Doanh nhân Việt cô độc tìm người kế nghiệp

Chia sẻ tại buổi tọa đàm, ông Huỳnh Văn Nghi, Tổng Giám đốc Công ty CP May xuất khẩu Phan Thiết, cho biết công ty của ông tạo việc làm cho 2.700 công nhân. Cả hai người con của ông đều học hành tới nơi tới chốn, tu nghiệp ở nước ngoài nhưng: “Tôi đã suy nghĩ về việc chuyển giao công ty từ năm năm trước nhưng cả hai con của tôi đều không hứng thú với công việc này nên không chịu kế nghiệp. Tôi vô cùng lo lắng vì không muốn bán công ty cho người khác, mà tìm những người xung quanh mình thì chưa thấy ai đủ năng lực” - ông Nghi phát biểu.

Trong khi đó, ông Nguyễn Như Khuê, Giám đốc Công ty Hóa nhựa Bông Sen, chia sẻ: “Con trai tôi có đầy đủ kinh nghiệm, học hành bài bản nhưng lại thiếu tinh thần doanh nhân. Đó chính là tinh thần khởi nghiệp. Trong khi tôi khởi nghiệp từ con số không thì con trai tiếp quản công ty khi mọi thứ đã được chuẩn bị sẵn. Con tôi nắm bắt rất nhanh nhưng còn thiếu sự khiêm nhường của người làm chủ mà điều này là vô cùng quan trọng”.

Ở vị thế là người kế nghiệp, anh Hồ Phước An chia sẻ băn khoăn ở góc nhìn khác: Khi làm việc cho công ty gia đình, để áp dụng mô hình quản lý chuyên nghiệp mà mình đã học hỏi được trong thời gian làm việc cho các tập đoàn lớn ở nước ngoài là điều không hề đơn giản. Ngoài ra, việc bị kiểm soát chặt chẽ về nguồn vốn cũng là một rào cản đối với người kế nghiệp khi điều hành công việc trong công ty mô hình gia đình.

Theo một nghiên cứu của Trường ĐH Harvard, có 2/3 số lượng doanh nghiệp (DN) trên toàn thế giới là tổ chức theo hình thức công ty gia đình (phần lớn quyền quyết định của công ty đó thuộc về người sáng lập hoặc tái lập công ty đó, hoặc có ít nhất một thành viên trong gia đình cùng tham gia công việc điều hành). Và 70%-90% GDP hằng năm của thế giới được đóng góp với các DN gia đình. Ví dụ, ở Đức tỉ lệ đóng góp GDP từ công ty gia đình là 57%, ở Mỹ là 63%, ở Ý là 94%...

Cũng theo các cuộc khảo sát của các tổ chức uy tín trên thế giới cho thấy các DN gia đình cũng đóng góp 50%-80% số lượng việc làm cho xã hội của quốc gia đó. Hay như ở Mexico, số lượng việc làm tạo ra từ các công ty gia đình lên tới 90%, Brazil là 85%...

Điều đó cho thấy vai trò của các công ty gia đình đối với nền kinh tế là vô cùng quan trọng. Tuy nhiên, theo khảo sát trên thế giới được thực hiện vào năm 2012 thì chỉ có 12% DN gia đình chuyển giao cơ nghiệp cho người trong gia đình được tới thế hệ thứ ba mà thôi. Còn đa phần chỉ đến thế hệ thứ hai.

"Như vậy không chỉ ở Việt Nam mà nhiều quốc gia trên thế giới việc chuyển giao cơ nghiệp cho thế hệ này sang thế hệ khác cũng gặp nhiều khó khăn nhất định. Khó có thể nói rằng vấn đề kế nghiệp và khởi nghiệp, cái nào quan trọng hơn mà chúng ta chỉ có thể khẳng định rằng vấn đề kế nghiệp là cực kỳ quan trọng. “So với khởi nghiệp thì kế nghiệp thuận lợi hơn nhiều, gần như đã có sẵn bệ phóng. Nhưng vì lý do gì rất ít DN thực hiện câu chuyện kế nghiệp thành công” - ông Giản Tư Trung, Hiệu trưởng Trường PACE, băn khoăn.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm