Có khách sạn vẫn 'sống khỏe' bất chấp dịch COVID-19

Tại cuộc họp trực tuyến về kế hoạch phát triển du lịch năm 2021 diễn ra mới đây, Hiệp hội Du lịch Việt Nam (VITA) nêu ra ba vấn đề đề nghị hiệp hội các địa phương bàn đến. Đó là giải pháp phòng chống dịch COVID-19, khắc phục hậu quả COVID-19 và chuẩn bị cho tương lai.

Để khắc phục hậu quả sau COVID-19, ông Vũ Thế Bình, Phó Chủ tịch thường trực VITA, đề nghị hiệp hội các địa phương vận động DN tìm mọi cách giữ được lực lượng DN cốt cán vì sau này muốn quy tụ lại khó khăn.

Hiện nay, số lượng DN đã rút giấy phép, thôi kinh doanh có thể lên đến 80-90%. Như thế vô cùng bất lợi khi ngành du lịch có cơ hội phục hồi.

Bên cạnh đó, ngành du lịch trông chờ vào du lịch quốc tế nhưng khi chưa có thì phải đẩy mạnh du lịch nội địa.

Sắp tới hiệp hội tổ chức diễn đàn du lịch nội địa toàn quốc tập hợp các DN lữ hành trên cả nước bàn với nhau phương thức nào để phát triển du lịch nội địa, sản phẩm nào dành cho nội địa, sở thích của người Việt Nam, thú mua sắm của người Việt... để khai thác tốt nhất du lịch nội địa.

Kích cầu du lịch trong thời gian tới là kết hợp dịch vụ du lịch chia sẻ với nhau để tồn tại. 

"Dù chúng ta cảm thấy cũ nhưng cố gắng làm mới, không thể chê du lịch nội địa kém quá rồi không làm. Giai đoạn này tập trung toàn bộ vào phát triển du lịch nội địa. Thời gian tới kích cầu là sự kết hợp dịch vụ du lịch, hợp tác chia sẻ với nhau để tồn tại” - ông Bình nói.

Đồng quan điểm trên, theo ông Nguyễn Hữu Thọ, Chủ tịch VITA, kích cầu du lịch bây giờ là đồng hành, cùng nhau chia sẻ chi phí, lợi nhuận.

Sau COVID-19, DN cần rút ra nhiều bài học kinh nghiệm mới thành công được. Thời gian qua, các công ty lữ hành, khách sạn thiếu năng động đều đã rời thị trường.

Ông Thọ dẫn chứng, riêng ở Sài Gòn khi COVID-19 xảy ra có khách sạn chuyển sang hoạt động F&B (phục vụ dịch vụ ăn uống tại khách sạn) năm 2020 vẫn có lợi nhuận, có khách sạn chuyển sang hoạt động F&B có thể hòa vốn và tồn tại để chờ qua COVID-19.

Mặt khác, báo cáo từ Travel Asia, STB… cho thấy trong COVID-19 vẫn có cơ hội để du lịch phát triển. Một năm qua khu vực Đông Nam Á phát triển 480 ngàn phòng, riêng Trung Quốc có 333 dự án về khách sạn, đến cuối năm nay họ có thêm hơn 640 ngàn phòng.

Không chỉ Châu Á Thái Bình Dương, Trung Quốc phát triển phòng cho du lịch, khu du lịch mà Việt Nam cũng đang làm như vậy. 

Các món ăn đặc sản địa phương được khách sạn năm sao Grand  (Sài Gòn) đưa vào thực đơn phục vụ du khách. 

Một số tập đoàn địa ốc du lịch đã đầu tư cung cấp cho ngành du lịch Việt Nam lượng lớn không chỉ cơ sở vật chất mà các dịch vụ nhà hàng, triển lãm, hội chợ, tổ chức sự kiện...

Đặc biệt là đầu tư xây dựng thành phố du lịch thông minh, đưa các điểm đến này trở thành điểm đến du lịch hàng đầu Việt Nam.

Đồng thời, nếu du lịch Việt Nam làm theo cách cũ sẽ không thoát khỏi tình trạng đóng băng, phải vừa kết hợp du lịch thực tế với công nghệ 4.0.

Ông Thọ cho biết, trong năm 2020 đầu 2021 các nước Đông Nam Á, đặc biệt như Singapore, Thái Lan, Malaysia… tiếp tục hoạt động du lịch bằng việc tổ chức sự kiện qua online.

Chẳng hạn Singapore tổ chức các sự kiện văn hoá nghệ thuật đều bán vé cho người dân Singapore và quốc tế nhưng tất cả đều xem qua mạng. Họ hoạt động về du lịch MICE trên không gian ảo, hoạt động hội thảo về giáo dục qua internet một cách như bình thường “face to face”.

“Du lịch Việt Nam áp dụng công nghệ 4.0 mới có thể phát triển du lịch không chỉ nội địa mà cả khu vực. Bên cạnh đó, nguồn nhân lực du lịch Việt Nam phải có trình độ cao mang tính toàn cầu mới đóng góp lớn cho kinh tế du lịch đất nước” - ông Thọ nhấn mạnh.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm