Doanh nghiệp Việt Nam không “lớn” lên được

Đúc kết này được đưa ra trong báo cáo thường niên DN Việt Nam năm 2012 vừa được Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) công bố vào sáng 18-4.

Ngày càng đuối

. “DN Việt Nam không lớn lên”, bà nhận định thế nào về đúc kết này?

Doanh nghiệp Việt Nam không “lớn” lên được ảnh 1
+ Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan (ảnh): Tôi đồng tình. Phần lớn DN Việt Nam là DN nhỏ và vừa, chiếm 97%, trong đó hầu hết là DN nhỏ, còn DN vừa chỉ chiếm 2%. Chỉ có một số ít DN “đại gia” mà phần lớn số này là khu vực nhà nước, số ít nằm ở khu vực tư nhân.

Số DN loại vừa rất quan trọng, là số dự bị để phát triển thành DN lớn. Quan trọng hơn, họ là cầu nối giữa các DN nhỏ và DN lớn để hình thành chuỗi liên kết. Vậy nhưng số DN này mãi cũng không lớn lên được.

Một số dẫn chứng cho thấy quy mô lao động của các DN Việt Nam có sự nhỏ đi về quy mô lẫn vốn, tuy trên danh nghĩa thì vốn có tăng nhưng trừ đi lạm phát thì thành dậm chân tại chỗ. Vì vậy nhìn về mọi mặt, 10 năm qua không thấy sự trưởng thành nào của DN ngoài thực tế có thêm một số DN đăng ký kinh doanh. Hơn nữa, trong khoảng thời gian 10 năm, thời kỳ DN bị chết nhiều nhất lại rơi vào mấy năm gần đây. Điều này cho thấy càng về sau DN càng bị đuối.

. Nhưng lâu nay chúng ta vẫn tự hào là xuất khẩu tăng trưởng mạnh, nhiều mặt hàng xuất khẩu cao nhất, nhì thế giới?

+ Về thị trường xuất khẩu (XK), DN ta được tiếng là tăng trưởng mạnh nhưng càng ngày thị phần của các nhà đầu tư nước ngoài càng tăng lên (năm 2012 chiếm đến 65%). Trong khi đó, XK của ta tăng trưởng khá chậm, các mặt hàng mạnh như gạo, cà phê thì phần lớn chỉ tăng về số lượng. Càng ngày càng nhiều DN nước ngoài đầu tư tại VN với hình thức đầu tư 100% vốn, tỉ lệ DN nước ngoài phải mua vật tư đầu vào từ bên ngoài chiếm hơn 70% trong cung ứng của họ. Có nghĩa là các DN Việt Nam không tham gia được vào chuỗi cung ứng của họ, không nhận được lan tỏa từ đầu tư nước ngoài để lớn lên.

Doanh nghiệp Việt Nam không “lớn” lên được ảnh 2

Quy mô lao động của các DN Việt Nam có sự nhỏ đi về quy mô lẫn vốn. Ảnh: CTV

Thiếu đà để bật lên

. Theo bà vì sao DN Việt Nam lại rơi vào tình trạng dậm chân tại chỗ như vậy?

73% DN cho rằng hàng tồn kho thực sự là mối lo ngại. 49% DN chọn giải pháp tìm thị trường XK mới; 34,7% DN chọn giải pháp giảm giá và 13,2% DN áp dụng giải pháp đưa hàng về nông thôn. Các DN đề nghị Chính phủ hạn chế tối đa hàng nhập khẩu không cần thiết.

+ Nguyên nhân chính bao trùm là môi trường kinh doanh của Việt Nam không bình đẳng, nguồn lực đổ nhiều vào DNNN. Đặc biệt, những năm gần đây nguồn lực tập trung vào các tập đoàn kinh tế làm cho nguồn lực của các DN vừa và nhỏ bị teo đi. Các ngân hàng nhà nước chiếm 65% thị trường tín dụng cho đến đất đai, tài nguyên khoáng sản, kể cả quyền kinh doanh của những lĩnh vực có hiệu quả cao, có giá trị thương mại cao. Vì vậy, cơ hội cho DN vừa và nhỏ không nhiều, cả về tiếp cận các nguồn lực lẫn tiếp cận thị trường. Ưu đãi với đầu tư nước ngoài cũng nhiều hơn so với DN trong nước. Với môi trường như vậy, các DN vừa và nhỏ không lớn lên được.

Thêm vào đó là chính sách. Năm 2001, Nhà nước có đưa ra nghị định phát triển DN vừa và nhỏ, năm 2009 cũng đưa ra nghị định mới nhưng thực hiện thì rất ít. Vừa rồi, Nhà nước mới công bố quỹ DN vừa và nhỏ. Như vậy, hầu hết các hỗ trợ cho DN vừa và nhỏ nằm trong chính sách trên giấy, thực hiện rất chậm chạp, không mang lại hiệu quả đáng kể cho DN.

. Còn về phía các DN, phải chăng họ còn quá rụt rè và thiếu tầm nhìn?

+ Ngoài việc yếu và thiếu về mặt nguồn lực như tôi đã nói, DN của mình cũng yếu những vấn đề cốt lõi như là hệ thống quản trị, nguồn nhân lực... Phần lớn DN hình thành theo mô hình gia đình nên không áp dụng hệ thống quản trị hiện đại để phát triển lên. Cái yếu nội tại khiến nhiều DN dè dặt chỉ hoạt động ở những thị trường loanh quanh, ít thay đổi được. Chiến lược kinh doanh của họ phần lớn họ dựa vào giá chứ không đi vào công nghệ nâng cao năng suất sản phẩm, nâng cao cạnh tranh, ngại tham gia vào các chuỗi cung ứng.

. Vậy Nhà nước cần có những chính sách gì và bản thân DN phải nỗ lực ra sao?

+ Tôi cho là thay đổi cơ chế chính sách là điều hết sức quan trọng. Điều chờ đợi nhất ở tái cơ cấu kinh tế là tái cơ cấu lại cách phân bổ nguồn lực để công khai, minh bạch, công bằng hơn và hướng đến hiệu quả. Khi công bằng hơn thì các DN vừa và nhỏ có cơ hội tiếp cận các nguồn lực.

Đồng thời, trong quá trình tái cơ cấu thì phải cải cách thể chế hướng tới tạo lập môi trường kinh doanh thực sự sòng phẳng. Mỗi loại hình DN có một vị trí nhất định trong xã hội thì DN các loại hình phải được tôn trọng như nhau. Chính sách phải đi vào cuộc sống, đừng nằm trên giấy. Bản thân DN cũng phải tự tái cơ cấu lại mình, tăng cường sự liên kết để cùng nhau phát triển lên.

. Xin cảm ơn bà.

THU HẰNG thực hiện

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm