Dự báo giá vàng chưa sáng suốt

Trước cơn lốc giá vàng, giá USD biến động bất thường, cùng việc thống đốc Ngân hàng nhà nước ra lệnh nhập khẩu vàng, bên hành lang Quốc hội, Pháp Luật TP.HCMđã có cuộc trao đổi với TS Cao Sĩ Kiêm, nguyên Thống đốc Ngân hàng nhà nước, hiện là thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tiền tệ của Thủ tướng.

Dự báo giá vàng chưa sáng suốt

. Thưa ông, trong cơn sốt vàng mấy ngày qua liệu có phải những ngân hàng, doanh nghiệp được phép nhập khẩu, kinh doanh vàng như SJC, PNJ… đã hưởng lợi?

+ Nói chung là người đầu cơ. Có thể họ dự trữ từ trước, giờ giá cao thì tung ra kiếm lời, hoặc có thể chủ động mua vào, tung tin thất thiệt đẩy giá rồi bán kiếm lời. Còn với những công ty chuyên doanh vàng thì khả năng là 30/70. Trong đó, khả năng là họ thu lợi lớn vì nắm được thông tin, chủ động thông tin và thị trường.

. Khả năng thu lợi từ vụ sốt giá lớn như thế thì liệu có phải chính những doanh nghiệp lớn này tham gia đầu cơ, đẩy giá?

+ Phải có điều tra, xác định của các cơ quan chức năng thì mới kết luận được.

. Nhưng đợi đến hôm 11-11 mới gỡ bỏ lệnh cấm nhập khẩu vàng thì liệu có tiếp tay cho đầu cơ, bơm giá vàng không, thưa ông?

+ Thực tế thì cấm hay cho nhập khẩu vàng còn phải tính đến nhập siêu, đến cân đối ngoại tệ trong nước. Tình hình đang căng về ngoại tệ như thế mà bỏ USD ra nhập vàng thì không ổn. Cảm nhận của tôi giờ mới cho nhập là dự báo, phán đoán tình hình của ta chưa được sáng suốt lắm. Kể ra nới lỏng từ mấy tuần trước thì có thể tốt hơn. Nhưng bên cạnh việc cho nhập còn phải kèm theo những biện pháp truyền thông, tạo niềm tin cho công chúng. Cho nhập mà dân vẫn đồn thổi, đua nhau mua vào thì khó chống đầu cơ, đẩy giá.

Dự báo giá vàng chưa sáng suốt ảnh 1

Thị trường vàng đã lắng dịu khi có thông tin cho nhập vàng. (Ảnh chụp chiều 12-11) Ảnh: HTD

Cuối năm cần nhiều ngoại tệ để nhập hàng

. Những ngày vừa qua, bên cạnh cơn sốt vàng, tỷ giá USD trên thị trường cũng lên rất cao, bất chấp những tuyên bố mang tính cam kết của thống đốc Ngân hàng nhà nước là không phá giá VND. Tại sao vậy, thưa ông?

+ Nguyên nhân chính là cung cầu. Nhu cầu sử dụng ngoại tệ thời gian cuối năm lên cao, do phải nhập khẩu nguyên liệu cho sản xuất cuối năm, dự trữ hàng phục vụ Tết. Trong khi nguồn cung USD không theo kịp do giá trị xuất khẩu giảm. Chưa kể một số doanh nghiệp lớn có sẵn ngoại tệ nay càng muốn găm chờ giá lên cao kiếm lời trong khi ngân hàng không điều tiết được. Cung-cầu ngoại tệ căng thẳng kéo dài cũng làm giảm khả năng thanh khoản ngoại tệ ở một số ngân hàng thương mại. Khả năng can thiệp của Ngân hàng nhà nước lại cũng có mức độ, trong lúc có thông tin rằng dự trữ ngoại tệ giảm dần cũng ảnh hưởng đến tâm lý người dân và doanh nghiệp. Tất cả tác động khiến tỷ giá giao dịch ngoại tệ thực tế lên cao.

. Báo cáo trước Quốc hội, Thủ tướng khẳng định dự trữ ngoại hối vẫn ở mức an toàn, đảm bảo 12 tuần nhập khẩu. Trong khi đó, theo tính toán của các tổ chức quốc tế, như Ngân hàng Thế giới chẳng hạn cho rằng dự trữ ngoại tệ của Việt Nam còn hơn 16 tỷ USD so với 20 tỷ hồi cuối năm trước. Phải chăng đang có suy giảm?

+ Về lý thuyết, trước tình hình cung-cầu ngoại tệ như thời gian vừa qua thì dự trữ ngoại tệ phải giảm chứ khó có thể ổn định hay tăng lên được. Nhưng vấn đề này phải chờ phát ngôn chính thức của người có trách nhiệm.

Căng thẳng ngoại tệ chỉ mang tính thời điểm

. Thời điểm lạm phát bùng nổ năm 2008, Chính phủ từng công bố với Quốc hội và công khai cho người dân cũng như quốc tế biết dự trữ ngoại tệ của Việt Nam. Điều đó đã góp phần ổn định tâm lý xã hội. Nay trước những biến động về giá vàng, ngoại tệ thế này, theo ông có nên công bố thêm thông tin về dự trữ ngoại hối quốc gia?

+ Có những tế nhị của nó cho nên muốn tìm hiểu thì phải hỏi lãnh đạo. Nhưng theo tôi được biết thì dự trữ ngoại hối cũng như cân đối ngoại tệ chung chưa đến mức báo động đâu. Căng thẳng cung-cầu ngoại tệ những ngày qua mang tính thời điểm và chỉ ở một vài ngân hàng. Nếu điều hành tốt, gỡ vướng thường xuyên, Ngân hàng nhà nước cũng như các ngân hàng thương mại phối hợp, hỗ trợ kịp thời xử lý các điểm nóng thì sẽ bớt đi ảnh hưởng tâm lý tiêu cực từ phía người dân và doanh nghiệp

Hồi tôi còn làm thống đốc Ngân hàng nhà nước thì dự trữ ngoại tệ của ta rất thấp nên đã không công bố vì sợ dân hoang mang. Nhưng về nguyên tắc thì càng minh bạch, công khai thì càng tạo niềm tin cho xã hội. Còn công khai thế nào, nội dung, phương pháp ra sao thì Ngân hàng nhà nước sẽ phải tính toán.

. Xin cảm ơn ông.

NGHĨA NHÂNthực hiện

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm