Doanh nhân lo người lao động về quê khó quay lại làm việc sau COVID-19

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Đây là phiên bản đặc biệt của VietNam Ceo Forum vốn là chương trình được mong chờ nhất trong giới CEO Việt Nam trong chín năm trở lại đây.

Ông Lê Trí Thông, Phó chủ tịch YBA cho biết, năm 2021 có quá nhiều biến động, nếu năm 2020, Việt Nam đứng trước “vận hội hóa rồng” cho nền kinh tế khi thành công với chiến lược “zero COVID”, năm 2021, Việt Nam rơi vào trung tâm cơn bão của những biến động, bất ổn định trước thách thức “sống chung với COVID”.  

Chương trình bàn về bước ngoặt đối với nền kinh tế Việt Nam và mang tính chiến lược cho những năm tiếp theo. Các diễn giả phần nào giải thích những thắc mắc của DN thông qua phân tích các nhận định về tiềm năng của thị trường trong và hậu dịch COVID-19.

Áo đấu của Ronaldo không đủ bán do đứt gãy sản xuất từ Việt Nam

Ông Lê Anh Tuấn, Phó Tổng Giám đốc đầu tư, Trưởng phòng nghiên cứu Dragon Capital cho biết, Việt Nam bị ảnh hưởng nghiêm trọng và thu hẹp sản xuất kinh doanh do ảnh hưởng bởi làn sóng dịch COVID-19 lần thứ 4 dẫn đến chuỗi cung ứng bị đứt gãy.

Một số DN không đáp ứng được quy định, yêu cầu về nhà máy hoạt động trong thời gian dịch bùng phát. Việc giãn cách tác động lớn đến hoạt động của doanh nghiệp FDI, người lao động, các DN vừa và nhỏ.

"Tháng 10 năm ngoái Việt Nam không có COVID-19 và thế giới đang đối phó COVID-19, DN Việt lo lắng liệu có xuất khẩu đi được hay không… Hiện nay thế giới đang dần phục hồi, DN Việt Nam vẫn chưa biết dịch giảm hay chưa, có sản xuất được hay không. Ví dụ, mới đây khi cầu thủ Cristiano Ronaldo chuyển nhượng cho MU thì tất cả áo đấu của cầu thủ này không đủ bán do có vấn đề chuỗi cung ứng từ thị trường Việt Nam” ông Tuấn dẫn chứng.

Liệu sự đứt gãycó  ảnh hưởng trong dài hạn hay không, ông Tuấn cho biết, DN Việt sẽ mất một thời gian dài để phục hồi, chưa tính đến chuyện đã có lực lượng lớn lao động về quê. Sau khi dịch COVID-19 được kiểm soát, DN muốn mời công nhân trở lại làm việc là không hề dễ.

Đồng quan điểm, ông Mai Hữu Tín, Chủ tịch Hội đồng quản trị U&I Group, cho rằng, sau dịch các nhà máy tuyển dụng được lao đông là cực kỳ khó. Số lao động đã về quê sẽ không quay lại 100%, việc phân bổ lại lao động trong nền kinh tế sẽ diễn ra.

Điều này dẫn đến nếu các nhà máy với cách làm cũ không thay đổi nhiều về công nghệ, chắc chắn sẽ thiếu lao động. Hay nói cách khác, phải đẩy chi phí lao động lên cao mới có đủ người để làm như trước đây. Đây là yếu tố ảnh hưởng đến sự phục hồi của DN. 

Cũng theo ông Tín, thời gian tới DN sẽ thiếu lao động và những công đoạn nào có thể thay thế phải được thay bằng robot. Chẳng hạn có những công đoạn dùng robot chi phí chỉ bằng hai năm lương của người lao động, từ 5.000-10.000 USD đã có một robot làm việc gấp mấy lần công nhân.

“Đây là lúc DN đầu tư ngay tự động hóa trong dây chuyền sản xuất nếu muốn giữ được nhịp sản xuất như trước đây. Đồng thời, từ kinh nghiệm những lần trước, thường phải mất hai năm DN mới có thể phục hồi lại nhưng lần này chắc chắn khó hơn” ông Tín dự báo.  

Trong khi đó, ông Albert Antoine, CEO & Co-founder Avaiga.com cho biết, các nước châu Á và các nước đang phát triển đang đi ngược lại với Châu Âu.

Chẳng hạn, trước COVID-19 Việt Nam đặt câu hỏi về chuyển đổi số còn các nước Châu Âu đặt câu hỏi là có nên “tăng tốc”, họ dùng công nghệ đầu tư nhiều thêm để tối ưu hóa quy trình hoạt động.

Đơn cử, hiện nay công ty làm với các khách hàng là chuỗi siêu thị ở Âu Châu, lúc này họ đầu tư nhiều nhất về công nghệ.

Du lịch và hàng không chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi dịch COVID-19. Ảnh:TÚ UYÊN minh họa chụp tháng 1-2021. 

Doanh nghiệp tư nhân sẽ phục hồi nhanh

Theo tổng hợp khảo sát từ hơn 10.000 DN trên toàn quốc do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam (WB) tiến hành mới đây cho thấy có 87,2% DN tại Việt Nam bị ảnh hưởng tiêu cực bởi COVID-19.

Trong đó 72,3% DN tư nhân và 74,5% doanh nghiệp FDI. Đối với DN tư nhân, các lĩnh vực ảnh hưởng lớn hơn 90% như sản xuất may mặc, thông tin truyền thông, lao động, sản xuất đồ da, gỗ…Theo báo cáo, hầu hết các ngành nghề đều bị ảnh hưởng mạnh mẽ.

Ông Mai Hữu Tín cho rằng, du lịch và hàng không là hai ngành bị tàn phá nặng nề nhất bởi những ảnh hưởng của COVID-19.

Bên cạnh đó, so với khối DN nhà nước, khối DN tư nhân có sức phục hồi nhanh hơn. Ngay khi được mở cửa trở lại, họ sẽ có hướng đi khác, thậm chí có sự dấn thân lớn hơn nữa, sẽ có sự khác biệt lớn sau dịch.

Ông Lê Trí Thông, Phó chủ tịch YBA ví von, bão đổ qua chắc chắn sẽ có cây nhỏ đổ rạp nhưng các cây nhỏ muốn trở thành cổ thụ thì phải chịu đựng cơn bão.

Đồng thời, đưa ra lời khuyên 3T dành cho DN là tỉnh táo- thoát ra khỏi những hào quang trong quá khứ, không ngủ quên trong những trận đánh thắng đại dịch vào những đợt bùng phát trước.

Tài năng- tìm ra nhân tài trong đội ngũ, vì nhân viên là tài sản quan trọng nhất. Tái tạo- sau đại dịch, DN sẽ không thể đi theo con đường như cũ nên phải khởi động lại tái cơ cấu.

Trong khi đó, ông Tuấn cũng lưu ý nếu DN muốn tái cơ cấu dự vào tình hình tài chính hiện tại của mình như vốn ở đâu, hợp tác ở với ai, làm rõ dòng tiền, tìm kiếm huy động vốn, phát hành vốn, tầm nhìn…

Theo ông Tuấn, dù trong viễn cảnh nào, nền kinh tế cũng cần được mở cửa trở lại và triển khai một cách thận trọng, bài bản theo lộ trình.

Tại nhiều thị trường quốc tế, các hoạt động kinh tế có xu hướng phục hồi mạnh mẽ ngay thời điểm kinh tế mở cửa và các chuyên gia kỳ vọng nhìn thấy điều tương tự ở Việt Nam.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm