Đối phó đeo vòng nhận diện truy nguồn gốc heo

Ngày 5-5 Sở công thương TP.HCM có buổi báo cáo sơ kết bốn tháng triển khai Đề án quản lí nhận diện và truy xuất nguồn gốc thịt heo với Phó chủ tịch UBND TP.HCM Trần Vĩnh Tuyến.

Ông Nguyễn Nguyên Phương, Trưởng phòng quản lí thương mại Sở công thương TP.HCM cho biết từ khi bắt đầu triển khai đến nay có 123/1.131 cơ sở chăn nuôi thực hiện đeo vòng nhận diện khi bán heo với 251 ngàn con. Như vậy, số lượng cơ sở chăn nuôi tham gia so với số lượng đã đăng kí là rất thấp, chỉ khoảng 11%. Trong đó số heo đeo vòng do các cơ sở thực hiện đạt 69%, phần còn lại 31% do thương lái thực hiện.

Khi triển khai đề án Sở công thương nhận được đăng kí của 25 cơ sở giết mổ và các tỉnh, đến nay có 10/25 cơ sở có kích hoạt khai báo thông tin nguồn gốc. Đã có 297.331 con heo được đeo vòng được kích hoạt khi xuất ra khỏi cơ sở giết mổ và có vòng niêm phong xe. Như vậy, có 146.944 con heo khi xuất ra khỏi cơ sở giết mổ không tiếp tục được kích hoạt cập nhật thông tin truy xuất.

Heo đang được đeo vòng tại trang trại chăn nuôi

Heo đang được đeo vòng tại trang trại chăn nuôi

Đại diện Chi cục thú y TP.HCM cho biết từ tháng 3, khi triển khai ra chợ đầu mối Chi cục có yêu cầu thương nhân: heo vào cơ sở  giết mổ phải có vòng nhận diện và từ cơ sở giết mổ ra chợ đầu mối phải có thì việc thực hiện đeo vòng nhận diện tại cơ sở giết mổ của thành phố thực hiện đầy đủ. Tuy nhiên từ tháng 4, chợ đầu mối Bình Điền nhập heo đa số từ Long An về giết mổ, mà heo ở Long An không đeo vòng nhận diện, dẫn đến thương lái phân bì là tại sao thương nhân chợ Bình Điền kinh doanh heo không đeo vòng vẫn kinh doanh. Bên cạnh đó, gần đây heo hơi rớt giá mạnh, thương lai đeo vòng nhận diện cho heo giảm. Đến nay lượng heo nhập về cơ sở giết mổ ở thành phố mà có vòng nhận diện chỉ chiếm 9%. Đối với số heo không đeo vòng thì cơ quan thú y chỉ dừng lại lập biên bản nhắc nhở chưa áp dụng xử phạt vi phạm hành chính được.

Theo vị đại diện Chi cục thú y TP.HCM, thực tế có tình trạng heo đeo vòng nhận diện nhưng mang tính đối phó. Mặc dù thàn phố hỗ trợ giảm 50% chi phí cho các hộ nông dân đeo vòng nhận diện. Tuy nhiên trong số heo có đeo vòng nhận diện thì có 45% có thông tin đầy đủ về nguồn gốc, trang trại, cơ sở giết mổ… còn lại mang tính đối phó, không thực hiện ghi nhận đầy đủ thông tin…

Lí giải thông tin trên, đại diện chợ Bình Điền cho biết từ khi triển khai có 113 thương nhân đăng kí tham gia heo phải có vòng nhận diện thực hiện tốt. Nhưng càng ngày thì tình hình xấu đi. Có tình trạng heo đeo vòng nhưng không có thông tin.

Nguyên nhân do hiện 80% heo nhập chợ là từ Long An, do các thương lái mua từ các hộ nhỏ lẻ. Những hộ này họ nuôi vài con, khu vực chăn nuôi không có sóng wifi hay 3 G để bà con kích hoạt vòng nhận diện…. Khi tập huấn ở Long An, lãnh đạo các sở ngành của tỉnh này yêu cầu cần có lộ trình thực hiện bài bản hơn. Vì hiện nay các hộ chăn nuôi khó khăn cùng với việc heo rớt giá như hiện nay.

Mặt khác, chợ Bình Điền kiến nghị cần phối hợp chặt chẽ với thú y, tránh trường hợp ban quản lí cương quyết không cho heo không đeo vòng nhập chợ, còn cơ quan thú y đồng ý vì thực hiện theo các văn bản pháp luật… Nên cần thống nhất tránh việc thương nhân kiện tụng. Cơ quan thú ý có biện pháp xử lí đối với heo không đeo vòng khi nhập về thành phố cũng như hai chợ đầu mối.

Cùng ý kiến trên ông Lê Văn Tiễn, Phó giám đốc chợ Hóc Môn cho biết, từ khi triển khai 100% heo vào chợ đeo vòng( 5.000 con/đêm). Nay lượng heo về chợ tăng lên 5.500 -5.700 con heo nhưng chỉ còn 49% heo có đeo vòng. Nhưng trong số đó chỉ có 20% heo đeo vòng có kích hoạt được.

Heo được đeo vòng ở cơ sở giết mổ

Heo được đeo vòng ở cơ sở giết mổ

Ông Tuyến cho biết dù kết quả chưa đạt như mong muốn nhưng đề nghị phải kiên trì với chủ trương của thành phố và thực hiện một cách đồng bộ, không chỉ riêng trách nhiệm của Sở công thương mà từng đơn vị có kế hoạch lộ trình cụ thể, mục tiêu cụ thể.

Theo đó, ông Tuyến Giao Sở công thương xây dựng kế hoạch sơ kết 5 tháng vào cuối tháng 5-2017. Đưa nội dung hợp tác này vào chương trình hợp tác của thành phố với 37 tỉnh thàn. Tính toán đưa vào để hàng năm thành phố và các tỉnh có sơ kết đánh giá. Như vậy mới trở thành chủ trương của thành phố và các tỉnh.

Các đơn vị có kế hoạch cụ thể, như Ban quản lý ATVSTP sớm tham mưu quy định áp dụng tem truy xuất nguồn gốc, nói rõ thẩm quyền, các xem xét công nhận cụ thể. Chứ không sẽ dẫn đến tình trạng tràn lan mạnh đơn vị nào nấy làm. Thậm chí có trường hợp lợi dụng tem truy xuất nguồn gốc này để hợp thức hóa cho thực phẩm không sạch thì không được.

Giao cho hai chợ đầu mối có kế hoạch cụ thể, làm sao hạn chế lượng heo vào chợ không có vòng nhận diện hoặc có vòng mà không có thông tin vẫn còn tồn tại như hiện nay. Tuyên truyền, vận động, giải thích… cần thiết…đề xuất chính sách cụ thể để hỗ trợ cho thương nhân thương lái để họ có ý thức chung vì cộng đồng để họ thực hiện.

Ông Tuyến cho rằng mục tiêu hướng đến tương lai, vì thực phẩm sạch vào thành phố, vì chiến lược lâu dài cho xuất khẩu. Cần tuyên truyền cho bà con rằng nếu xác định đi theo con đường bền vững phải tuân thủ quy trình chăn nuôi sạch, không tiếp tục theo cách làm cũ...Làm thế nào cải tiến kỹ thuật để phương tiện truy xuất nguồn gốc hiệu quả tiện lợi, tiết kiệm nhất mà người dân áp dụng dễ nhất.

“Đề nghị Sở công thương làm việc với Vietel VNPT để kí kết hợp tác hỗ trợ các tỉnh lắp đặt các trạm phát sóng wifi vùng sâu vùng xa để bà con thực hiện” - ông Tuyến nhấn mạnh.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm