Du lịch Việt Nam, Singapore, Nhật Bản nói gì về Corona

Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Trùng Khánh đã gửi thư tới tới bạn bè và đối tác quốc tế thông báo về việc ngành du lịch Việt Nam chủ động kiểm soát những tác động của dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona gây ra.

Nội dung thư nêu: Ngay từ khi Trung Quốc công bố dịch bùng phát và Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) công bố tình trạng y tế khẩn cấp toàn cầu, Việt Nam và các ngành như y tế, du lịch... đã chủ động đối phó, triển khai hàng loạt biện pháp để giảm thiểu tác động của dịch bệnh.

Tổng cục Du lịch đã thông báo, hướng dẫn trong toàn ngành về các biện pháp phòng chống, đảm bảo an toàn cao nhất cho khách du lịch. Và thành lập một chuyên mục trên trang thông tin chính thức của Tổng cục để cập nhật thông tin, hỗ trợ các DN du lịch thực hiện các biện pháp đảm bảo an toàn và sức khỏe cho du khách.

Việt Nam từng có nhiều kinh nghiệm đối phó với những dịch bệnh như SARS, MERS…, Việt Nam có một hệ thống giám sát y tế tốt để kiểm soát dịch bệnh nCoV lần này.

Tổng cục trưởng tin tưởng dịch bệnh sẽ sớm được kiềm chế và hoạt động du lịch cũng như các hoạt động của cộng đồng sẽ sớm trở lại bình thường.

Trong thư ngõ gửi đến các đối tác, ông Kei Tan, Tổng cục trưởng Du lịch Singapore, cho biết tác động lớn nhất dịch Corona là sự sụt giảm đáng kể lượng khách du lịch Trung Quốc đến nước ngoài. Ngành du lịch Singapore đã cùng nhau nỗ lực giữ cho Singapore khỏe mạnh an toàn.

Tại thời điểm này, tất cả trường hợp nhiễm bệnh được xác nhận là người nước ngoài. Và việc theo dõi lịch sử đi lại được thực hiện nhanh chóng.

Singapore đã học được những bài học hữu ích từ SARS năm 2003. Kể từ
đó, nhiều khách sạn, điểm tham quan... đã phát triển quy trình đối phó với tình huống dự phòng đã giúp Singapore vượt qua khó khăn. Sân bay, các bến tàu, khách sạn, điểm tham quan và địa điểm tổ chức sự kiện đã nâng cao cảnh giác và thực hiện quá trình vệ sinh vô trùng...

Chính phủ Singapore đã thực hiện các biện pháp phòng ngừa Corona: Tất cả cá nhân không phân biệt quốc tịch, có lịch sử du lịch gần đây (trong vòng 14 ngày) đến Trung Quốc sẽ không được phép nhập cảnh hoặc quá cảnh qua Singapore. Hệ thống quét thân nhiệt đã được thực hiện tại tất cả các điểm nhập cảnh của Singapore.

Và tất cả trường hợp nghi ngờ sẽ được chuyển đến bệnh viện để đánh giá thêm cũng như cách ly như một biện pháp phòng ngừa. Tất cả nhân viên y tế sẽ xem xét các trường hợp nghi ngờ và duy trì các biện pháp phòng ngừa và kiểm soát lây nhiễm nghiêm ngặt...

Sư tử biển tại Công viên Merilon, biểu tượng của Singapore, là điểm ghé qua của nhiều du khách khi đến Singapore.

Theo Tổng cục Du lịch Singapore dù không có con số chính xác về lượng khách Việt Nam đến Singapore có giảm không nhưng có thể dự đoán ngành du lịch sẽ đối mặt với tác động trực tiếp và đáng kể. Tuy nhiên, ngành du lịch Singapore vẫn hoạt động bình thường hầu như không bị gián đoạn.

“Giai đoạn này còn khá sớm để đánh giá chính xác nhất tình hình, chính phủ Singapore đã công bố các biện pháp hỗ trợ ngay lập tức cho ngành du lịch. Sức khỏe, sự an toàn của người dân, du khách, những người làm việc trong ngành du lịch là ưu tiên hàng đầu. Chúng tôi sẵn sàng hỗ trợ bằng nhiều cách với niềm tin sẽ vượt qua những thách thức này” - ông Kei Tan chia sẻ.

Đại diện Cơ quan Xúc tiến Du lịch Nhật Bản (JNTO) tại Việt Nam cho biết dịch bệnh Corona hiện chưa lây lan rộng tại Nhật Bản. Tuy vậy, du lịch đến Nhật mỗi khách cần phòng bệnh tương tự phòng cảm lạnh, cảm cúm là sử dụng khẩu trang đúng cách, vệ sinh tay sạch sẽ...

Tổng lượng khách hai chiều Nhật Bản-Việt Nam năm 2019 đạt hơn 1,4 triệu lượt người tăng 18,9% với năm 2018. Trong đó, khách Việt Nam đến Nhật Bản đạt khoảng 495.000 lượt người, khách Nhật Bản đến Việt Nam đạt khoảng 952.000 lượt người.

Năm 2020 du lịch Việt Nam và Nhật Bản đặt mục tiêu đạt 1,5 triệu lượt người. Tại thời điểm này, Nhật Bản không có bất kỳ thay đổi gì về mục tiêu trên.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm