Động lực kép phát triển cho doanh nghiệp và địa phương

Trong bối cảnh phục hồi và tăng trưởng kinh tế giữa đại dịch, đầu tư phát triển nguồn nhân lực tại chỗ chính là cơ hội để doanh nghiệp FDI cải thiện năng suất lao động, sẵn sàng ứng biến với thách thức. Đây cũng là động lực góp phần cải thiện chất lượng cuộc sống tại nhiều địa phương.

COVID-19 đặt không ít doanh nghiệp FDI tại Việt Nam trước bài toán tăng trưởng và nhân sự. Sự chững lại của nền kinh tế toàn cầu, cộng với việc nhân sự nước ngoài gặp khó khi nhập cảnh vào VN đã khiến nhiều DN thay đổi chiến lược, tập trung xây dựng nguồn lực chất lượng cao tại địa bàn hoạt động, sẵn sàng ứng biến với thách thức. Điều này đã tạo ra tác động tích cực đến thị trường lao động tại địa phương.

Bồi dưỡng tay nghề chuẩn quốc tế

Theo Bộ Lao động Thương binh & Xã hội, trong giai đoạn 1995 – 2019, số lượng lao động làm việc tại các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đã tăng từ 330.000 lên khoảng 6,1 triệu người. Tốc độ tăng lao động trong giai đoạn 2005-2017 bình quân tăng 7,72%/năm, cao hơn so với mức tăng trưởng lao động trong toàn nền kinh tế và các thành phần kinh tế khác.

Đồng thời, sự xuất hiện của các doanh nghiệp nước ngoài tạo động lực cho xu hướng chuyển dịch cơ cấu lao động từ các ngành thâm dụng lao động tay nghề thấp sang các ngành sử dụng lao động chất lượng cao. Thông qua đó, người lao động địa phương đã có cơ hội tiếp cận với các tiến bộ khoa học kỹ thuật, cải thiện được tay nghề và trình độ chuyên môn. Thậm chí, ở nhiều lĩnh vực, kỹ năng nghề của lao động Việt Nam đã đạt chuẩn quốc tế, đủ khả năng đảm nhận các vị trí phức tạp mà trước đây phải do chuyên gia nước ngoài thực hiện.

Đặc biệt, năng suất lao động của các doanh nghiệp có nguồn vốn đầu tư từ nước ngoài đã có nhiều chuyển biến tích cực, riêng năm 2017 đạt 330,8 triệu đồng/lao động, cao gấp 3,5 lần năng suất lao động chung của cả nước.

Trình độ lực lượng lao động Việt đang ngày càng được cải thiện, tiệm cận tiêu chuẩn thế giới nhờ sự chăm lo bồi dưỡng của các doanh nghiệp FDI

Đầu tư toàn diện cho nhân lực địa phương

Nhận ra được tiềm năng của nguồn lao động địa phương, thay vì tập trung khai thác nguồn nhân lực từ công ty mẹ, các doanh nghiệp chủ động đầu tư bồi dưỡng, phát triển nguồn nhân lực trong khu vực.

Ý thức được tầm quan trọng của chính sách “bản địa hóa” nguồn nhân lực, Công ty Giấy Lee & Man Việt Nam đã tích cực liên kết với các trường Cao đẳng cộng đồng Hậu Giang, Đại học Cần Thơ, Sở Lao động & TBXH Hậu Giang và TP. Cần Thơ để tuyển dụng lao động địa phương. Đồng thời, đơn vị trích ra một khoản ngân sách riêng để thực hiện các khóa đào tạo kỹ năng cho toàn thể nhân viên công ty.

Chính sách bản địa hóa của Lee & Man góp phần giải quyết bài toán việc làm cho lao động vùng ĐBSCL, tăng tỷ lệ người VN trong đội ngũ ban quản lý

Không chỉ tập trung cải thiện chất lượng tay nghề, Lee & Man Việt Nam còn chú trọng chăm lo đời sống cho nhân viên thông qua chính sách đãi ngộ về tiền lương, tiền thưởng, bảo hiểm...

Công ty bao cơm ngày 3 bữa, bao ở KTX, điện nước sử dụng bao hết. Ngoài ra thì có thêm chế độ ưu đãi, những nhân viên kinh nghiệm lâu năm được tăng lương, tham gia đào tạo để thăng chức”, anh Võ Văn Đen, Phó giám đốc Kho bãi, chia sẻ. Công tác tại đây gần 7 năm, nhờ các hỗ trợ đào tạo của công ty, anh Đen đạt được những thành tựu bước ngoặt trong sự nghiệp, từ nhân viên bảo vệ đến thành viên chủ chốt của đội ngũ ban quản lý công ty.

Được tạo điều kiện công ăn việc làm ổn định, nhiều hộ gia đình đã có nguồn thu nhập khá, chất lượng cuộc sống nâng cao. Con em một số hộ còn được công ty hỗ trợ học phí, sau khi ra trường được nhận vào làm việc với mức lương khởi điểm khả quan 6-7 triệu đồng.

Việc tận dụng nguồn lao động tại chỗ của địa phương đã góp phần giúp sinh viên nông thôn tránh được tình trạng thất nghiệp sau khi ra trường hoặc phải tìm kiếm cơ hội việc làm mới tại địa phương khác. Điều này không chỉ giải quyết vấn đề việc làm tại khu vực ĐBSCL mà còn góp phần cải thiện đời sống, đưa mức thu nhập đầu người tại địa phương tăng lên hàng năm, thông qua đó thúc đẩy sự phát triển của nền kinh tế khu vực.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm