Doanh nghiệp xoay xở mọi cách để níu chân người lao động

Dịch COVID-19 xâm nhập vào các khu công nghiệp, nhà máy thời gian qua khiến hàng loạt công ty phải đóng cửa, ngưng sản xuất. Hàng triệu người lao động (NLĐ) đã mất việc làm, thu nhập giảm, đời sống khó khăn.

Trong bối cảnh này, NLĐ và doanh nghiệp (DN) nên làm gì để duy trì quan hệ lao động, đồng hành cùng vượt qua khó khăn cũng như phục hồi hậu COVID-19? Pháp Luật TP.HCM đã có cuộc trao đổi cùng các chuyên gia Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO Việt Nam) về chủ đề này.

Để thuyết phục người lao động quay lại nhà máy, các DN cần cải thiện các chính sách an toàn và sức khỏe nghề nghiệp và phòng ngừa COVID-19.
Ảnh: PHONG ĐIỀN

Đừng ngần ngại tìm kiếm sự trợ giúp

. Phóng viên: Nhiều tháng nay, hàng loạt DN đóng cửa do dịch. Hệ lụy là hàng chục ngàn NLĐ không có việc làm, mất nguồn thu nhập, đời sống hết sức khó khăn. ILO có lời khuyên gì cho NLĐ lúc này?

+ Ông André Gama, quản lý Chương trình về an sinh xã hội ILO Việt Nam: Đây là tình huống chưa từng có tiền lệ ở nhiều khía cạnh. Trong bối cảnh hiện nay, điều quan trọng là NLĐ cần hiểu rằng những cơ chế được thiết lập từ trước là để đảm bảo duy trì an ninh thu nhập của họ.

Theo đó, đối với trường hợp mất việc làm thì bảo hiểm thất nghiệp là chế độ chính, do chính sách này được xây dựng nhằm đảm bảo an ninh thu nhập cho NLĐ sau khi bị mất việc làm trong ngắn hạn. Đây cũng là cơ chế chính mà những người bị mất việc cần cố gắng tiếp cận.

Đối với những người chưa tham gia bảo hiểm thất nghiệp, vẫn có một số nội dung trong gói hỗ trợ COVID-19 (như gói 26.000 tỉ đồng) phù hợp với họ. Đây là biện pháp hỗ trợ tài chính cho NLĐ bị cắt hợp đồng nhưng không được hưởng bảo hiểm thất nghiệp. Cuối cùng, NLĐ ở mỗi tỉnh, TP cần lưu tâm đến những biện pháp do chính quyền địa phương ban hành để được hưởng những hỗ trợ thêm.

Khi gặp khó khăn, vướng mắc thì NLĐ đừng ngần ngại tìm kiếm sự trợ giúp từ chính quyền địa phương, đại diện công đoàn, đường dây nóng của Bộ LĐ-TB&XH… để tìm hiểu thêm thông tin về các chế độ và quyền lợi của mình.

. Không chỉ NLĐ mất việc mà DN cũng lao đao vì năng suất lao động “ba tại chỗ” không cao, đồng thời chi phí xét nghiệm, ăn ở, vận chuyển, xuất khẩu hàng hóa… cũng đội lên rất lớn. Điều này khiến họ phải chật vật để chăm lo cho NLĐ. ILO có bình luận gì về điều này?

+ Ông Stephan Ulrich, quản lý Chương trình phát triển DN bền vững (SCORE), ILO Việt Nam: Mô hình “ba tại chỗ” cho phép các DN duy trì sản xuất để đảm bảo hoàn thành các đơn đặt hàng, cung cấp hàng hóa và dịch vụ cho thị trường. Tuy nhiên, mô hình này đòi hỏi phải có nguồn lực đáng kể cùng năng lực hậu cần để xây dựng và vận hành khu nhà ở, khu vệ sinh, nhà ăn tại chỗ. Đồng thời duy trì luồng hàng hóa ra, vào nhưng phải được cách ly với bên ngoài.

Nhưng kể cả khi đã đầu tư nguồn lực và áp dụng các biện pháp phòng ngừa thì DN vẫn có nguy cơ phải dừng sản xuất nếu phát hiện các ca mắc COVID-19 trong lực lượng lao động của mình. Vì vậy, DN cần cân nhắc đến tất cả yếu tố này trước khi quyết định áp dụng mô hình “ba tại chỗ”. Ngoài ra cũng cần cân nhắc đến khía cạnh động lực, sức khỏe thể chất và tinh thần của NLĐ khi quyết định mở rộng mô hình này.

Thưởng cho người lao động quay lại

. Việc NLĐ quyết định nghỉ về quê trong thời gian qua khiến các DN gặp khó khăn kép, vừa lo chống dịch vừa lo thiếu lao động. Đáng lo hơn, khi dịch bệnh được kiểm soát, DN hoạt động trở lại sẽ không có nhân lực làm việc. ILO có giải pháp gì cho vấn đề này?

+ Ông Stephan Ulrich: Thời buổi NLĐ đổ xô từ nông thôn lên các khu công nghiệp ở các đô thị đã qua rồi. Ngành công nghiệp hiện đã phát triển rộng rãi trên cả nước và NLĐ có thể tìm việc ở gần nhà hơn. Tình trạng thiếu lao động đã bắt đầu xuất hiện tại một số tỉnh, thành trước cả khi xảy ra đại dịch và đại dịch COVID-19 khiến xu hướng này ngày càng gia tăng.

Về ngắn hạn, để thuyết phục NLĐ quay lại nhà máy, các DN cần cải thiện các chính sách an toàn, sức khỏe nghề nghiệp và phòng ngừa COVID-19. Chỉ khi NLĐ cảm thấy họ được an toàn cũng như không phải đối diện với rủi ro, cả về y tế và tác động về kinh tế thì họ mới quay lại.

DN có thể áp dụng chính sách thưởng “quay lại” cho NLĐ để họ trang trải chi phí đi lại và cung cấp gói bảo hiểm COVID-19. DN cũng cần chú trọng bồi dưỡng lao động đa kỹ năng. Với sự thiếu hụt nhân công hiện nay, DN thường gặp phải tình trạng thắt cổ chai ở một số khâu sản xuất nhất định. Tuy nhiên, vấn đề này có thể được cải thiện với lực lượng lao động linh hoạt.

. Trong bối cảnh dịch bệnh vẫn còn diễn biến phức tạp như hiện nay, Chính phủ cần làm gì để hỗ trợ DN và NLĐ vượt qua khó khăn; bản thân ILO Việt Nam có chính sách gì để hỗ trợ những đối tượng này?

+ Ông Stephan Ulrich: Mới đây chương trình SCORE của ILO đã phát hành series đầu tiên về các video tự học để bồi dưỡng cho NLĐ, nhân viên quản lý những kiến thức ngắn gọn, thực tế về công việc và sản xuất ở các nhà máy. Một số khóa đào tạo này có thể hữu ích đối với họ trong bối cảnh dịch bệnh hiện nay.

Bên cạnh đó, tôi cho rằng trong trung hạn, các ngành công nghiệp có thể phải đầu tư nhiều hơn vào tự động hóa. Các lĩnh vực thâm dụng lao động có thể chuyển đến những khu vực ít đắt đỏ hơn. Chẳng hạn tỉnh Bình Dương, số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy tỉnh này hiện đạt thu nhập bình quân đầu người hằng tháng cao nhất Việt Nam.

+ Valentina Barcucci, chuyên gia kinh tế lao động ILO Việt Nam:  Chúng ta thấy rằng Chính phủ đã triển khai hàng loạt biện pháp để hỗ trợ gia đình, NLĐ, DN và mua vaccine. Tuy nhiên, để đảm bảo không ai bị bỏ lại phía sau, Chính phủ có thể sẽ cần phải tiếp tục áp dụng các biện pháp hỗ trợ cho đến khi khủng hoảng phần nào đã được kiểm soát.

. Xin cám ơn các chuyên gia ILO Việt Nam.

Hàng triệu người mất việc làm, giảm thu nhập

Theo số liệu từ Bộ LĐ-TB&XH, trong quý II-2021, cả nước có 12,8 triệu người từ 15 tuổi trở lên bị ảnh hưởng tiêu cực bởi dịch COVID-19. Trong đó bao gồm người bị mất việc làm, phải nghỉ giãn việc, nghỉ luân phiên, giảm thu nhập…

Cụ thể, trong tổng số 12,8 triệu người bị tác động tiêu cực bởi đại dịch có 557.000 người bị mất việc; 4,1 triệu người phải tạm nghỉ, tạm ngừng sản xuất, kinh doanh; 4,3 triệu người bị cắt giảm giờ làm, buộc phải nghỉ giãn việc, nghỉ luân phiên; 8,5 triệu NLĐ bị giảm thu nhập.

 

Lo thiếu nguồn nhân lực hậu COVID-19

Nhiều công ty cho biết việc NLĐ quyết định nghỉ việc về quê khiến họ gặp rất nhiều khó khăn. Hiện nhiều ngành như dệt may, da giày, điện tử… đang trong tình trạng thiếu hụt công nhân. Vì vậy, các DN đang xoay xở bằng mọi cách để giữ lại lực lượng sản xuất.

Đại diện một công ty FDI lĩnh vực may mặc tại TP.HCM cho biết: Do không đáp ứng tiêu chí “ba tại chỗ” nên công ty cho 6.000 công nhân nghỉ việc từ ngày 15-7. Trong khi quỹ lương hằng tháng vẫn phải chi khoảng 50 tỉ đồng.  Với tình hình dịch bệnh như hiện tại chưa biết khi nào công ty mới mở cửa đón công nhân đi làm trở lại.

Trước bối cảnh này, phía chủ sử dụng NLĐ và công đoàn đã bàn bạc phương án để hỗ trợ công nhân và cầm cự để giữ chân công nhân, khi điều kiện cho phép mở cửa trở lại thì có nguồn nhân lực làm việc.

Cụ thể, căn cứ nội dung thỏa ước lao động tập thể, trong điều kiện bất khả kháng trong tháng 7 và 8, công ty trả bằng mức lương tối thiểu cho NLĐ. Nếu qua tháng 9 vẫn chưa đi làm trở lại thì tính đến phương án tạm hoãn hợp đồng lao động.

 “Tuy nhiên, chúng tôi lo lắng với luồng NLĐ hồi hương khá nhiều thời gian qua sẽ khiến các công ty thiếu hụt nguồn nhân lực để phục hồi sản xuất, bù đắp các đơn hàng bị ngưng trệ” - vị đại diện DN nói.

Đại diện nhiều công ty khác cũng cho hay vấn đề mấu chốt hiện nay là đẩy mạnh tiêm vaccine để NLĐ yên tâm sản xuất trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến khó lường.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm