Sống dở chết dở vì cả triệu tấn đường lậu ập vào - Bài 1

Đủ chiêu trò nhập lậu đường vào Việt Nam

LTS: Tình trạng gian lận thương mại cộng với đường nhập lậu tràn vào đã gây tổn thất nghiêm trọng cho nông dân, doanh nghiệp và ngành mía đường Việt Nam. Thậm chí tình trạng buôn lậu đường với quy mô lớn đã khiến cho không ít nhà máy đường phải đóng cửa, nhiều cánh đồng mía bỏ hoang do thua lỗ.

Ước tính hằng năm, lượng đường nhập lậu vào Việt Nam (VN) từ 500.000 tấn lên đến gần 1 triệu tấn. Với giá rẻ hơn giá đường trong nước 1.000-2.000 đồng/kg, các đối tượng dùng mọi thủ đoạn, chiêu trò để qua mặt cơ quan chức năng tuồn đường lậu vào nước ta kiếm lời.

Các lực lượng chức năng bắt nhiều vụ vận chuyển, buôn bán đường cát nhập lậu vào Việt Nam cả bằng đường thủy lẫn đường bộ. Ảnh: TL

Tạo việc làm cho hơn 35 vạn hộ nông dân

Văn phòng Chính phủ mới đây đã có thông báo kết luận của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc về khó khăn của ngành mía đường. Theo thông báo, qua 25 năm xây dựng và phát triển, đến nay ngành mía đường VN đã tạo việc làm cho hơn 35 vạn hộ nông dân; góp phần vào công cuộc xóa đói giảm nghèo, nhất là vùng sâu, vùng xa và đảm bảo an ninh lương thực quốc gia.

Để tiếp tục phát triển ngành mía đường VN tương xứng với tiềm năng, Thủ tướng yêu cầu Bộ Công Thương áp dụng biện pháp phòng vệ phù hợp với pháp luật VN và thông lệ quốc tế để bảo vệ sản xuất mía đường trong nước; áp dụng biện pháp chống phá giá đối với đường lỏng sirô bắp và các chất tạo ngọt khác; tăng cường chống buôn lậu đường tại các địa bàn trọng điểm… 

Thủ đoạn tinh vi

Thời gian qua, lực lượng chức năng đã bắt giữ nhiều vụ đường cát nhập lậu. Trong đó có những vụ khủng lên đến hàng trăm tấn, thậm chí hàng ngàn tấn.

Điển hình như hồi tháng 10-2020, Công an tỉnh An Giang bắt quả tang các đối tượng đang vận chuyển hàng hóa trái phép qua biên giới. Kiểm tra ghe, lực lượng chức năng phát hiện 2.000 bao đường cát trắng nhãn hiệu nước ngoài, tương đương 100 tấn. Số đường này được vận chuyển từ Campuchia về VN tiêu thụ. Trước đó, Cơ quan CSĐT Bộ Công an đã triệt phá đường dây tội phạm buôn lậu đường cát trắng từ Campuchia về VN, thu giữ gần 1.000 tấn đường...

Đáng chú ý, nếu như trước đây đường nhập lậu phần lớn được vận chuyển bằng đường thủy thì nay được vận chuyển bằng nhiều loại phương tiện. Đáng quan ngại là mỗi giai đoạn, đối tượng buôn lậu đường luôn tìm các phương thức và thủ đoạn tinh vi khác nhau để qua mặt các lực lượng chức năng.

Táo tợn hơn, các đối tượng buôn lậu đường còn tập kết bên kia sông thuộc Campuchia trên các thuyền hay sà lan lớn, sau đó bốc xuống ghe nhỏ hơn chuyển hàng qua kho nhập lậu tại gần các cửa khẩu rồi sang bao. Từ đây, đường lậu đi sâu vào nội địa bằng xe tải lớn hoặc bằng ghe lớn có thể lên đến 80-100 tấn.

“Thậm chí các đối tượng buôn lậu dùng tàu biển công suất lớn, sử dụng các phương tiện thông tin hiện đại để liên lạc và theo dõi chặt chẽ các lực lượng chức năng chống buôn lậu. Khi bị kiểm tra, phát hiện, bắt giữ, các đối tượng này sẵn sàng vứt hàng xuống biển, xuống sông để phi tang và chống trả quyết liệt” - một cán bộ chống buôn lậu cho biết.

Buôn bán đường cát nhập lậu vào Việt Nam cả bằng đường thủy lẫn đường bộ. Ảnh: TL

Chiêu biến đường lậu thành đường nội địa

Sau khi vận chuyển vào VN, đường được các đầu nậu sang bao. Trước đây đầu nậu thường dùng bao của các thương hiệu trong nước nhưng nay họ dùng bao trắng, sau đó sang bao kẹp một nhãn hiệu nhỏ của cơ sở đóng gói hoạt động tại địa phương. Thậm chí có trường hợp họ để y nguyên bao bì nhãn mác đường Thái Lan rồi bán thẳng ra thị trường.

Đặc biệt, một trong những thủ đoạn mà các đối tượng buôn lậu và gian lận thương mại đường nhập lậu sử dụng phổ biến là thực hiện các hoạt động sản xuất, sang chiết, phối trộn đóng gói. Sau công đoạn đóng bao mới, đường nhập lậu sẽ biến thành đường nội địa đem đi tiêu thụ.

Ban chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (Ban chỉ đạo 389) nhận định đường nhập lậu vào VN chủ yếu xuất phát từ Thái Lan, qua Campuchia vào biên giới các tỉnh Tây Nam rồi đưa vào thị trường tiêu thụ. Cụ thể, đường lậu chủ yếu tập trung ở những tỉnh có đường biên như An Giang, Long An, Tây Ninh, Đồng Tháp…

Nguyên nhân, đường nhập lậu từ Thái Lan vào VN số lượng lớn chủ yếu do giá đường xuất khẩu của Thái Lan được chính phủ nước này trợ giá. Chính vì vậy, sau quá trình điều tra, mới đây Bộ Công Thương quyết định áp thuế chống bán phá giá và thuế chống trợ cấp tạm thời đối với một số sản phẩm đường mía có xuất xứ từ Thái Lan.

Ngoài ra, giá đường lậu thường rẻ hơn 1.000-2.000 đồng/kg so với giá đường bán trên thị trường trong nước. Chênh lệch giữa giá đường lậu và đường trong nước tạo ra lợi nhuận lớn nên các đối tượng buôn lậu bất chấp mọi thủ đoạn đưa đường lậu vào nước ta bán kiếm lời.

Lợi dụng kẽ hở để hợp thức hóa đường lậu

Các đối tượng buôn lậu còn lợi dụng kẽ hở trong chính sách liên quan đến hồ sơ bán đấu giá hàng hóa tịch thu nhằm hợp thức hóa đường lậu. Đó là họ dùng bộ hồ sơ mua đấu giá đường hợp pháp để hợp thức hóa hàng lậu nhằm đối phó với lực lượng chức năng khi bị kiểm tra.

Cụ thể, ông Nguyễn Văn Cẩn, Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan, cho biết: Các đối tượng buôn lậu đường lợi dụng kẽ hở trong thanh lý đấu giá đường nhập lậu. Theo đó, họ tham giá đấu giá và đưa ra mức giá cao để trúng đấu giá, để có bộ hồ sơ hợp lệ. Sau đó sử dụng hồ sơ này quay vòng cả năm cho các lô đường nhập lậu khác.

Vì vậy, theo ông Cẩn, cần có quy định chỉ cho phép các đơn vị có giấy phép thuộc loại hình kinh doanh có điều kiện tham gia đấu giá thanh lý đường nhập lậu, trước mắt chỉ cho phép các đơn vị của Hiệp hội Mía đường VN tham gia. Đồng thời, kiến nghị cơ quan liên quan sửa đổi, bổ sung một số văn bản quy phạm pháp luật còn sơ hở, bất cập nhằm ngăn chặn tình trạng hợp thức hóa đường lậu. 

Mỗi năm có hàng triệu tấn đường lậu tràn vào

Theo số liệu thống kê của cơ quan hải quan, riêng lượng đường mía nhập khẩu vào nước ta tăng đột biến trong năm 2020 với 1,5 triệu tấn. Trong tháng 1-2021, lượng đường nhập khẩu vẫn tiếp tục ở mức cao, đạt 113.000 tấn. Do lượng đường nhập khẩu tăng đột biến nên sản lượng sản xuất đường trong nước bị ảnh hưởng đáng kể.

Phải kiểm soát hiệu quả đường nhập lậu

Báo cáo triển vọng ngành đường của Công ty Chứng khoán SSI công bố mới đây cho thấy những tháng đầu năm 2021, do VN kiểm soát biên giới rất chặt chẽ để ngăn chặn dịch COVID-19, hoạt động buôn lậu đường cũng đã sụt giảm đáng kể.

Hiện tại giá mía, giá đường đều tăng. Ví dụ, giá đường trắng (RS) đã tăng từ mức 13.500 đồng/kg vào thời điểm cuối năm 2020 lên mức 15.000-16.000 đồng/kg vào thời điểm cuối tháng 2 năm nay. Giá mua mía tại ruộng của các nhà máy cũng đã tăng khoảng 15%-20% so với giá mua mía niên vụ trước.

Tuy nhiên, trong trường hợp đường lậu không kiểm soát hiệu quả thì giá đường trong nước tiếp tục bị ảnh hưởng bởi đường lậu, nhất là sau khi thuế chống bán phá giá đối với đường nhập từ Thái Lan được ban hành. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm