Đối thoại với luật sư vụ xóa tài khoản ngân hàng

NHNN đã có thông tin chính thức về việc buộc các hộ gia đình, doanh nghiệp tư nhân (DNTN), văn phòng luật sư… phải chuyển tài khoản sang tài khoản cá nhân, nếu không sẽ bị đóng tài khoản tại ngân hàng.

NHNN giải thích rằng việc yêu cầu các chủ thể trên phải thay đổi tên tài khoản là để phù hợp với Thông tư số 32/2016 và Bộ luật Dân sự năm 2015, tức chủ thể của quan hệ dân sự chỉ bao gồm cá nhân và pháp nhân.

Tuy nhiên, theo luật sư Trương Thanh Đức, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Pháp chế ngân hàng, về nguyên tắc, Thông tư số 32/2016 của NHNN là không trái với quy định của Bộ luật Dân sự năm 2015 nhưng thông tư này vô hình trung lại trái ngược, vô hiệu hóa nhiều luật khác.

Chẳng hạn như văn phòng luật sư theo Luật Luật sư năm 2006 (sửa đổi, bổ sung năm 2012); hộ gia đình theo Luật Đất đai năm 2013; DNTN theo Luật DN năm 2014; hộ kinh doanh theo Luật DN năm 2014...

Như vậy tính sơ sơ đã có tới 12 chủ thể nằm rải rác ở 12 luật và nghị quyết bị thông tư nói trên “đụng chạm”. Thậm chí nếu ngân hàng không cho DNTN giao dịch tài khoản thì gần như đồng nghĩa với việc phải xóa bỏ các DNTN và nhiều thực thể pháp lý khác.

Bà Hoàng Tuyết Minh, Phó Vụ trưởng Vụ Thanh toán, NHNN.

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, nguồn tin từ NHNN cho biết sau khi Pháp Luật TP.HCM có phản ánh ý kiến của các luật sư về quan điểm của NHNN nêu trên, Vụ Thanh toán thuộc NHNN đã tổng hợp ý kiến, báo cáo lãnh đạo NHNN.

Theo đó, Vụ Thanh toán đề xuất phương án tổ chức buổi làm việc giữa các bên gồm NHNN, Bộ Tư pháp, đại diện các văn phòng luật sư,… để tìm cách giải quyết những nội dung mà các văn phòng luật sư đã có ý kiến.

“Trên tinh thần là cơ quan chuyên môn của NHNN sẽ cầu thị, tiếp thu ý kiến từ các bên” - nguồn tin cho biết.

Trước đó, đại diện NHNN bà Hoàng Tuyết Minh, Phó Vụ trưởng Vụ Thanh toán, NHNN, cho biết Thông tư số 32 được ban hành sau khi Quốc hội thông qua Bộ luật Dân sự 2015 và theo quy định tại Điều 1 Bộ luật Dân sự 2015, có hiệu lực từ 1-1-2017, chủ thể của quan hệ dân sự chỉ bao gồm cá nhân và pháp nhân. Do đó, Thông tư số 32 được xây dựng trên cơ sở đảm bảo phù hợp với quy định của Bộ luật Dân sự 2015 về chủ thể trong quan hệ dân sự.

Quy định này là cần thiết, hạn chế rủi ro cho các bên, bảo đảm các giao dịch mở, sử dụng tài khoản không bị vô hiệu do vi phạm quy định về chủ thể theo quy định của Bộ luật Dân sự 2015.

Theo bà Minh, việc tồn tại của các tài khoản thanh toán của tổ chức không có tư cách pháp nhân trước khi Thông tư số 32 có hiệu lực thi hành là thực tế và để hạn chế xáo trộn trong hoạt động mở, sử dụng tài khoản thanh toán, Thông tư số 32 đã có hướng dẫn quy định cụ thể trình tự, thủ tục thực hiện việc xử lý chuyển tiếp đối với các tài khoản thanh toán này.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm