịch COVID-19 tác động mạnh mẽ trên toàn cầu đặt ra những thách thức rất lớn đối với ngành du lịch thế giới nói chung, Việt Nam nói riêng.

Điểm mạnh là Việt Nam với tư cách là Chủ tịch ASEAN năm 2020…cùng nhiều kết quả, thành tích trong phát triển kinh tế, xã hội được thế giới ghi nhận. Đây là nền tảng quan trọng để du lịch Việt Nam đẩy mạnh quảng bá, thu hút khách quốc tế.

Việc kết nối đường bay trực tiếp giữa Việt Nam với các thị trường nguồn được mở rộng, ngày càng nhiều các hãng hàng không quốc tế khai thác thị trường Việt Nam là yếu tố quan trọng giúp thu hút khách quốc tế đến.

Bên cạnh đó, năm 2019, du lịch Việt Nam được nhiều tổ chức uy tín quốc tế trao tặng nhiều giải thưởng danh giá tầm thế giới và khu vực. Việt Nam đang nổi lên là một điểm đến hấp dẫn và an toàn trong bối cảnh nhiều điểm đến khác trong khu vực và trên thế giới có diễn biến phức tạp.

Tuy nhiên, du lịch Việt Nam vẫn còn một số thách thức. Đa số các DN du lịch Việt Nam có quy mô vừa và nhỏ, nguồn lực hạn chế, dịch COVID-19 kéo dài gây ra những ảnh hưởng nghiêm trọng tới hoạt động của DN du lịch, dẫn đến nhiều DN phải ngừng hoạt động, làm suy giảm năng lực của ngành du lịch Việt Nam.

Năng lực cạnh tranh du lịch Việt Nam còn hạn chế đối với một số chỉ số quan trọng như hạ tầng dịch vụ du lịch, y tế và vệ sinh, hạ tầng mặt đất và cảng, tính bền vững về môi trường. Các yếu tố này ảnh hưởng đến khả năng duy trì tăng trưởng và sự phát triển bền vững của du lịch Việt Nam…

Khách du lịch tại Cánh đồng hoa Cẩm Tú Cầu Đà Lạt . Ảnh: TÚ UYÊN

Về triển vọng năm 2020, Báo cho biết Tổ chức Du lịch thế giới đưa ra ba kịch bản giả định tùy theo thời gian mở lại du lịch quốc tế. Nếu du lịch quốc tế mở cửa từ đầu tháng 7 khách du lịch quốc tế giảm 58% so với năm 2019; mở cửa từ đầu tháng 9 khách du lịch quốc tế giảm 70% và từ đầu tháng 12 khách du lịch quốc tế giảm 78%.

Mức giảm này tương đương với 850 triệu đến 1,1 tỷ lượt khách quốc tế; thiệt hại từ 860 triệu đến 1,2 nghìn tỷ USD giá trị xuất khẩu từ du lịch. Kéo theo 100-120 triệu việc làm trực tiếp trong du lịch có thể mất đi.

Tại Việt Nam quá trình phục hồi du lịch ở Việt Nam dự kiến theo bốn giai đoạn. Thứ nhất là tập trung khôi phục du lịch nội địa; thứ hai là thí điểm đón một số đoàn khách du lịch quốc tế khi điều kiện cho phép tại các khu du lịch thuận lợi cho công tác phòng, chống dịch. Thứ ba là đón khách từ các thị trường quốc tế kiểm soát tốt dịch, thứ tư là khôi phục lại toàn bộ thị trường khách quốc tế.

Đối với du lịch quốc tế, nếu Việt Nam bắt đầu đón khách đầu quý IV, lượng khách quốc tế cả năm có thể đạt khoảng 4-4,5 triệu lượt.

Đối với du lịch nội địa, khi Việt Nam khống chế được dịch COVID-19 hoạt động du lịch nội địa đã trở lại từ tháng 5 nhưng lại sụt giảm từ cuối tháng 7 khi dịch COVID-19 bùng phát trở lại.

Dự báo du lịch nội địa có thể khởi sắc hơn từ quý IV/2020 nếu Việt Nam kiểm soát tốt được dịch COVID-19.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm