Độc quyền vàng miếng: Ai được lợi?

Sáng 31-10, bước sang ngày thứ hai QH thảo luận về tình hình kinh tế-xã hội, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Văn Bình là vị trưởng ngành duy nhất đứng lên giải trình lần hai về các vấn đề nợ xấu và thị trường vàng. Dù vậy, lần giải trình tiếp này vẫn chưa khiến đại biểu hài lòng nên các đại biểu tiếp tục nêu ý kiến “xoáy” vào vấn đề quản lý thị trường vàng.

Theo ông Bình, do tình trạng vàng hóa của nền kinh tế nên có khoảng 300-400 tấn vàng bằng khoảng 15-20 tỉ đôla không được đầu tư vào sản xuất, kinh doanh, làm ảnh hưởng đến tỉ giá và gián tiếp làm cho lạm phát tăng cao. Do đó, Chính phủ đã chỉ đạo NHNN thực hiện đề án chống vàng hóa với hai mục tiêu chính: Thứ nhất là biến động của giá vàng không làm ảnh hưởng đến tỉ giá, do vậy sẽ không làm ảnh hưởng đến lạm phát và kinh tế vĩ mô. Thứ hai là ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng vàng hóa nền kinh tế, huy động ngược trở lại nguồn lực này cho phát triển kinh tế-xã hội. “Đến nay, sau một thời gian thực hiện, tuy giá vàng trong nước còn cao hơn giá thế giới từ 1 triệu đến 3 triệu đồng nhưng việc vàng hóa nền kinh tế đã được chặn đứng” - ông Bình nhận định.

Có khiếm khuyết nhưng cơ bản là tốt

Cụ thể, từ tháng 5-2012 đến nay, hệ thống ngân hàng đã mua lại được 60 tấn vàng và chuyển sang tiền để phục vụ cho phát triển kinh tế-xã hội. Đồng thời, dù giá vàng trong nước còn cao nhưng tỉ giá vẫn tiếp tục hạ và NHNN vẫn mua được ngoại tệ để tăng thêm dự trữ ngoại hối nhà nước. “Như vậy, có thể thấy rằng mục tiêu quan trọng thứ nhất của đề án chống vàng hóa của chúng ta bước đầu đã đạt được” - ông Bình nói.

Tuy nhiên, đối với việc độc quyền vàng miếng SJC, ông Bình thừa nhận khuyết điểm vì còn nhiều tồn tại. Theo ông Bình, từ ngày 25-5-2012, SJC đã chấm dứt dập vàng miếng và NHNN thực hiện vai trò độc quyền nhà nước trong dập vàng miếng. “Nhưng do vàng SJC đến thời điểm hiện nay đã chiếm tới khoảng 93%-95% của thị phần vàng miếng nên để tránh xáo trộn, cũng như chi phí phải dập lại thì NHNN sử dụng luôn mác đó và độc quyền nhà nước về mác đó chứ không có công ty SJC nào được dập vàng miếng SJC nữa” - ông Bình lý giải, đồng thời khẳng định hiện nay tất cả loại vàng miếng trước đây đã được cấp phép đều được phép lưu hành bình thường. Nhà nước không bắt buộc phải chuyển đổi từ mác vàng miếng này sang mác vàng miếng khác.

Độc quyền vàng miếng: Ai được lợi? ảnh 1

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình giải trình các vấn đề nợ xấu và thị trường vàng. Ảnh: TTXVN

“Những điều trên dù chúng tôi đã tích cực phổ biến trên các phương tiện thông tin đại chúng nhưng xét lại thì thấy còn có nhiều cách hiểu khác nhau. Do vậy, trong dư luận còn có nhiều lo lắng về vấn đề này. Do đó, chúng tôi xin nhận khuyết điểm và sẽ cố gắng phổ biến rộng rãi hơn” - ông Bình nói và cho biết đã bàn với tất cả cơ quan có liên quan để thực hiện chuyển đổi các vàng khác sang vàng SJC, “thậm chí NHNN sẵn sàng ứng trước vàng SJC cho các bên có nhu cầu để sau đó chuyển đổi sau”.

Dân thiệt, SJC lợi

Tuy nhiên, giải trình của Thống đốc Nguyễn Văn Bình không làm cho các đại biểu an tâm. “Trong báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế cũng khẳng định cơ chế quản lý thị trường vàng, kinh doanh vàng chưa mang lại hiệu quả và chưa đạt được mục tiêu đưa giá vàng trong nước sát với giá vàng thế giới. Nhận định như thế theo tôi còn nhẹ nhàng, né tránh. Chứ chúng ta thấy, bên ngoài nghị trường vẫn có hàng đoàn người đang xếp hàng để chuyển đổi, để kiểm định, để có bao bì mới của SJC và chúng ta cứ thản nhiên là người dân phải tự bảo vệ mình” - đại biểu Nguyễn Văn Hiến (Bà Rịa-Vũng Tàu) bức xúc.

Theo ông Hiến, từ khi NHNN tăng cường quản lý và siết chặt kinh doanh vàng thì thị trường vàng chia làm hai, trong đó giá vàng của SJC luôn cao hơn thế giới 2-3 triệu đồng, còn các loại vàng khác thì bám sát giá vàng thế giới. “Thống đốc nói mua vào 60 tấn vàng, tại sao Nhà nước phải mua 60 tấn vàng trong khi giá cao, tại sao không nhập khẩu vàng từ nước ngoài nếu tỉ giá ổn định” - ông Hiến chất vấn và đặc biệt băn khoăn trước việc SJC chỉ nhận gia công và nhận 5.000 đồng phí.

“Câu hỏi đặt ra là vậy SJC gia công cho ai, tại sao giá chênh lệch như vậy và chênh lệch vào túi ai, ngân sách Nhà nước có được hưởng không? Từ khi thực hiện chính sách đã gây tổn thất không nhỏ cho DN kinh doanh vàng, cho người dân phải bù tiền để chuyển đổi. Nhưng nếu DN nào được chuyển đổi - tức được phép “đội mũ” SJC thì sẽ thu lợi rất lớn” - ông Hiến chỉ rõ.

Tiếp tục bày tỏ sự bức xúc, ông Hiến dẫn chứng bất cập về việc vàng nhái, trong đó chỉ SJC mới có quyền phán là nhái hay không. “Dân muốn chuyển đổi sang vàng SJC mất 3 triệu đồng/lượng, nếu phải vàng nhái bán lại cho SJC mất 3 triệu đồng nữa. Như thế, một lượng vàng dân mất 6 triệu đồng… Chỉ có ở nước ta giá vàng mới phụ thuộc vào thương hiệu mà không phụ thuộc vào tuổi vàng” - ông Hiến nói.

Theo ông Hiến, lưu trữ vàng là truyền thống, là tập quán, vẫn tồn tại một cách khách quan trong nhân dân. “Chúng tôi đề nghị công khai minh bạch trong chính sách vàng và các chính sách khác nếu không càng làm suy giảm lòng tin đã xuống rất thấp và tạo nghi ngờ về động cơ, mục đích” - ông Hiến nhấn mạnh.

THÀNH VĂN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm