Đội đặc nhiệm "ra tay" cứu tôm hùm

Một người may mắn thu hoạch được con tôm hùm chưa mắc bệnh.
Một người may mắn thu hoạch được con tôm hùm chưa mắc bệnh.

Ngay sau khi thị sát tình hình thực tế, Bộ trưởng Bộ NNPTNT Cao Đức Phát đã quyết định thành lập tổ công tác tập trung lo giải quyết bệnh dịch cho tôm hùm tại các tỉnh miền Trung và phân công Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm thú y thuỷ sản Nguyễn Tử Cương trực tiếp triển khai nhiệm vụ này.

Bệnh "tôm sữa" đang lan rộng

Theo số liệu của Bộ NNPTNT, cả nước hiện có 5 tỉnh phát triển nghề nuôi tôm hùm lồng với gần 8.000 hộ chuyên canh, sản lượng xấp xỉ 2.000 tấn tôm thương phẩm/năm, tương đương 1.000-1.500 tỉ đồng; trong đó tỉnh Khánh Hoà sản lượng khoảng 1.500 tấn/năm, Phú Yên: 170 tấn/năm, Ninh Thuận:150 tấn/năm, Bình Thuận: 50 tấn/năm; riêng Bình Định chủ yếu ương nuôi tôm hùm giống, sản lượng bình quân 195.000 con/năm.

Qua theo dõi của Trung tâm Nghiên cứu thuỷ sản 3, bệnh "tôm sữa" xuất hiện lần đầu tiên vào mùa mưa năm 2006, tại xã đảo Cam Bình thuộc thị xã Cam Ranh (Khánh Hoà); sau đó lây lan trên diện rộng ở Vũng Ngán (Nha Trang), Đầm Môn (Vạn Ninh), Xuân Thọ 1 (huyện Sông Cầu, Phú Yên), Vĩnh Tân (huyện Tuy Phong, Bình Thuận); gây chết hàng loạt tôm hùm thương phẩm trọng lượng từ hơn 200 đến gần 800 gram/con.

Khoảng 2 tháng gần đây, bệnh "tôm sữa" bùng phát thành đại dịch và diễn biến rất phức tạp ở nhiều địa phương. Tính đến ngày 15.10, tỉ lệ tôm hùm chết tích luỹ do bệnh "sữa" ở Phú Yên lên đến 55%, Khánh Hoà xấp xỉ 60% và cá biệt có nhiều vùng, tôm chết do mắc bệnh "sữa" lên đến 90%.

Tôm hùm trước khi hoá thành "tôm sữa" đều có chung một triệu chứng là màu sắc nhợt nhạt, thân hơi đỏ, phần bụng có chất dịch màu trắng sữa lan rộng; giảm ăn đến bỏ ăn hoàn toàn, từ 3-7 ngày sau thì chết.

Chuyên gia nước ngoài sẽ "vào cuộc"

Đội đặc nhiệm của Bộ NNPTNT đang phối hợp với Viện Nghiên cứu thuỷ sản 3, Trường ĐH Nha Trang, Trung tâm Chất lượng an toàn vệ sinh và thú y thuỷ sản vùng 2, cùng lãnh đạo ngành thuỷ sản 4 tỉnh Bình Định, Phú Yên, Khánh Hoà, Ninh Thuận điều tra phương pháp nuôi, con giống, thức ăn, môi trường... Trong thời hạn 2 tháng, sẽ xác định tác nhân và nguyên nhân gây bệnh "tôm sữa" trên tôm hùm...

Đội đặc nhiệm cũng đã triển khai từng đầu việc cụ thể gắn với thời gian thực hiện của 5 nhóm công tác, bao gồm nhóm nghiên cứu dịch tễ học bệnh "tôm sữa", nhóm điều tra tổng quan tình hình nuôi và bệnh dịch trong tôm hùm; nhóm xét nghiệm tác nhân gây bệnh và kiểm nghiệm các chỉ tiêu môi trường; nhóm hậu cần, tài chính...

Cục Quản lý chất lượng an toàn vệ sinh và thú y thuỷ sản nước ta đã thông báo diễn biến tình hình bệnh dịch "tôm sữa" trên tôm hùm ở miền Trung với Tổ chức Thú y thế giới (OIE), Mạng lưới các Trung tâm nuôi trồng thuỷ sản Châu Á-Thái Bình Dương (NACA), Trung tâm Phát triển nghề cá Đông Nam Á (SEAFDEC) và các chuyên gia đầu ngành về tôm hùm của Nhật Bản, Mỹ, Australia...

Điều đáng lưu ý là nhóm hoạt động hợp tác quốc tế đã nhận được nhiều tài liệu liên quan đến bệnh tôm hùm, nhưng chưa có tài liệu nào nói đến bệnh "tôm sữa".

Cùng với việc tiếp nhận các loại mẫu bệnh "tôm sữa" từ Việt Nam gửi sang để xét nghiệm; đầu tháng 11 sắp tới, OIE sẽ cử Giáo sư Dondl V.Lightner - thuộc Phòng xét nhiệm bệnh thuỷ sản của Trường ĐH Arizona, Hoa Kỳ sang nước ta phối hợp giải quyết bệnh tôm hùm.

Một số chuyên gia về bệnh tôm của Australia và NACA cũng đã sẵn sàng đến các tỉnh miền Trung, tham gia hợp tác nghiên cứu dịch tễ bệnh "tôm sữa".

Theo ông Nguyễn Tử Cương: "Từ nay đến cuối tháng 10, các nhóm công tác sẽ thực hiện đợt 1 điều tra tổng thể hình thức nuôi và bệnh dịch tôm của 100 hộ nuôi tôm hùm ở 2 tỉnh Phú Yên, Khánh Hoà. Nguyên tắc lựa chọn hộ điều tra, nội dung câu hỏi điều tra và chương trình phần mềm để xử lý kết quả điều tra hoàn toàn dựa theo hướng dẫn quốc tế vầ dịch tễ học bệnh thuỷ sản quốc tế".

Theo Lao Động

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm