“Đói” kinh phí bảo vệ người tiêu dùng

Đó chính là những vấn đề nổi cộm được nêu lên tại hội nghị “Kinh nghiệm tổ chức và hoạt động của các tổ chức bảo vệ người tiêu dùng tại Việt Nam” do Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công thương) tổ chức ngày 27-2 tại TP.HCM.

Ông Lê Đình Nội, Chủ tịch Hội Bảo vệ người tiêu dùng Thanh Hóa, cho biết hội được thành lập vào năm 1992 và từng ấy năm hoạt động hội không hề nhận được nguồn kinh phí nào từ chính quyền địa phương. Kể từ ngày thành lập đến nay, muốn làm việc gì hội phải “cậy nhờ” vào cơ quan quản lý thị trường. “Những khi nghi vấn mặt hàng nào đó có vấn đề về chất lượng, chúng tôi cũng muốn mua mẫu để đem đi kiểm nghiệm nhưng không biết lấy tiền ở đâu” - ông Nội nói. Theo ông Nội, không phải hội không muốn xin kinh phí nhưng đối với một tỉnh nghèo như Thanh Hóa thì việc xin được kinh phí là điều không dễ dàng do phải lòng vòng qua nhiều cấp.

Phần lớn các hội bảo vệ người tiêu dùng đều thừa nhận là việc hội có nhiều hay ít kinh phí đều dựa vào “quan hệ” của người đứng đầu hội với cơ quan chức năng tỉnh. Điển hình như tại Bình Dương, chủ tịch hội từng là phó giám đốc Sở Thương mại cũ, còn ở Kiên Giang ông chủ tịch đầu tiên của hội từng là phó chủ tịch HĐND tỉnh.

Ông Lê Đình Nội cho biết bên cạnh thiếu kinh phí thì việc chính quyền địa phương ít quan tâm tới việc chống hàng giả, hàng kém chất lượng. Nhiều lần hội muốn phối hợp với chính quyền một số huyện thì đều nhận được sự im lặng.

Bà Đinh Thị Mỹ Loan, ủy viên thường trực của Hội Tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam (Vinastas) lưu ý muốn bảo vệ tốt người tiêu dùng thì cần có sự đồng thuận và thay đổi tư duy của các cơ quan quản lý từ trung ương đến địa phương. Đáng buồn là thời gian qua, việc bảo vệ người tiêu dùng ít nhiều còn mang tính chất hô hào, khẩu hiệu mà ít có hành động cụ thể.

Phó cục trưởng cũng mua phải hàng rởm

Phó cục trưởng Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công thương) Đặng Hoàng Hải chia sẻ, ngay bản thân ông cũng một lần khốn khổ vì gặp phải hàng kém chất lượng. Lần đó, ông Hải mua một chiếc thắt lưng hàng hiệu khá đắt tiền trong cửa hàng tại khách sạn năm sao ở Hà Nội. Đưa về sử dụng được vài ngày thì chiếc thắt lưng bị bong da, ông Hải bèn ra cửa hàng khiếu nại. Tuy nhiên, nhân viên cửa hàng chỉ ông đến khiếu nại tại nhà phân phối chính ở TP.HCM. Nhân một lần vào TP.HCM, ông Hải đem theo chiếc thắt lưng để đổi lại nhưng nhân viên ở đây lại đẩy cho nhà sản xuất ở... nước ngoài. Cuối cùng, ông Hải đành “ngậm bồ hòn làm ngọt”!

TRUNG HIẾU

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm