Doanh nhân Việt nỗ lực lớn giữa làn sóng COVID-19

Nhiều doanh nghiệp (DN) nhận định dịch COVID-19 là nhân tố rất khó lường, khó kiểm soát và vẫn gây nhiều khó khăn trong kinh doanh. Tuy nhiên, nhờ kinh nghiệm đối phó với các làn sóng dịch bệnh trước đó nên họ tự tin vượt “bão dịch”, tạo sức bật trên thị trường.

Thích nghi với biến động thường xuyên

Khi những thông tin về dịch bệnh COVID-19 xuất hiện trở lại trong cộng đồng, ban lãnh đạo Công ty Vissan ngay lập tức kích hoạt các phương án chống dịch để đảm bảo hoạt động kinh doanh chạy thông suốt. Ông Nguyễn Ngọc An, Tổng giám đốc Vissan, nhận định tình hình dịch bệnh rất khó dự báo nên công ty luôn luôn trong tình thế phòng ngừa một cách chủ động. Trong mọi tình huống, công ty đều có kịch bản để vừa đảm bảo việc cung ứng thực phẩm thiết yếu cho người tiêu dùng, vừa định hướng hoạt động thích nghi theo từng hoàn cảnh.

“Mặc dù vậy, chúng tôi cũng nhận thức dịch bệnh bùng phát sẽ ảnh hưởng đáng kể đến hoạt động kinh doanh, sản xuất của công ty. Rất nhiều sức ép trong thời gian tới. Sự khó khăn trong kinh doanh ở quý I-2021 vừa qua buộc chúng tôi phải nỗ lực lớn hơn nữa trong những quý còn lại mới có thể hoàn thành kế hoạch như đã hoạch định trước đó” - ông An nhấn mạnh.

Từng một thời ăn nên làm ra với các khoản lãi hàng trăm tỉ đồng mỗi năm nhưng Công ty cổ phần Phục vụ mặt đất Sài Gòn (SGN) cũng gặp không ít khó khăn khi đợt dịch thứ tư ập đến. “Trước dịch bệnh diễn biến rất phức tạp thì khó nói trước một điều gì” - ông Nguyễn Đình Hùng, Tổng giám đốc SGN, nhìn nhận.

Ông Hùng dẫn chứng: Khi làn sóng COVID-19 thứ ba tràn đến, ngay lập tức kết quả kinh doanh quý I-2021 bị ảnh hưởng nghiêm trọng, đến mức những người làm trong ngành này với hàng chục năm kinh nghiệm cũng bất ngờ. Sản lượng và lợi nhuận quý đầu năm 2021 giảm rất mạnh so với năm 2020. Nguyên nhân do mọi người sợ dịch bệnh nên hủy các chuyến bay.

Máy bay nằm đất thì công ty làm dịch vụ như SGN cũng ảnh hưởng theo. Trong khi đó, doanh thu từ dịch vụ quốc tế vốn đem lại nguồn tiền rất tốt thì giờ đây rớt xuống đáy. Lý do là nếu trước đây một hành khách chỉ cần có tiền và visa là có thể lên máy bay đến Việt Nam nhưng giờ đây muốn bay vào Việt Nam phải trải qua nhiều công đoạn, nhiều khâu xem xét, giải quyết vấn đề cấp phép.

“Trong bối cảnh trên, chúng tôi phải tiết kiệm chi phí từng chút một, sử dụng nguồn lực hiệu quả và tìm kiếm từng cơ hội để kiếm tiền. Điều quan trọng nhất là phải đảm bảo nhân viên phòng chống dịch tốt nhất nhằm không gặp nguy cơ với dịch bệnh để bị cách ly. Vì đây là ngành đặc thù, đòi hỏi phải đào tạo mới có thể làm được, mà mất người là hoạt động đình trệ ngay” - ông Hùng nói.

Trong bối cảnh dịch bệnh phức tạp nhưng nhiều công ty Việt vẫn nhìn thấy cơ hội kinh doanh ở phía trước, tung ra sản phẩm mới... Ảnh: TL

Con đường phía trước gập ghềnh

Tổng giám đốc Vinamilk Mai Kiều Liên có cái nhìn rất cẩn trọng về dịch bệnh. Bởi trên thực tế dịch COVID-19 đã kìm hãm tiến trình tăng trưởng của công ty sữa hàng đầu của Việt Nam.

“Thị trường năm 2021 hồi phục chỉ mới là dự đoán. Tháng đầu năm nay thị trường đã hồi phục rất tốt nhưng bước sang tháng 2, ngay lập tức giảm mạnh do làn sóng COVID-19 lần thứ tư xuất hiện. Hiện dịch COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp, chưa thể đoán định được, sẽ dẫn đến việc tiêu thụ sữa chưa thể tăng mạnh” - bà Liên thông tin.

Điều đáng mừng là dù chịu ảnh hưởng bởi dịch bệnh nhưng việc xuất khẩu của công ty tiếp tục có những thông tin tích cực. Đơn cử như sản phẩm sữa đặc và sữa hạt được xuất sang thị trường Trung Quốc; sữa tươi có chứa tổ yến được xuất sang thị trường khó tính Singapore.

“Năm 2020, Vinamilk đã tăng từ hạng 43 lên hạng 36 công ty sữa lớn nhất thế giới nhưng chúng tôi cũng không chủ quan. Mục tiêu của công ty là lọt vào top 30 công ty sữa lớn nhất thế giới trong 3-5 năm tới” - bà Liên tự tin và cho biết thêm thời gian tới, công ty sẽ tiếp tục giới thiệu các sản phẩm mới, chất lượng đến người tiêu dùng. Đồng thời công ty sẽ mở rộng chuỗi giá trị từ trang trại, nhà máy đến hệ thống phân phối.

Ông Lê Trí Thông, Tổng giám đốc PNJ, đánh giá làn sóng dịch bệnh sẽ khiến con đường kinh doanh của PNJ trong năm 2021 gặp nhiều thách thức nhưng vẫn có nhiều cơ hội để phát triển. Do đó, công ty sẽ tranh thủ từng thời cơ thị trường, cố gắng để tăng tốc ở mức cao nhất nhưng cũng phòng ngừa cho những tình huống xấu hơn có thể xảy ra.

“Năm nay, chúng tôi sẽ có nhiều đổi mới để thu hút khách hàng, tiếp tục xây dựng chiến lược tăng tốc cho các năm tới. Chiến lược này được thực thi bằng cách tăng cường năng lực sản xuất, cải tiến và đổi mới công nghệ, mở rộng thị trường trang sức bán lẻ và thực hiện tối đa chuyển đổi số” - ông Lê Trí Thông thông tin.

Bà Nguyễn Thị Mai Thanh, Chủ tịch HĐQT Công ty Cơ điện lạnh (REE), cũng nhìn nhận mảng kinh doanh cốt lõi cơ điện lạnh của công ty phụ thuộc nhiều vào dịch vụ bất động sản, du lịch, thương mại tại Việt Nam. Nhưng các làn sóng dịch bệnh đã gây áp lực lớn cho hoạt động kinh doanh. Trong bối cảnh trên, REE vẫn có thể tăng trưởng bằng cách chuyển hướng đầu tư mạnh mảng năng lượng mặt trời và tập trung phục vụ cho khu công nghiệp.

“Dịch bệnh lần này cũng đem lại cơ hội lớn cho chúng tôi khi thực hiện các thương vụ mua bán và sáp nhập trong các lĩnh vực điện, nước và bất động sản. Một khi dịch bệnh đi qua sẽ đem lại biên lãi cao một cách ổn định” - bà Thanh tự tin.

Lạc quan giữa mùa dịch

Theo TS Lê Anh Tú, cố vấn cấp cao của hãng nghiên cứu thị trường PwC Việt Nam, khảo sát các DN tại Việt Nam cho thấy dù kinh doanh trong làn sóng dịch bệnh nhưng họ vẫn giữ niềm tin vào tăng trưởng doanh thu dài hạn. Các chủ DN cũng đang lạc quan về triển vọng tăng trưởng của đơn vị mình.

“Điều khá thú vị là so với khu vực và trên toàn cầu, DN vừa và nhỏ tại Việt Nam đang nỗ lực tái tư duy mô hình kinh doanh để thích nghi với các làn sóng COVID-19, với mục tiêu hướng đến thúc đẩy kinh doanh” - ông Tú nhận định.

Sự lạc quan của các công ty Việt có thể thấy qua việc mặc dù chịu tác động tiêu cực từ dịch COVID-19, thị trường đầu tư tư nhân Việt Nam tiếp tục đạt đỉnh cao mới về số lượng giao dịch trong năm 2020, với tổng giá trị gần 1,2 tỉ USD, tăng hơn năm 2019. Lĩnh vực công nghệ tiếp tục đà phát triển với số lượng thương vụ cao nhất trong năm năm qua. Nhiều khoản đầu tư có xu hướng chảy vào các công ty công nghệ cung cấp các giải pháp đột phá cho bán lẻ và dịch vụ.

Kết quả cuộc khảo sát lãnh đạo DN toàn cầu do Mạng lưới Kiểm toán toàn cầu (PwC) thực hiện mới đây cũng cho thấy 76% lãnh đạo DN dự đoán tăng trưởng kinh tế sẽ cải thiện trong năm 2021. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm